Phát huy vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong tái cấu trúc các TCTD
Sau 20 năm thành lập và phát triển, BHTGVN đã từng bước triển khai đầy đủ các hoạt động nghiệp vụ, bảo vệ cho hơn 4 triệu tỷ đồng tiền gửi tại gần 1.300 TCTD, chi trả kịp thời cho người gửi tiền tại 39 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở (QTDND) với tổng số tiền gần 27 tỷ đồng.
Năm 2012, Luật BHTG ra đời tạo nền tảng pháp lý vững chắc để tổ chức BHTG thực hiện tốt hơn chức năng bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng. Trên cơ sở Luật, BHTGVN đã tích cực triển khai hoạt động giám sát, cảnh báo sớm rủi ro tiềm ẩn của các tổ chức tham gia BHTG. Đối với các QTDND hoạt động không hiệu quả dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán, để đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, BHTGVN tiến hành chi trả cho người dân một cách sớm nhất. Thực tiễn đã chứng minh việc chi trả kịp thời, đáp ứng được mong đợi của người gửi tiền góp phần giải tỏa tâm lý bất an, từ đó ngăn chặn khả năng rút tiền hàng loạt và nguy cơ lan truyền hệ thống.
Trong bối cảnh chung tái cơ cấu các TCTD, BHTGVN xác định sẽ là một công cụ đắc lực của NHNN trong việc thực thi nhiệm vụ chung của ngành thông qua việc tham gia tái cấu trúc hệ thống QTDND. Theo quy định của pháp luật hiện hành, BHTGVN có thể tham gia kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của NHNN. Đây là điều khoản cho phép BHTGVN có thể tham gia sâu hơn, chủ động hơn vào quá trình tái cấu trúc hệ thống QTNND trong tương lai theo chỉ đạo của NHNN.
BHTGVN – Chặng đường phía trước
Có thể nói, sự phát triển của BHTGVN gắn liền với sự phát triển lớn mạnh của hệ thống TCTD, và đã góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Mọi hoạt động của BHTGVN đều nhằm thực hiện tốt mục tiêu này, phù hợp với định hướng tổng thể Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng và thực tiễn tại Việt Nam cũng như đáp ứng các thông lệ quốc tế về BHTG. Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ và NHNN quyết liệt triển khai tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, BHTGVN được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới, trong đó có việc hỗ trợ tài chính, xử lý khó khăn của các QTDND; tăng cường vai trò tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các QTDND và nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi để sử dụng nguồn kết dư phí bảo hiểm tiền gửi vào việc xử lý các TCTD yếu kém. Đây là vận hội mới nhưng cũng là thử thách mới đối với tổ chức BHTG ở tuổi 20. Chính vì vậy, trong giai đoạn phát triển tiếp theo, BHTGVN sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu:
Thứ nhất, chủ động triển khai “Chiến lược phát triển BHTGVN đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030” sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ hai, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, nhằm tạo cơ sở pháp lý để BHTGVN tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD.
Thứ ba, chủ động triển khai có hiệu quả nghiệp vụ BHTG, tăng cường giám sát, kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG để ngăn ngừa rủi ro, bảo đảm hoạt động an toàn lành mạnh của các TCTD, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Thứ tư, tiếp tục quản lý có hiệu quả và nâng cao năng lực tài chính để sẵn sàng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền khi cần thiết và hỗ trợ có hiệu quả quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.
Thứ năm, tăng cường tuyên truyền chính sách BHTG nhằm nâng cao nhận thức của người gửi tiền, để người dân yên tâm, tin tưởng vào hệ thống các TCTD và hoạt động ngân hàng.
Thứ sáu, phát huy nội lực, nâng cao chất lượng hoạt động, hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; đổi mới sáng tạo đi đôi với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh hợp tác trong nước, quốc tế để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, đồng thời phát triển hệ thống BHTG hiệu quả theo thông lệ quốc tế.