Trước tiên là tại Mỹ, nơi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã có những biện pháp tích cực.
1) Ngày 2/10 Thượng Viện Mỹ đã thông qua Kế hoạch giải cứu thị trường, chi tiết kế hoạch:
- Cho quyền Bộ Tài chính dùng đến 700 tỷ USD để mua chứng khoán liên quan đến địa ốc từ bất kỳ tổ chức tài chính nào của Mỹ.
- Nâng hạn mức nợ quốc gia từ 10,6 ngàn tỷ USD lên 11,3 ngàn tỷ USD.
- Bộ trưởng Tài chính được toàn quyền quyết định mua, giữ, và bán tài sản theo bất cứ hình thức nào. Trong đó, gồm cả việc vượt trên các quy chế thông thường về mua bán của Chính phủ, để thuê các công ty tư nhân thực hiện.
- Chính phủ được quyền chỉ định các tổ chức tài chính vào vai trò "cơ quan tài chính của Chính phủ" và yêu cầu các tổ chức đó thực thi các "nhiệm vụ thích hợp" được giao.
- Trong ba tháng đầu tiên và đều đặn cứ mỗi sáu tháng, Chính phủ phải báo cáo với Quốc hội về việc thực hiện các quyền được trao nói trên.
- Hướng dẫn cho Bộ trưởng Tài chính về việc cân bằng giữa ổn định thị trường và bảo vệ người đóng thuế.
- Kế hoạch sẽ hết hạn trong vòng 2 năm.
2) Ngày 3 tháng 10 năm 2008, Tổng thống Bush đã ký điều luật về Ổn định tình hình tài chính khẩn cấp năm 2008. Trong số các điều khoản của Luật, có quy định tạm thời tăng giới hạn cơ bản của hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi liên bang cho các ngân hàng, các định chế huy động tiền tiết kiệm và các quỹ tín dụng từ mức $100,000 lên $250,000 đối với mỗi người gửi tiền. Mức tăng này có hiệu lực ngay từ ngày ký điều Luật. Với khoản tăng này, Chính phủ Mỹ hy vọng sẽ tăng thêm (yên tâm) bình ổn cho người dân Mỹ. Đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ sẽ được hưởng lợi vì phần lớn các doanh nghiệp loại này gửi vượt hạn mức chi trả trước đó. Đồng thời cũng tạo phần thanh khoản cho hệ thống tài chính Mỹ vì tránh được các trường hợp rút tiền ồ ạt của người gửi tiền. Hạn mức chi trả này sẽ trở lại mức $100,000 vào cuối 31 tháng 12 năm 2009.
Đồng thời, để kiểm soát tình hình, FDIC đã họp và đưa ra Chương trình bảo đảm thanh khoản tạm thời. Mục đích của chương trình là giải thoát thị trường tín dụng, đặc biệt là thị trường tín dụng liên ngân hàng. Sự khủng hoảng của thị trường tín dụng đã và đang làm suy yếu nghiêm trọng khả năng trả nợ của các công ty. Chương trình này được thiết kế nhằm xoa dịu khủng hoảng trong thị trường tín dụng và giúp các ngân hàng tiếp cận nguồn thanh khoản theo 2 cách:
Thứ nhất, FDIC bảo đảm cho các khoản nợ mới, dài hạn không có bảo đảm do ngân hàng, quỹ tiết kiệm hoặc công ty mẹ phát hành để tự hỗ trợ cho nguồn vốn hoạt động của mình. Nợ phát hành trong khoảng cuối tháng 6 năm 2009 sẽ được FDIC bảo đảm hoàn toàn đến tháng 6 năm 2012, điều này sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư các điều kiện cần thiết và thuận tiện để đầu tư vào trái vụ dài hạn hơn của các định chế tài chính.
Thứ hai, chương trình mới cung cấp khoản mức bảo hiểm không giới hạn đối với các tài khoản tiền gửi thanh toán không hưởng lãi. Chương trình này chỉ định quan tâm cấp thiết đến các tài khoản doanh nghiệp nhỏ như các tài khoản thanh toán lương, thường hay vượt quá hạn mức chi trả tối đa là $250.000. Rất nhiều các ngân hàng nhỏ hơn nhưng an toàn cũng đã mất các tài khoản vào các ngân hàng cạnh tranh lớn hơn nhiều vì hệ thống kinh tế không minh bạch. Khoản bảo đảm mới, tạm thời này, hoạt động cho đến cuối năm sau, sẽ giúp ổn định những tài khoản này và giúp Mỹ có thể tránh đóng cửa các ngân hàng vì những khoản rút tiền hàng loạt.
Những đối tượng thích hợp để tham gia chương trình này, gồm:
+ Các định chế được FDIC bảo hiểm tiền gửi;
+ Công ty mẹ ở Mỹ, bao gồm các công ty sở hữu tài chính;
+ Các công ty cho vay và nhận tiền gửi.
FDIC nhận ra rằng có thể sẽ có những tình huống mà chương trình cần phải được mở rộng, để bảo đảm những công ty lớn lẫn các công ty con không đủ tư cách phát hành nợ vì lợi ích của một định chế được bảo hiểm hoặc của một công ty có đủ tư cách. Để điều tiết trong những tình huống này, Luật tạm thời có một chương áp dụng cho những công ty mẹ và các chi nhánh.
Trong vòng 30 ngày đầu thực hiện chương trình, những đối tượng tham gia không bị tính phí. Các đối tượng tham gia cần đăng ký tham gia theo cách thứ nhất hay thứ hai hay cả hai cách. Điều đáng lưu ý là chương trình này không dựa trên những quỹ từ nguồn thu thuế, hoặc dựa trên Quỹ bảo hiểm tiền gửi. Các khoản bảo đảm FDIC cung cấp là những khoản lớn và có sự hỗ trợ bảo đảm hoàn toàn của Chính phủ Mỹ, Luật tạm thời quy định phí tham dự để bù đắp chi phí.
Tại các quốc gia Châu Âu: giống như Mỹ, một số quốc gia khác như Bỉ, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Rumania cũng nhanh chóng quyết định tăng mức bảo hiểm tiền gửi kèm theo các biện pháp khác để khắc phục khủng hoảng .
Trong đó đáng kể là giải pháp giải cứu khủng hoảng của Anh với hai đặc trưng: (1) tạm thời quốc hữu hóa một phần các ngân hàng thông qua việc bơm vốn vào các ngân hàng này để đổi lấy cổ phần, và (2) đảm bảo cho các khoản vay giữa các ngân hàng với nhau.
Ngày 12/10, 15 nước thuộc khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) đã đạt được một kế hoạch hành động tập thể để giải quyết khủng hoảng. Kế hoạch trị giá 1.300 tỷ Euro, tương đương 1.800 tỷ USD, của Eurozone gần như là một bản sao kế hoạch giải cứu ngành ngân hàng của Anh vì cũng bao gồm các biện pháp bảo lãnh cho các khoản vay liên ngân hàng và cho phép các chính phủ mua lại cổ phần trong các ngân hàng có vai trò quan trọng trong trường hợp cần thiết.
Bên cạnh đó, có nhiều quốc gia cam kết sẽ chi trả hoàn toàn cho các khoản tiền gửi tùy thuộc vào tình hình và khả năng ảnh hưởng của nền kinh tế .
Trước tình hình khủng hoảng toàn cầu, một số nước vẫn duy trì mức bảo hiểm tiền gửi như trước. Nguyên nhân có thể do Chính phủ các nước này đánh giá nền kinh tế quốc gia họ ít chịu ảnh hưởng hoặc mức bảo hiểm hiện nay đủ sức duy trì niềm tin của công chúng. Việt Nam là một trong các quốc gia đó với cam kết Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ đứng ra chi trả tối đa 50 triệu đồng cho người gửi tiền tại một tổ chức nhận tiền gửi, bao gồm cả gốc và lãi, trong trường hợp tổ chức đó phá sản. Hạn mức này áp dụng từ 2005, tăng 20 triệu đồng so với quy định cũ. Hiện tại, Việt Nam chưa có kế hoạch tăng tỷ lệ bảo hiểm tiền gửi với lý do hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khủng hoảng tín dụng quốc tế. Sau đây là một số quốc gia vẫn giữ nguyên mức bảo hiểm cho các khoản tiền gửi (Phụ lục 3)
Tại Châu Á: Ấn Độ là một trong những quốc gia ít có hành động mạnh mẽ đối với cuộc khủng hoảng, hiện nay hạn mức bảo hiểm còn thấp, khoảng 2.050 USD, đã được ấn định từ năm 1999. Ở một số quốc gia trong khu vực Châu Á, bảo hiểm tiền gửi không phải là vấn đề đáng quan ngại vì nơi thì phần lớn ngân hàng đều thuộc sở hữu của Chính phủ, nơi thì chưa đầy 6% dân số có tài khoản ở ngân hàng, người dân chủ yếu tích trữ tài sản bằng vàng hoặc bất động sản.
Cá biệt tại Pakistan, quốc gia không còn khả năng ngăn chặn cuộc khủng hoảng, bởi bản thân Chính phủ cũng lâm vào cảnh phá sản và không đủ độ tin cậy để đứng ra bảo vệ tài sản cho người gửi tiền.
Tóm lại, mỗi quốc gia có cách thức hạn chế khủng hoảng kinh tế khác nhau nhưng nhìn chung phải luôn đảm bảo rằng không có sự hoảng loạn rút tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng, từ đó mới tạo điều kiện đảm bảo an toàn cho nền tài chính quốc gia.
Bùi Đình Thảo