Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) ngoài Trụ sở chính tại Hà Nội cũng có 8 chi nhánh đặt tại các khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước. Như vậy, để có thể gắn bó các cá nhân trong tổ chức, đồng lòng thực hiện mục tiêu chung, phát triển tổ chức vững mạnh, trường tồn, mà trong trường hợp BHTGVN là một tổ chức BHTG hiệu quả, cần phải xây dựng, củng cố văn hóa tổ chức trên cơ sở những “mã gien” về tầm nhìn, sứ mệnh, hoạt động, con người, từ đó khơi dậy nguồn nội lực mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Văn hóa – “mã gien” của mỗi tổ chức
Văn hóa tổ chức hay văn hóa doanh nghiệp, theo GS. TS. Từ Thị Loan - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, được hiểu là “toàn bộ các giá trị văn hóa được gây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, trở thành các giá trị, chuẩn mực, quan niệm, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích đề ra, tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp cũng chính là “trụ cột tinh thần” làm nên cốt cách của doanh nghiệp, là chất keo gắn kết các thành viên hướng tới những mục tiêu chung và hành động chung. Trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, thường tập hợp nhiều thành viên là những người khác nhau về trình độ, quan hệ xã hội, năng lực, tính cách… tạo nên một môi trường làm việc đa dạng và phức tạp. Muốn tồn tại và phát triển bền vững, doanh nghiệp cần là nơi tập hợp, phát huy mọi nguồn lực con người, xây dựng và duy trì một môi trường văn hóa mà ở đó các thành viên đều có những giá trị chung để chia sẻ và đồng thuận, cùng hướng đến mục tiêu chung.”[1]
Nhìn từ góc độ này, văn hóa tổ chức của BHTGVN chính là bản sắc của người DIV, thể hiện những giá trị riêng có, chuẩn mực, quan niệm, truyền thống của tổ chức. Văn hóa tổ chức không giữ nguyên một trạng thái cố định mà luôn luôn có những biến đổi vi tế, bởi văn hóa phản ánh con người và ngược lại. Do đó, việc xây dựng văn hóa tổ chức cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhằm định vị, định hình văn hóa phù hợp với con người cũng như con người phù hợp với văn hóa.
Theo Edgar Henry Schein - cựu Giáo sư Trường Quản lý MIT Sloan – chuyên gia phát triển tổ chức và văn hóa doanh nghiệp, cấu trúc của văn hoá tổ chức có thể chia thành ba cấp:
Cấp độ thứ nhất - Cơ cấu hữu hình của tổ chức: Là những giá trị văn hóa hữu hình, bao gồm các sự vật và sự việc mà một người có thể nghe, nhìn và cảm nhận khi tiếp xúc lần đầu với tổ chức đó. Các yếu tố này dễ thay đổi và ít khi thể hiện được những giá trị thực sự trong văn hóa tổ chức. Ví dụ như: Cơ cấu tổ chức phòng ban, các văn bản chính sách, kiến trúc văn phòng, logo và khẩu hiệu, mẫu mã sản phẩm, đồng phục nhân viên,... BHTGVN đã xây dựng và ban hành Bộ nhận diện thương hiệu từ năm 2016 để sử dụng thống nhất trong các hoạt động trực tuyến cũng như ngoại tuyến, trong các giao tiếp văn bản cũng như truyền thông sự kiện… Slogan “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền” đi kèm logo của BHTGVN hiện diện trên tất cả các mẫu ấn phẩm, văn phòng phẩm và sản phẩm truyền thông tạo nên sự nhận biết trong và ngoài tổ chức, đồng thời thể hiện giá trị mà BHTGVN đang hướng tới. Có thể thấy, BHTGVN đã hoàn toàn đạt được mức độ cơ bản về văn hóa tổ chức.
Cấp độ thứ hai - Các giá trị được tuyên bố/ chấp nhận: Là những giá trị được tổ chức công bố rộng rộng rãi, có thể nhận biết ngay từ văn bản, cách diễn đạt và cách thể hiện của nhân viên. Tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, chiến lược và mục tiêu,... đóng vai trò là kim chỉ nam cho hoạt động của toàn bộ nhân viên trong tổ chức. Thời gian qua, đối với mỗi cán bộ mới gia nhập BHTGVN đều được tham gia chuỗi sự kiện giới thiệu về BHTGVN. Bên cạnh đó, BHTGVN đã tích cực tổ chức các cuộc thi nội bộ như cuộc thi sáng tác slogan, cuộc thi hiến kế để bảo vệ người gửi tiền hiệu quả hơn, cuộc thi giao lưu chuyên môn nghiệp vụ… Qua đó, mỗi cán bộ BHTGVN có được một môi trường cởi mở để tìm hiểu về chức năng, nhiệm vụ, chiến lược, mục tiêu và các giá trị của tổ chức cũng như được trao đổi, đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng các chiến lược, mục tiêu này. Những giá trị của BHTGVN không chỉ được truyền đạt qua các văn bản quản trị, điều hành mà còn khơi gợi được sự chủ động, tương tác và sáng tạo từ cán bộ, người lao động, để mỗi người đều có một phần đóng góp trong những giá trị đó.
Cấp độ thứ ba - Các quan niệm chung: Cấp độ này khó nhận ra và cũng khó điều chỉnh bởi chúng nằm sâu từ bên trong tổ chức, ăn sâu vào suy nghĩ của hầu hết các thành viên và trở thành thói quen chi phối hành động. Ví dụ như: văn hoá dân tộc, văn hoá hoạt động… Khi các thành viên cùng nhau chia sẻ và hành động theo văn hóa chung, họ sẽ rất khó chấp nhận những hành vi đi ngược lại. Đây là cấp độ cao nhất, có tính “đồng bộ hóa” cách hành xử, tương tác, giao tiếp của mỗi cá nhân trong một tổ chức, đồng thời thể hiện tính thực tiễn trong văn hóa tổ chức. Tuy vậy, “đồng bộ hóa” không có nghĩa là khiến mỗi cá nhân mất đi cá tính và hành xử một cách máy móc, mà quá trình là xác lập những giá trị chung mà các cá nhân trong tổ chức tôn trọng, tham gia xây dựng. Đối với BHTGVN, tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên đã đóng vai trò trung tâm trong việc phát động các phong trào xây dựng văn hóa nội bộ, gia tăng tương tác, xây dựng đội nhóm, sinh hoạt chuyên đề… Đồng thời, việc xây dựng Phòng truyền thống của BHTGVN cũng sẽ là một trong những công cụ để giữ gìn và phát triển văn hóa tổ chức. Tuy nhiên, để đạt được cấp độ thứ ba một cách toàn diện, cần không ngừng đẩy mạnh các hoạt động xây dựng văn hóa tổ chức nhằm củng cố, hoàn thiện và khuyến khích các hoạt động tương tác tích cực trong nội bộ BHTGVN.
Mỗi người BHTGVN là một “đại sứ thương hiệu” của BHTGVN
Mỗi cá nhân trong tổ chức đều đóng vai trò trong việc định hình văn hóa của tổ chức đó. Tuy nhiên, từ góc độ ngược lại mỗi cá nhân cũng là đại diện của văn hóa - con người trong tổ chức đó.
Có thể thấy, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, bên cạnh ấn tượng về vẻ đẹp thiên nhiên, chiều sâu lịch sử - văn hóa, còn ấn tượng với sự thân thiện và hiếu khách của con người Việt Nam. Sự thân thiện dần trở thành một dấu ấn mang tính quốc gia, dù mỗi du khách tới Việt Nam thường chỉ tiếp xúc trực tiếp với một vài chục người trong suốt hành trình của họ chứ không phải một cuộc điền dã hay khảo sát trên quy mô lớn. Ấn tượng về sự thân thiện được bồi đắp qua mỗi người Việt Nam mà du khách nước ngoài tiếp xúc, và khi ấn tượng ấy đồng nhất, sẽ trở thành dấu ấn khó phai.
Tương tự như vậy, trong những giao tiếp công việc với tổ chức, cá nhân bên ngoài, những ứng xử, ngôn ngữ, thái độ, suy nghĩ của người BHTGVN sẽ góp phần xây dựng nên ấn tượng tổng thể của đối tác nói riêng và công chúng nói chung về BHTGVN. Điều này đòi hỏi bản thân mỗi người phải không ngừng trau dồi, học hỏi, hoàn thiện bản thân.
Nhìn ngược lại, để cán bộ, viên chức BHTGVN có thể chủ động tích cực với vai trò “đại sứ thương hiệu” của BHTGVN, họ cần thực sự cảm thấy tự hào, vinh dự được là một “người BHTGVN”. Để đạt được điều đó, các bộ phận chuyên môn, đoàn thể thuộc BHTGVN đẩy mạnh truyền thông nội bộ, bồi đắp văn hóa tổ chức, xây dựng môi trường làm việc cởi mở, thân thiện, lấy người lao động làm trung tâm. Như vậy, BHTGVN sẽ tự có được một sức hút riêng, thu hút nhân tài và giữ chân nhân tài, tránh chảy máu chất xám, đồng thời nâng cao nguồn nhân lực của tổ chức.
Bên cạnh đó, trên khía cạnh chuyên môn, BHTGVN được giao “tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHTG”. Tuy nhiên, không nên coi trách nhiệm tuyên truyền về BHTG là trách nhiệm riêng của một đơn vị phòng, ban riêng biệt, mà cần hướng tới mỗi cán bộ BHTGVN đều là một tuyên truyền viên, mỗi bộ phận, đơn vị từ góc độ của mình đều có sự đóng góp vào quá trình truyền thông chính sách. Để có thể thực hiện được điều này, mỗi cán bộ BHTGVN cần nắm chắc các nội dung cơ bản của chính sách BHTG, chủ trương, định hướng của BHTGVN nhằm tuyên truyền, giải thích các thắc mắc của công chúng, của đối tác, thậm chí là của bạn bè, người thân trong gia đình… Đó cũng là một động lực để lan tỏa chính sách BHTG ngày càng rộng khắp
[1] GS. TS. Từ Thị Loan (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) - Văn hóa doanh nghiệp với sự phát triển bền vững của đất nước – Tạp chí Cộng sản ngày 10-05-2022