Tham gia Hội thảo có bà Masriati Lita – Tham tán công sứ của Đại sứ quán nước Cộng hòa Indonesia tại Hà Nội, ông Halim Alamsyah - Chủ tịch IDIC và các thành viên đoàn công tác. Về phía BHTGVN có ông Nguyễn Quang Huy - Chủ tịch HĐQT BHTGVN, các thành viên HĐQT, thành viên Ban điều hành và lãnh đạo, cán bộ các phòng, ban tại Trụ sở chính và đại diện các chi nhánh.
Tại các buổi Hội thảo, IDIC đã chia sẻ kinh nghiệm về cải cách tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi Indonesia, IDIC góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng, có nhiệm vụ xử lý và giải quyết các ngân hàng đổ vỡ. Đối với những ngân hàng đổ vỡ không ảnh hưởng hệ thống sẽ được giao trực tiếp cho IDIC xử lý, còn ngân hàng đổ vỡ mang tính hệ thống sẽ giao cho IDIC sau khi có sự quyết định của Ủy ban ổn định hệ thống tài chính (FSSC). Sau khi Luật Ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng được ban hành năm 2016, IDIC được giao thêm vai trò đảm bảo ổn định tài chính và xử lý khủng hoảng. Theo đó, IDIC được giao một số nhiệm vụ mới như can thiệp sớm, thực hiện phương pháp xử lý ngân hàng bổ sung như P&A, ngân hàng bắc cầu. Đồng thời, IDIC là cơ quan chủ trì chương trình tái cơ cấu ngân hàng và có thể phát hành trái phiếu.
Với các nhiệm vụ mới được giao này đòi hỏi IDIC phải thực hiện cải thiện năng lực hoạt động trong điều kiện bình thường và trong khủng hoảng, đồng thời cần thiết phải phát triển thêm những năng lực mới. IDIC đã thực hiện phân tích hoạt động của tổ chức, từ đó phát hiện ra những yếu tố cần phải cải thiện như cần mở rộng cơ cấu tổ chức, đánh giá lại đội ngũ nhân viên, cần phải cải cách các quy trình nghiệp vụ chủ chốt hiện tại và xây dựng các quy trình mới nhằm đáp ứng các nhiệm vụ mới. Bên cạnh đó, năng lực tài chính của IDIC tương đối mạnh nhưng vẫn không đủ để đối mặt với khủng hoảng và IDIC cần phải bắt kịp sự phát triển của hệ thống tài chính toàn cầu.
IDIC đã bắt đầu công cuộc cải cách kéo dài nhiều năm với các giai đoạn được lên kế hoạch chi tiết và được chuẩn bị chu đáo. Các giai đoạn của Kế hoạch cải cách tổng thể được chi tiết theo từng nhóm nội dung cải cách bao gồm: Bảo hiểm và xử lý hiệu quả; Dịch vụ xuất sắc; Năng lực công nghệ thông tin tốt; Tổ chức hoạt động theo năng lực và văn hóa tổ chức mạnh mẽ. IDIC đã đặt mục tiêu cụ thể theo nội dung giai đoạn. Để đảm bảo sự thành công của chương trình cải cách, IDIC đã thiết lập Văn phòng quản lý cải cách và xây dựng Dự án cải cách nhằm hỗ trợ chương trình cải cách trong 5 năm, từ 2016-2021.
Để thay đổi tổng thể năng lực của tổ chức, IDIC đã đặt ra mục tiêu, tầm nhìn, sứ mệnh mới mang tính toàn cầu hơn. Theo đó, IDIC phấn đấu trở thành cơ quan hàng đầu, đáng tin cậy và được đánh giá cao trong phạm vi quốc gia và quốc tế trong việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo tiền gửi của khách hàng và xử lý ngân hàng, từ đó góp phần tăng cường và duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính. IDIC cam kết: (i) Thực hiện nhiệm vụ bảo hiểm tiền gửi hiệu quả nhằm bảo vệ người gửi tiền; (ii) thực hiện xử lý ngân hàng đạt hiệu quả và hiệu suất cao; (iii) giải quyết khủng hoảng thông qua tái cấu trúc ngân hàng hiệu quả; (iv) trở thành cơ quan có đủ năng lực, góp phần tích cực vào việc tăng cường và duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Quang Huy - Chủ tịch HĐQT BHTGVN đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới đoàn IDIC vì đã giành thời gian tới Việt Nam. Với những chia sẻ từ phía IDIC, BHTGVN đã có được những thông tin hữu ích và sẽ nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn hoạt động của hệ thống bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam trong thời gian tới.
Thay mặt đoàn công tác, Chủ tịch IDIC cảm ơn sự tiếp đón nồng nhiệt của BHTGVN và hy vọng hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề hai bên quan tâm nhằm hoàn thiện hơn các hoạt động nghiệp vụ BHTG của hai tổ chức trong thời gian tới.