Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong các kênh đầu tư USD, vàng, chứng khoán... nhiều rủi ro và mạo hiểm thì kênh đầu tư BĐS lại sinh lời và an toàn nhất hiện nay.
Hiện nay,
lãi suất tiền gửi USD đã giảm bằng 0, lãi suất VNĐ thì đang thực dương gần 7%, tỷ giá VND/USD sẽ không tăng theo “cam kết” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ nay đến hết năm 2015, giá vàng thì chạy quanh ngưỡng 1.100 – 1.130 USD/oz, còn thị trường chứng khoán và bất động sản cứ "xập xình" lên xuống, không biết đâu là đáy của thị trường.
Trước tình hình trên, nhiều nhà đầu tư (NĐT) đang băn khoăn không biết đầu tư kênh gì vào thời điểm này là sinh lời nhất. Hiện nay, lãi suất tiền gửi USD đã giảm bằng 0, lãi suất VNĐ thì đang thực dương gần 7%, tỷ giá VND/USD sẽ không tăng theo “cam kết” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ nay đến hết năm 2015, giá vàng thì chạy quanh ngưỡng 1.100 – 1.130 USD/oz, còn thị trường chứng khoán và bất động sản cứ "xập xình" lên xuống, không biết đâu là đáy của thị trường. Trước tình hình trên, nhiều nhà đầu tư (NĐT) đang băn khoăn không biết đầu tư kênh gì vào thời điểm này là sinh lời nhất.
Vàng có hết “lấp lánh”?
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường vàng trong nước hiện nay mất đi sức hấp dẫn với các nhà đầu tư do giá vàng ít có sự biến động mạnh. Trong khi đó, giá vàng tăng hay giảm lại phụ thuộc rất lớn vào tỷ giá USD. Vì thế, việc đầu tư vàng lúc này rất nhiều rủi ro.
TS Bùi Quang Tín, Khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, phân tích hiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang hy vọng ngân hàng trung ương Mỹ có thể nâng lãi suất từ nay đến cuối năm 2015 nếu tỷ lệ lạm phát vẫn được giữ ở mức ổn định và nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để thúc đẩy thị trường lao động. Tuy nhiên, bà Yellen, Chủ tịch FED lo ngại tỷ lệ lạm phát thấp tại Mỹ hiện nay chỉ là tạm thời vì giá cả tại Mỹ hiện nay ở mức thấp, chủ yếu là do các yếu tố đặc biệt như đồng USD tăng giá cùng với giá dầu thấp.
Quan điểm này đã khiến nhiều NĐT bất ngờ truớc tuyên bố hoãn tăng lãi suất của FED tuần trước. Như vậy, đà tăng của giá vàng sẽ chững lại do FED vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong năm nay, thậm chí đến 6 tháng đầu năm 2016 tới, giá vàng vẫn sẽ quanh ngưỡng 1120-1150 USD/oz, tức là sẽ tăng không quá 3% trong vòng 9 tháng tới kể từ tháng 10 năm 2015. Đi kèm với sự tăng giá đó là rủi ro vàng có thể rớt giá xuống dưới ngưỡng 1100 USD/oz.
Đồng tình quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng khuyến cáo, đầu tư kênh vàng thời điểm này rất rủi ro vì nếu tỷ giá USD tăng thì giá vàng sẽ giảm và ngược lại. Tuy nhiên, TS Bùi Quang Tín cho rằng, nếu nhìn biểu đồ giá vàng thế giới trong 20 năm gần đây, giá vàng có xu hướng đi lên. “Rõ ràng là thị trường đã trải qua một con đường đầy chông gai trong mấy năm gần đây, nhưng nếu nhìn vào bức tranh lớn hơn, dường như một đà tăng lớn đang chờ đợi các nhà đầu tư. Trong dài hạn, từ 2 năm trở lên, giá vàng vẫn trong xu hướng tăng”, TS Tín nói.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng nếu những NĐT thích đầu tư mạo hiểm và dài hạn thì nên đầu tư kênh này vì đây vẫn là kênh sinh lời tốt nhưng rủi ro cũng rất lớn.
USD sẽ không tăng quá 2% trong 9 tháng tới
Mới đây, việc NHNN giảm lãi suất huy động USD xuống còn 0% để ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ khiến nhiều người trữ USD băn khoăn, không biết nên tiếp tục giữ lại, mua vào thêm hay bán đi. Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định tỷ giá VND/USD sẽ không tăng từ nay đến cuối năm 2015 bởi NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá VNĐ/USD 3 lần trong 9 tháng qua. Việc điều chỉnh này đã chủ động đối phó với việc tăng lãi suất USD của FED và với sự phá giá của đồng tiền các nước trên thế giới khi kinh tế của các Quốc gia này đang trở nên khó khăn. Từ đó, NHNN cam kết sẽ không điều chỉnh tỷ giá nữa từ nay cho đến cuối năm 2015.
TS Bùi Quang Tín nhận định, có khả năng sang năm 2016, NHNN sẽ tiếp tục tăng tỷ giá, nhưng, tỷ giá VND/USD sẽ không tăng quá 2% trong 6 tháng đầu năm 2016 và lãi suất tiền gửi USD cũng vẫn duy trì ở mức 0% đối với doanh nghiệp. Như vậy,
đầu tư USD thời điểm nay không phải là cách khôn ngoan.
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, đầu tư USD lúc này rất bất lợi. Tuy nhiên, đến cuối năm vẫn chưa chắc chắn sẽ như thế nào. Trên thực tế, những người có nhu cầu mua USD để thanh toán quốc tế hay những “bà nội trợ” tích trữ tiền USD cho con đi du học sau này thì việc lãi suất tiền gửi USD tăng hay giảm không quan trọng. Bởi nếu bán USD thời điểm này có thể lợi hơn so với đầu năm, nhưng nếu mua lại USD thì sẽ lại là mất giá. Vì thế, rất khó nói đầu tư USD có sinh lời hay không.
Nhưng với lãi suất tiền VNĐ có thể tăng từ nay đến cuối năm, TS Bùi Quang Tín cho rằng người dân có thể chuyển USD sang gửi tiền VNĐ. Theo phân tích của TS Tín, hiện lãi suất tiền gửi VNĐ ở kỳ hạn 12 tháng cao nhất ở một số ngân hàng lên đến 7,4%/năm. Dự kiến, lãi suất có thể tăng thêm 1-2%/năm trong vòng 6 tháng tới khi mà các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản... trở nên sôi động hơn, lúc đó, nhu cầu vốn VNĐ sẽ ngày càng tăng. Do đó, tính bình quân trong vòng 9 tháng tới thì lãi suất được hưởng cũng khoảng gần 7% nếu chúng ta gửi tiền vào ngân hàng. Như vậy, gửi tiết kiệm vừa an toàn vừa sinh lời, dù không cao, rất thích hợp cho những người không ưa mạo hiểm.
Đầu tư chứng khoán, kỳ vọng cổ phiếu Blue chip
Nói về kênh đầu tư này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, kênh này cũng nhiều rủi ro do thời gian qua liên tục mất điểm. Theo đó, kênh chứng khoán chỉ phù hợp cho những nhà đầu tư dài hạn, với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, có tài khoản dưới 100 triệu thì tốt nhất nên gửi tiền tiết kiệm sinh lời.
TS Bùi Quang Tín cũng thừa nhận thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục lình xình và ít có sự bứt phá, dễ bị tác động bởi những yếu tố tâm lí, chính sách điều hành của Chính Phủ. Tuy nhiên, khả năng tăng trưởng của TTCK trong dài hạn là rất lạc quan. Thứ nhất, thị trường đang được hỗ trợ bởi sự cải thiện của kinh tế vĩ mô. Thứ hai, Việt Nam đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của thị trường mà nới room là điển hình.
Theo tính toán của TS Tín, tỷ lệ thu nhập hàng năm từ đầu tư (Yield) của TTCK Việt Nam hiện khoảng trên 8%, mức thu nhập bình quân trên 1 cổ phiếu (EPS) khoảng 13%/năm, với hệ số giữa giá cổ phiếu trên lợi nhuận (P/E) thị trường chung 7-8 lần (không tính nhóm cổ phiếu ngân hàng). Như vậy, để đầu tư sinh lời NĐT nên lựa chọn nhóm cổ phiếu mà 6 tháng cuối năm thường đem về lợi nhuận nhiều nhất. Điển hình, doanh nghiệp dựng, xây lắp (như CTD, FCN, LCG, HUT, PPI), viễn thông (ITD, ELC), bất động sản (KDH, BCI, VPH, ITC, CEO) và vật liệu xây dựng (BMP, DNP, DHA, KSB). Kết quả kinh doanh của các nhóm DN này có thể sẽ tích cực nhất trong quý cuối năm. Bên cạnh đó, các DN thuộc lĩnh vực kho vận, đại lý vận tải (VSC, HMH, MAC, SFI) và bán lẻ ô tô (SVC, HHS) cũng bắt đầu vào mùa kinh doanh sôi động từ tháng 9 hàng năm.
Nhưng dù có mức sinh lời khá cao vào khoảng trung bình từ 8 – 10%, nhiều chuyên gia cho biết đi kèm với mức sinh lời đó là rủi ro cũng không nhỏ, khi mà thị trường tài chính vẫn còn ẩn chứa nhiều sự bất ổn trong thời gian tới.
Bất động sản nhiều tiềm năng
Trong khi các kênh trên không được các chuyên gia mặn mà khuyến cáo đầu tư thì kênh BĐS lại đem nhiều niềm tin và hy vọng hơn về lợi nhuận có thể đem lại trong thời gian tới. Báo cáo mới đây nhất của Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho thấy, trong 8 tháng 2015 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có khoảng 14.750 giao dịch thành công, con số này tăng gấp khoảng 2 lần so với cùng kỳ 2014.
Báo cáo thị trường quý 3/2015 của công ty nghiên cứu thị trường CBRE Việt Nam cũng thể hiện rõ, thị trường BĐS có diễn biến tích cực, thúc đẩy lượng tiền đổ vào từ người mua nhà. Các dự án mới và đang xây dựng có mức tăng giá cao hơn so với các dự án đã hoàn thiện trước đây. Giá sơ cấp bình quân cũng tiếp tục tăng với mức 5%-7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi tức nhà cho thuê ở Việt Nam hiện nằm trong khoảng 5%.
Một dấu hiệu khác của sự tăng trưởng mạnh ở lĩnh vực địa ốc, đó là dòng tiền từ ngân hàng được “bơm” cho địa ốc tăng mạnh. Theo đó, các ngân hàng gần đây ồ ạt bơm tiền cho BĐS, khiến tín dụng đổ vào BĐS tăng 11%. Bên cạnh đó, hiện nay chính sách nới lỏng cho vay BĐS khi giảm hệ số rủi ro với các khoản khó đòi trong lĩnh vực này từ 250% xuống 150% và tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn từ 30% lên 60%, đã thúc đẩy dòng vốn này chảy vào lĩnh vực này.
Với những tín hiệu trên, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng BĐS hiện đang trên đà phục hồi tốt, giá cả lại phải chăng. Nếu mua thời điểm này NĐT có thể được giá vừa có vị trí tốt. Còn TS Bùi Quang Tín cũng cho rằng đây là thời điểm và cơ hội tốt để đầu tư BĐS tại Việt Nam, khi bước vào giai đoạn chín muồi. “Trong 5 năm tới, BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, các chính sách kinh tế và chính sách riêng cho thị trường BĐS, các gói kích cầu và những sửa đổi trong luật kinh doanh BĐS đang phát huy tác dụng, đưa lĩnh vực này phát triển sang một giai đoạn mới”, TS Tín lạc quan, “theo đó, tỷ suất sinh lời hiện nay khi đầu tư vào BĐS trung bình vào khoảng 5-7% cho các dự án tốt”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng kênh BĐS vẫn nhiều rủi ro do thị trường BĐS luôn có sự liên hệ mật thiết với nền kinh tế vĩ mô. Hiện tại, yếu tố kinh tế vĩ mô còn có nhiều vấn đề như trong hệ thống ngân hàng thương mại: nợ xấu, hệ thống quản trị rủi ro, quản trị nội bộ còn nhiều yếu kém, quá trình M&A vẫn đang tiếp diễn... Quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn nhiều cam go sẽ góp phần không nhỏ đẩy thị trường BĐS quay lại giai đoạn trầm lắng. Vì vậy, trước khi đầu tư vẫn nên cân nhắc và chọn lựa kỹ các dự án tốt để tránh rủi ro.