Điểm qua diễn biến khủng hoảng tài chính
Thị trường tài chính thế giới đang trải qua những ngày tháng “cực kỳ căng thẳng” [1], đề tài nóng nhất hiện nay là Chính phủ các nước (chủ yếu là các nước công nghiệp phát triển) đã và sẽ làm gì để chấm dứt hay ít nhất cũng làm giảm tác động xấu từ cuộc khủng hoảng này có thể gây ra.
Nhìn lại nguyên nhân và quá trình diễn ra khủng hoảng chúng ta có thể thấy “Tâm bão” bắt đầu từ Mỹ mà xuất phát điểm từ sự cố nợ dưới tiêu chuẩn (sub-prime) [2]. Có thể hiểu đơn giản nợ dưới tiêu chuẩn là các khoản cho vay nhóm đối tượng có mức tín nhiệm thấp, thu nhập không ổn định, có mức độ rủi ro cao. Sau đó các khoản nợ dưới tiêu chuẩn này trong lĩnh vực bất động sản đã được chứng khoán hóa (securitisation) thành các MBS (Mortgage backed securities) [3] - đây là một loại chứng khoán (trái phiếu – chứng khoán nợ) phái sinh có gốc là các hợp đồng cho vay bất động sản có thế chấp - do các tổ chức tài chính phố Wall phát hành và được giao dịch trên toàn thế giới (tất nhiên nó đã được các tổ chức định mức tín nhiệm (Credit rating agencies) đánh giá và mức lãi suất tương đối phù hợp với mức độ rủi ro nên việc phát hành và giao dịch đều diễn ra suôn xẻ). Theo ước tính con số MBS đã lên đến 12.000 tỷ USD (theo “International Swap and Derivatives Association” - Hiệp hội hoán đổi chứng khoán phái sinh).
Không may, trong vài năm trở lại đây thị trường bất động sản liên tiếp hạ nhiệt, nền kinh tế cũng không còn giữ được mức tăng tưởng cao, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, đây là lúc nợ dưới tiêu chuẩn cho thấy mặt trái của nó. Hậu quả là một số lớn hợp đồng cho vay bất động sản dùng để bảo đảm cho các trái phiếu MBS là nợ xấu (khoảng 4.000 tỷ USD chiếm khoảng 30% - theo “International Swap and Derivatives Association”), các trái phiếu MBS mất giá trên thị trường thứ cấp, thậm chí “đóng băng”, khiến cho các nhà đầu tư nắm giữ chúng (chủ yếu là các ngân hàng và công ty tài chính, bảo hiểm) bị thiệt hại. Các ‘đại gia” tài chính của Mỹ, thành phần tích cực tham gia giao dịch MBS lần lượt thông báo các khoản lỗ khổng lồ liên tục trong nhiều tháng khiến niềm tin của công chúng bị suy giảm kéo theo giá cổ phiếu của các tổ chức này trên thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, huy động vốn gặp khó khăn và mất dần khả năng thanh khoản.
Danh sách những tổ chức tài chính hàng đầu nước Mỹ (kể cả về quy mô nguồn vốn cũng như bề dầy lịch sử) bị đổ vỡ liên tiếp trong thời gian ngắn và ngày một dài thêm: Bear Stern, Indy Mac, Fannie Mae, Freddie Mac, Lehman Brothers, Meryll Lynch, Washington Mutual, Vachovia, Morgan Stanley, Goldman Sachs…gây ra một cơn địa chấn cực mạnh trong làng tài chính thế giới và nó nhanh chóng lan sang cựu lục địa nơi cũng có các tên tuổi lớn quan hệ mật thiết với các tổ chức tài chính Mỹ như New Century Financial, Northern Rock, HBOS, Bradford & Bringley (Anh quốc), Dexia (Pháp-Bỉ-Luxembourg), Fortis, Hypo (Đức), Glitnir, Landsbanki (Iceland)…
Chính Phủ các nước vào cuộc – vai trò BHTG được đẩy lên cao
Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ Mỹ và Chính phủ Mỹ cũng ứng phó rất nhanh ngay khi có triệu chứng đầu tiên, đó là liên tục là cắt giảm lãi suất, bơm thêm tiền vào lưu thông và mới đây nhất là đại kế hoạch 700 tỷ USD vừa được lưỡng viện thông qua ít ngày trước. Tại Châu Âu, hàng loạt các cuộc họp bàn về phương pháp đối phó đã diễn ra với kết quả thống nhất cần có sự can thiệp của các chính phủ, biện pháp áp dụng giống nhau song mức độ khác nhau tại từng nước. Các chính phủ bảo thủ như Đức (phản đối việc can thiệp trực tiếp vào thị trường tự do) cũng bắt đầu ra tay. Châu Á chưa có những ảnh hưởng trực tiếp nặng nề như Châu Âu song chính phủ các nước như Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hồng Kông… cũng đã có những động thái hỗ trợ đầu tiên.
Một điều dễ nhận thấy là tại các quốc gia có tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) thì bên cạnh các công cụ, biện pháp can thiệp thị trường của chính phủ là việc điều chỉnh một số nội dung trong chính sách về BHTG để đáp ứng tình hình thực tế. Trong đó, chủ yếu là nâng mức trần về BHTG với biên độ lớn.
Tại Mỹ, trong gói giải pháp 700 tỷ đô la có điều khoản nâng mức BHTG tối đa từ 100.000 $ lên đến 250.000$; Chính phủ Anh Quốc nâng mức trần từ 20.000£ lên 50.000£. 27 nước thành viên EU đã nhất trí nâng mức trần BHTG từ 20.000€ lên 100.000€. Thậm chí, trái ngược với những tuyên bố phản đối trước đó nhằm vào Hy Lạp và Iceland, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ đảm bảo 100% các tài khoản tiết kiệm cá nhân. Đây là một nỗ lực nhằm giảm nhẹ lo lắng của người dân về sự bất ổn của hệ thống ngân hàng Đức và đưa Đức trở thành quốc gia thứ 3 trong liên minh đưa ra mức BHTG không hạn chế.
Việc đồng loạt nâng mức trần BHTG, thậm chí là đảm bảo 100% tiền gửi cá nhân của các quốc gia đang lún sâu vào khủng hoảng cho thấy ngoài việc đảm bảo tốt hơn lợi ích của người gửi tiền thì đằng sau nó là việc chấn an tinh thần các nhà đầu tư. Ở đây, vai trò góp phần ổn định hệ thống của BHTG đang phát huy tác dụng của nó và được các nước đánh giá cao và sử dụng triệt để như là giải pháp đầu tiên chống khủng hoảng.
Với lượng khổng lồ MBS như đã nói ở trên thì sự tàn phá của nó trong hệ thống tài chính toàn cầu là không thể lường hết được. Việc khống chế và đẩy lùi bão tài chính còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: từ nội lực của các tổ chức tài chính bị “nhiễm độc” đến cách thức hợp tác toàn cầu và sự can thiệp kịp thời, đúng hướng của chính phủ các quốc gia. Đến nay, còn quá sớm để đánh giá hiệu quả việc sử dụng các công cụ chính sách can thiệp thị trường của các quốc gia. Song, chúng ta có thể nhận thấy tầm quan trọng của chính sách BHTG trong nỗ lực nhằm giảm bớt rủi ro thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, từng bước khôi phục niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính của mỗi quốc gia và là công cụ không thể thiếu trong quá trình bình ổn thị trường tài chính./.
[1] Tuyên bố của Bộ trưởng tài chính Mỹ Henry Paulson ngày 02/10/2008.
[2]Khủng hoảng nợ dưới tiêu chuẩn tại Mỹ:từ A tới Z/ Mạc San/ Vneconomy
[3] Kinh tế Việt Nam có vượt qua cơn bão tài chính Mỹ?/ Nguyễn Kiến Thành/
Vneconomy\