Từ ngày 21-23/8/2017, Tổng công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC) tổ chức khóa diễn tập thực hành ứng phó khủng hoảng “First Move” – “Phương pháp can thiệp sớm KDIC” song song với cuộc tập trận chung thường niên Mỹ - Hàn mang tên Ulchi.
Việc KDIC tổ chức khóa diễn tập thực hành ứng phó khủng hoảng “First Move” – “Phương pháp can thiệp sớm KDIC” cho thấy tầm quan trọng của các biện pháp chủ động phòng ngừa và ứng phó với khủng hoảng tài chính. Đây là phương pháp quản trị khủng hoảng đã gắn liền với tên tuổi KDIC từ năm 2016.
Trước đó, từ năm 2015, KDIC đã đưa việc thực hành các bài tập tình huống ứng phó với khủng hoảng tài chính trở thành sự kiện thường niên, được tổ chức cùng dịp diễn ra cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn với tên gọi “Người bảo vệ Tự do Ulchi”.
Cuộc diễn tập tập trung vào việc tăng cường sự phối hợp chính sách giữa các thành viên tham gia mạng lưới an toàn tài chính và các tổ chức thực hiện BHTG, từ đó đảm bảo sớm bình ổn hệ thống tài chính ngay cả trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Lãnh đạo và cán bộ từ các thành viên trong mạng an toàn tài chính gồm Ủy ban Dịch vụ tài chính (FSC), Cơ quan Giám sát tài chính (FSS), Ngân hàng TW Hàn Quốc (BOK) và Tổng công ty BHTG (KDIC) trình bày những biện pháp ứng phó với một cuộc khủng hoảng mô phỏng (cụ thể như khi các tổ chức tài chính mất khả năng chi trả), xác định những lĩnh vực cần có sự phối hợp chính sách cũng như đề xuất các giải pháp cải cách.
Việc diễn tập chung đối với các tổ chức thực hiện BHTG được thực hiện bởi các liên hiệp ngành nghề, các tổ chức tín dụng tương hỗ ở quy mô quốc gia (như Quỹ Tín dụng nhân dân, Hợp tác xã Nông nghiệp, Hợp tác xã Ngư nghiệp, Hợp tác xã Tín dụng và Hợp tác xã Lâm nghiệp) cùng với KDIC. Các bên cùng thảo luận từng tình huống mô phỏng đối phó với khủng hoảng cũng như các kế hoạch tăng cường phối hợp với nhau, tăng cường lòng tin của công chúng vào hệ thống BHTG. Đồng thời, các bên cũng chia sẻ cởi mở những bí quyết và kinh nghiệm thực tế trong việc xử lý các tổ chức tài chính bị mất khả năng chi trả. Những tổ chức này đều vận hành hệ thống BHTG của riêng mình bằng cách nhận phí bảo hiểm từ các liên hiệp ngành nghề địa phương, v.v.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra khuyến nghị rằng các thành viên trong mạng an toàn tài chính Hàn Quốc cần định kỳ thực hiện diễn tập ứng phó với khủng hoảng. Hoạt động này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao xếp hạng tín nhiệm của hệ thống tài chính nước này ở tầm quốc tế.
Bên cạnh các các cuộc diễn tập ứng phó khủng hoảng tài chính, KDIC còn tổ chức một cuộc diễn tập với trọng tâm là ứng phó tình huống gián đoạn hoạt động. Trường hợp này xảy ra khi việc tiếp cận nơi làm việc hoặc việc triển khai các hoạt động kinh doanh gặp cản trở do thảm họa. Cuộc diễn tập gồm thực hành di chuyển nguồn quỹ của tổ chức sang một địa điểm dự phòng trong trường hợp xảy ra chiến tranh tại địa phương đó. Mục tiêu là khôi phục hoạt động của tổ chức bằng cách nhanh chóng chuyển rời tài sản, tài liệu và những nhân sự cốt cán sang một nơi dự phòng, trang bị hệ thống công nghệ thông tin tiếp ứng, v.v.
Phần diễn tập này nhìn chung có thể đánh giá được hoạt động của các tổ chức tài chính dựa trên kế hoạch kinh doanh không bị gián đoan và sẽ được mở rộng ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của KDIC dựa vào kết quả sau diễn tập.
Ngoài ra, KDIC còn tiến hành đào tạo quản trị khủng hoảng cho đội ngũ nhân viên (bao gồm cả nhân viên đương nhiệm và đã nghỉ hưu), những người có chuyên môn về quản trị nhân sự trong trường hợp khẩn cấp. Dựa vào kế hoạch nhân sự khẩn cấp hiện có, những nhân viên tham gia diễn tập ứng phó khủng hoảng trong một lĩnh vực tài chính cụ thể.
KDIC sẽ tiếp tục duy trì cam kết nâng cấp hệ thống quản trị khủng hoảng của mình, đồng thời không ngừng tăng cường các cuộc diễn tập chung giữa các thành viên trong mạng an toàn tài chính thông qua việc xác định những rủi ro cơ bản trên thị trường tài chính tương ứng với tình hình phát triển của quốc gia này.
Nguyên tắc thứ 4 trong Bộ Các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) đề cập đến Mối quan hệ với các thành viên khác trong mạng an toàn tài chính. Theo đó, trong trường hợp có nhiều công ty BHTG hoạt động dưới cùng một cơ chế tài phán tại một quốc gia thì cần có sự chia sẻ thông tin và sắp xếp điều phối giữa các công ty BHTG này.