Trên thế giới đã có những lo ngại về rủi ro lạm phát và bất ổn tài chính, gia tăng kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương thu hồi các biện pháp nới lỏng sớm hơn dự kiến, đặc biệt mới đây Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu về việc sẽ tăng lãi suất. Trong nước, các chuyên gia đánh giá, lãi suất đang ở mức hấp dẫn, nếu giảm nữa thì sẽ dẫn đến những hệ lụy.
Lãi suất đang hấp dẫn
Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành với quy mô khá lớn và liên tục, nên dư địa để NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong năm 2021 không còn nhiều. Kinh tế trong nước phục hồi, nhưng đợt bùng phát Covid-19 mới tác động tiêu cực lên tiêu dùng và khu vực dịch vụ. GDP 6 tháng đầu năm 2021 được dự báo tăng khoảng 5,8%. Với rủi ro lạm phát trong nước vẫn trong tầm kiểm soát trong các tháng đầu năm 2021, NHNN tiếp tục giữ ổn định các mức lãi suất điều hành, đảm bảo phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), đến cuối tháng 4/2021, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm 0,3%/năm so với cuối năm 2020. Lãi suất tiền gửi bằng VND ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1-3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,0-5,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6-6,7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm; lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ của các TCTD phổ biến ở mức 8-10%/năm. Lãi suất tiền gửi USD của TCTD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức; lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm.
Trong các tháng đầu năm 2021, có một số NHTM điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Đa số tại những ngân hàng này, mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp so với mặt bằng lãi suất chung. Với mức điều chỉnh mới, lãi suất huy động vẫn tương đương mặt bằng lãi suất thị trường. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục giữ nguyên hoặc điều chỉnh giảm lãi suất huy động.
Nếu so sánh biểu lãi suất ngân hàng tháng 5/2021 của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước: VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank, thì biểu lãi suất tháng 6/2021 của 4 “ông lớn” này chưa có gì thay đổi.
Cụ thể, tháng 6/2021, lãi suất tiền gửi tại ngân hàng VietinBank vẫn ổn định. Theo đó, mức lãi suất thấp nhất hiện nay của ngân hàng này là 3,10%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng. Mức cao nhất là 5,60%/năm được áp dụng tại kỳ hạn 12 tháng, 18 tháng và 24 tháng. Riêng kỳ hạn 3 tháng, lãi suất VietinBank ở mức 3,40%/năm, còn kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, mức lãi suất là 4,00%/năm.
Tương tự VietinBank, lãi suất ngân hàng BIDV và Agirbank cũng vậy. Trong số 4 “ông lớn” trên, chỉ Vietcombank hiện đang áp dụng mức lãi suất thấp nhất, thấp hơn 3 ngân hàng trên từ 0,20-0,30%. Cụ thể, tại kỳ hạn 1 tháng, lãi suất tiền gửi của Vietcombank ở mức 2,90%/năm, thấp hơn 3 ngân hàng trên 0,20%; tại kỳ hạn 3 tháng, ngân hàng này đang áp dụng mức lãi suất 3,20%/năm; tại kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, mức lãi suất là 3,80%/năm. Từ kỳ hạn 12 tháng và 18 tháng, Vietcombank áp dụng mức lãi suất 5,50%/năm; riêng kỳ hạn 24 tháng, mức lãi suất chỉ còn 5,30%, thấp hơn 0,30% so với 3 ngân hàng còn lại.
Nhận định về lãi suất, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: “Chưa bao giờ lãi suất hấp dẫn như hiện tại, nếu tiếp tục giảm sẽ có 2 hệ lụy. Thứ nhấtlà lạm phát. Tín dụng của chúng ta tăng trưởng đều 14,4%/năm, cao nhất khu vực châu Á. Thứ hai, đồng tiền không đi vào sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ cố đi vay, nhưng không đầu tư vì không có đầu ra. Họ sẽ đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, và hệ lụy có thể đến trong 5 năm tới. Như vậy, rõ ràng giảm lãi suất không phải là bài toán thông minh”.
Mặt bằng lãi suất sẽ ổn định
Những tháng cuối năm, bối cảnh thế giới và trong nước có những diễn biến khó lường. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế toàn cầu (IMF nâng từ 5,5% lên 6%; Liên hiệp quốc nâng từ 4,7% lên 5,4%; WB nâng từ 4,1% lên 5,6%), do những tín hiệu tích cực trong tiến trình phổ cập vaccine và xu thế “ bình thường mới”. Một số nền kinh tế lớn trên thế giới như tại Mỹ, Trung Quốc, châu Âu phục hồi nhanh.
Tuy nhiên, triển vọng phục hồi còn bất trắc, đặc biệt khi dịch Covid-19 ngày càng phức tạp tại Châu Á. Giá hàng hóa cơ bản (dầu mỏ, lương thực thực phẩm) đã tăng (so với cuối năm 2020, giá dầu thô WTI đến ngày 18/6 tăng 46,6%; chỉ số giá lương thực – thực phẩm FAO đến tháng 5 tăng 17,2%) và được dự báo giữ ở mức cao. Thị trường lo ngại về rủi ro lạm phát và rủi ro bất ổn tài chính, gia tăng kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương thu hồi các biện pháp nới lỏng sớm hơn dự kiến.
Kinh tế trong nước phục hồi, nhưng đợt bùng phát Covid-19 mới tác động tiêu cực lên tiêu dùng và khu vực dịch vụ. GDP 6 tháng đầu năm 2021 được dự báo tăng khoảng 5,8%. Lạm phát bình quân 5 tháng so với cùng kỳ là 1,29% - thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng so với cùng kỳ là 0,82% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2003. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát trên thế giới ngày càng tăng nên không thể chủ quan với áp lực lạm phát (giá xăng dầu được điều chỉnh tăng liên tục từ đầu năm theo giá thế giới; một số tổ chức quốc tế điều chỉnh tăng dự báo giá dầu; giá sắt thép tăng mạnh).
Theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, nhìn vào cung – cầu trên thị trường tiền tệ thì có thể dự đoán mặt bằng lãi suất sẽ ổn định.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, thực tế có quan ngại áp lực lạm phát, nhưng không đáng ngại, bởi áp lực lạm phát xuất hiện không phải do tăng trưởng kinh tế nóng hay cầu tín dụng tăng mà do giá hàng hóa cơ bản trên thế giới, trong đó nhóm tăng giá thứ nhất là nguyên vật liệu (khi một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc tăng nhập khẩu để phục hồi kinh tế), nhóm 2 là các hàng hóa cho hoạt động sản xuất, và chuỗi cung ứng hàng hóa bị ảnh hưởng do Covid-19. Do đó, áp lực lạm phát chưa phải là đáng ngại.
Cũng theo ông Thành, trong nước, dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến kinh tế, TP HCM đang giãn cách xã hội. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã giảm 3% so với tháng 4, cầu tín dụng của doang nghiệp lại yếu đi, điều này cũng là một yếu tố khiến lãi suất không tăng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà lãi suất tăng thì sẽ tác động tiêu cực đên các doanh nghiệp. “Hiện nay thanh khoản dồi dào, đã có quan ngại về lạm phát và tăng giá tài sản trong nước thời gian tới, điều này cho thấy cũng khó để giảm lãi suất thêm nữa” – ông nói.
Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu bắt đầu tiến tới thắt lại chính sách tiền tệ. Việc FED đưa ra thông điệp sẽ tăng lãi suất vào năm 2023 đã được thị trường dự đoán trước trong điều kiện kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi, lạm phát tăng, tỷ lệ việc làm được cải thiện.
Về lý thuyết, tín hiệu dự kiến tăng lãi suất của FED sẽ có xu hướng tạo áp lực tăng giá đồng USD trong ngắn hạn và luân chuyển dòng vốn quốc tế, theo đó tạo áp lực nhất định đối với thị trường ngoại tệ trong nước và làm tăng lãi suất thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước vẫn tương đối thuận lợi. Tín hiệu tăng lãi suất của FED dự kiến theo lộ trình trong trung - dài hạn, thanh khoản hệ thống được duy trì, nên áp lực đối với thị trường trong nước sẽ không lớn, ít có khả năng gây biến động đột ngột hoặc ảnh hưởng tiêu cực ngoài dự kiến đến hoạt động thị trường cũng như đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Về định hướng điều hành trong các tháng cuối năm, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất ổn định, phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ tạo điều kiện để giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế; chỉ đạo TCTD tiếp tục cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, trong năm 2021 không thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân, nhất là đối với các khoản cho vay cũ và các khoản cho vay trung, dài hạn.
Về trung và dài hạn, NHNN tiếp tục theo dõi diễn biến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước và diễn biến thị trường để chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ.