TS. Nguyễn Xuân Thành, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, ban đầu Quốc hội dự tính đưa dự án Luật Xử lý nợ xấu và Tái cơ cấu NH vào nghị trình làm luật trong tháng 5/2017. Nhưng một số quan điểm lo ngại khâu bán tài sản đảm bảo nợ vay NH có thể đụng đến quyền sở hữu nhà ở của công dân đã được ghi trong Hiến pháp nên lại chuyển sang xây dựng Nghị quyết của Quốc hội.
Giao dịch bảo đảm giữ quyền tài sản
Trên nguyên tắc quyền sở hữu tài sản của công dân được Nhà nước bảo hộ và không ai được phép xâm phạm. Lãnh đạo các NHTM cho rằng, tài sản là nhà, đất được cá nhân, DN mang ra sử dụng làm tài sản đảm bảo nợ vay với các NH để có vốn kinh doanh đã được đăng ký giao dịch bảo đảm với cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, chỉ khi bên vay vốn không trả được nợ, nếu có bản án của tòa NH mới được quyền phát mãi tài sản để thu hồi vốn gốc và một phần lãi vay, vốn là tiền gửi của nhân dân. Trên nguyên lý, NH là một định chế tài chính trung gian có chức năng huy động vốn từ dân cư và sử dụng nguồn vốn đó cho vay trở lại xã hội. Nếu NH không thu hồi được vốn vay sẽ ảnh hưởng đến việc trả lãi và tiền gửi tiết kiệm của người dân.
Ông Phạm Quang Hưng, Giám đốc tuân thủ của HSBC Việt Nam cho biết, “theo quy định hiện hành khách hàng khi không trả được nợ vay đến hạn, NH sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng thu hồi nợ và cuối cùng mới thông qua tòa án có thẩm quyền phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ”. Mặc dù hợp đồng tín dụng hiện nay có ghi rõ nếu bên vay vốn không trả được nợ NH có quyền bán tài sản đảm bảo nợ vay để thu hồi vốn. Nhưng lãnh đạo các NHTM cho rằng trong thực tiễn để bán được tài sản thế chấp nợ vay NH phải đi qua rất nhiều công đoạn nhiêu khê mới thu hồi được nợ.
Trong một khảo sát của NH Thế giới (WB), bình quân mỗi khoản vay xảy ra nợ quá hạn các NHTM Việt Nam phải mất 400 ngày mới giải quyết xong. Thực tế, theo các NHTM họ đang phải xử lý mất ít nhất 2 năm mới xong một khoản vay bị nợ quá hạn. Chưa kể, yếu tố giảm giá tài sản trên thị trường có thể gây ra những rủi ro rất lớn cho NH trong quá trình xử lý một khoản nợ xấu kéo dài. Nguyên do, các NHTM cho vay vốn hiện nay nếu xảy ra nợ xấu, thậm chí có bản án của tòa có thẩm quyền nhưng quá trình thi hành án chủ nợ vẫn không có quyền sở hữu tài sản đảm bảo nợ vay. Theo đó, NH có phát mãi tài sản cũng không có quyền chuyển quyền sở hữu nhà ở, đất ở, dự án BĐS... của khách hàng thế chấp vay vốn nếu con nợ chây ì.
Cảnh báo sớm rủi ro nợ xấu
Thống kê của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN), hình thức phát mãi tài sản để thu hồi nợ tính đến nay vào khoảng 3% tổng số nợ xấu xử lý trong những năm qua của toàn hệ thống NH. Tổng giám đốc một NHTMCP ở TP.HCM cho biết, cực chẳng đã các NH mới phải kiện ra tòa đối với một khoản vay quá hạn không trả được nợ. Thế nhưng khi có bản án, thi hành án bước vào thực hiện nhiệm vụ lại yêu cầu NHTM ứng trước tiền phí thi hành án trước trong khi NH chưa thu hồi được nợ.
“Cơ quan thi hành án còn yêu cầu một chi nhánh NHTM trên địa bàn thuê cho một căn nhà để các chấp hành viên có chỗ làm việc khi chưa thu hồi được nợ” - Giám đốc chi nhánh NHNN ở phía Nam nói.
Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM, lý giải hậu quả của suy giảm kinh tế những năm trước, kéo theo đến thời điểm này làm cho thị trường BĐS chưa có phục hồi tích cực, dẫn đến tình trạng kê biên nhà đất nhưng bán đấu giá không có người mua, trong khi quy trình thủ tục xử lý tài sản, nhất là thủ tục xử lý BĐS quá rườm rà, ảnh hưởng lớn việc thu hồi các tài sản quy ra tiền.
Ông Lê Hữu Hòa, Cục phó Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM cho biết, nguyên nhân khó khăn do nhiều cá nhân bị tuyên án với mức phạt tiền rất cao, trong khi họ lâm vào cảnh kiệt quệ tài sản hoặc mất địa chỉ, không thể thi hành án. Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng khiếu nại tố cáo kéo dài để xét xử lại nhiều lần làm vụ việc trở nên phức tạp và kéo dài thời gian thi hành án.
Theo Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM, có 2.336 vụ việc cần phải giải quyết liên quan đến tín dụng, NH trong 3 tháng đầu năm 2017, với tổng số tiền hơn 29,3 ngàn tỷ đồng. Kết quả trong 3 tháng đầu năm nay đơn vị này mới giải quyết được 230 vụ việc thu hồi gần 2.600 tỷ đồng. Thông tin mới hay, từ đầu năm 2017 đến nay Tổng cục Thi hành án Dân sự đã trực tiếp cử các đoàn vào các chi nhánh NHTM Nhà nước ở TP.HCM, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thi hành án kéo dài nhiều năm.
Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến cuối năm 2016 tổng số nợ xấu nội bảng của hệ thống NH ở mức 2,46% tổng dư nợ. Nếu cộng thêm 195 ngàn tỷ đồng nợ xấu ngoại bảng thì tổng số nợ xấu toàn hệ thống ở mức 5,8% tổng dư nợ. Nếu quy định cho phép NHTM bán tài sản đảm bảo nợ vay khi bên vay không thể thanh toán được nợ đến hạn trong Nghị quyết xử lý nợ xấu được hiện thực hoá trong kỳ họp Quốc hội cuối tháng 5 này, các nhà kinh doanh BĐS trong tương lai sẽ hạn chế lệ thuộc vào vốn tín dụng. Về lâu dài hoạt động bán tài sản nợ xấu vẫn cần có một chế định đủ mạnh có tính cảnh báo sớm đối với quan hệ vay nợ để ngăn chặn nợ xấu và bên vay có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng vốn NH.