Nền tảng vững chắc
Trong suốt thời gian qua, BHTGVN đã thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao như: Cấp và thu hồi chứng nhận tham gia BHTG; tính và thu phí; chi trả tiền gửi bảo hiểm; theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quy định về BHTG, thông tin tuyên truyền về chính sách BHTG… Sau 20 năm thành lập và phát triển, BHTGVN đã từng bước triển khai đầy đủ các hoạt động nghiệp vụ, bảo vệ cho khoảng 30 triệu tài khoản của người gửi tiền, chi trả kịp thời cho người gửi tiền tại 39 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở (QTDND) với tổng số tiền gần 27 tỷ đồng.
Có thể nói, BHTGVN luôn đồng hành cùng với hoạt động của hệ thống các TCTD từ khâu cấp phép đến khâu chi trả và xử lý tài sản của TCTD bị đóng cửa. BHTGVN cũng đã triển khai đầy đủ các hoạt động BHTG theo quy định của Nghị định 189, 109 và Luật BHTG có hiệu lực từ năm 2013, dần khẳng định vị thế và vai trò trong việc nâng cao niềm tin của công chúng, góp phần vào sự phát triển an toàn của hệ thống ngân hàng, ngày càng trở thành công cụ của NHNN trong việc đảm bảo an toàn hệ thống.
Nếu như năm 2018 là năm bản lề của BHTGVN trong việc thực thi chính sách BHTG và một số nhiệm vụ được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD thì năm 2019, đánh dấu 20 năm đi vào hoạt động, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã từng bước trưởng thành với tư cách một tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận theo mô hình Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và giữ vững an toàn, lành mạnh hệ thống tài chính - ngân hàng trong nước.
Phát huy vai trò trong tái cấu trúc các TCTD
Trong bối cảnh chung tái cơ cấu các TCTD, BHTGVN xác định sẽ là một công cụ đắc lực của NHNN trong việc thực thi nhiệm vụ chung của ngành thông qua việc tham gia tái cấu trúc hệ thống QTDND. Theo quy định của pháp luật hiện hành, BHTGVN có thể tham gia kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của NHNN. Đây là điều khoản cho phép BHTGVN có thể tham gia sâu hơn, chủ động hơn vào quá trình tái cấu trúc hệ thống QTNND trong tương lai theo chỉ đạo của NHNN.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo cần nâng cao vai trò của Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính và xử lý khó khăn của các quỹ tín dụng nhân dân, tăng cường vai trò tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các quỹ tín dụng nhân dân. “Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định 209/QĐ-NHNN ngày 31/1/2019 của Thống đốc NHNN cũng nêu về giải pháp nâng cao vai trò của BHTGVN, theo đó: Tăng cường vai trò và sự phối hợp của BHTGVN trong việc xử lý, tham gia hỗ trợ các QTDND yếu kém được đặt vào kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật các TCTD được sửa đổi, bổ sung. BHTGVN là đầu mối phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền là thành viên của QTDND; Sắp tới, BHTGVN cũng sẽ báo cáo NHNN xem xét, trình Chính phủ, Quốc hội để sửa đổi, bổ sung Luật BHTGVN và các quy định có liên quan trong việc phát huy vai trò và sử dụng nguồn lực của BHTGVN để hỗ trợ, xử lý các QTDND yếu kém, đảm bảo an toàn hệ thống QTDND.
Về phía BHTGVN, triển khai Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ, BHTGVN đã thực hiện nghiên cứu, xây dựng báo cáo một số nội dung: Tăng cường vai trò và sự phối hợp của BHTGVN trong việc xử lý, tham gia hỗ trợ các QTDND yếu kém được đặt vào kiểm soát đặc biệt; phát huy và tăng cường vai trò giám sát, phân tích, đánh giá cảnh báo an toàn hệ thống đối với hệ thống QTDND, nhất là an toàn về tiền gửi và cho vay của các QTDND thông qua các chức năng và hoạt động của BHTGVN hiện nay; tăng cường vai trò của BHTGVN trong việc phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với QTDND; nguồn tiền kết dư phí BHTG...
Đặc biệt, tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND được coi là nhiệm vụ quan trọng của BHTGVN nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung. Do đó, đối với công tác kiểm tra, BHTGVN sẽ ưu tiên tập trung vào nguồn nhân lực, công tác đào tạo trưởng đoàn kiểm tra, tích cực tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt các QTDND, cũng như tham gia phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả chức năng kiểm tra của NHNN đối với QTDND theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 06.
Định hướng cho tương lai
Trong suốt 20 năm, BHTGVN cho rằng để gìn giữ được niềm tin của người gửi tiền, trước hết BHTGVN phải củng cố hoạt động của mình, đảm bảo triển khai hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ, qua đó đóng vai trò là một công cụ hữu hiệu của Chính phủ, NHNN trong việc bảo vệ người gửi tiền và giữ an toàn hệ thống. Mặt khác, BHTGVN cũng đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt là phối hợp về mặt truyền thông với các tổ chức tham gia BHTG để người gửi tiền luôn biết rằng mình được Chính phủ, NHNN bảo vệ. Cùng với đó, BHTGVN sẽ luôn lắng nghe ý kiến của người gửi tiền cũng như của các tổ chức tham gia BHTG, tích cực tham mưu, báo cáo, đề xuất với NHNN các giải pháp phù hợp từ góc độ của một tổ chức chuyên trách được giao nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, BHTGVN sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu: Điều chỉnh hạn mức bảo hiểm tiền gửi hướng tới bảo vệ toàn bộ đến 90%-95% người gửi tiền được bảo hiểm; Nâng cao hiệu quả phối hợp, cung cấp thông tin giữa Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ, đặc biệt là dữ liệu về tiền gửi được bảo hiểm nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích của người gửi tiền; Nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; Tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém thông qua việc phối hợp với Ban kiểm soát đặc biệt đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được kiểm soát đặc biệt; xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; và các hình thức khác như cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ; Hoàn thiện mô hình tổ chức, hệ thống văn bản và cơ chế quản trị điều hành đồng bộ, thống nhất từ Trụ sở chính đến các chi nhánh và Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại.