VOV: Thưa bà, là một chuyên gia kinh tế và đã thường xuyên theo sát diễn biến của tiến trình tái cơ cấu các TCTD trong giai đoạn vừa qua (2011-2015), bà có nhận xét gì về kết quả tái cơ cấu và trong giai đoạn hai của tiến trình này cần làm gì để nâng cao “sức khỏe” cho hệ thống các TCTD?
PGS.TS Nguyễn Thị Mùi: Trong thời gian vừa qua, quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD đạt được một số kết quả bước đầu khi số lượng các ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm xuống, các NHTM yếu kém đã được sắp xếp lại theo nhiều hình thức như sáp nhập. Nhưng nếu đánh giá toàn diện và sâu sắc hơn thì vẫn còn nhiều yếu kém mang tính hệ thống vẫn chưa được giải quyết như: vấn đề sở hữu chéo, nợ xấu, rủi ro thanh khoản… Để tiếp tục tập trung xử lý những vấn đề đã nêu, trong giai đoạn hai của tiến trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD, theo tôi phải giải quyết được một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đi đôi với xử lý nợ xấu cần phải xử lý các ngân hàng yếu kém. Thứ hai, hoàn thiện những khuôn khổ pháp lý liên quan đến tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, nhất là xử lý nợ xấu, những cơ chế chính sách về nợ xấu phải được khơi thông, thị trường mua bán nợ phải được hình thành đúng nghĩa. Trong đó, có hai luật theo tôi cần được sửa đổi là Luật các TCTD và Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) để nâng cao vị thế của DIV để tổ chức này từng bước tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền được hiệu quả hơn. Cuối cùng việc cấp phép thành lập và hoạt động TCTD cũng được quy định cụ thể các điều kiện cấp phép theo hướng nâng cao các yêu cầu, tiêu chí về đảm bảo an toàn. Các điều kiện cấp phép cần được rà soát chặt chẽ và áp dụng theo các tiêu chuẩn basel.
VOV: Với những kết quả đạt được như trên, trong giai đoạn hai của tiến trình tái cơ cấu, các chuyên gia kinh tế có đề cập đến việc cần phải phát huy hơn nữa vai trò của các công cụ giám sát, trong đó có DIV. Vậy quan điểm của bà về vấn đề này ra sao, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thị Mùi: Tôi đồng tình với quan điểm trên của các chuyên gia. Ở một số nước trên thế giới, cơ quan BHTG được xem là thành viên rất quan trọng trong mạng an toàn tài chính quốc gia, bởi mục đích của BHTG không chỉ là bảo vệ quyền lợi người gửi tiền mà còn tham gia vào quá trình giám sát, kiểm tra các TCTD trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng. Chính vì thế, trong quá trình tham gia giám sát các TCTD, tổ chức BHTG còn có thể phát hiện sớm những TCTD “cóvấn đề” để cảnh báo cho các cơ quan có liên quan như Ngân hàng Trung ương để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ở Việt Nam, trong quá trình tái cấu trúc, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, mặc dù có nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu như VAMC, nhưng ở một chừng mực nhất định, tôi cho rằng, vai trò của DIV chưa được nhìn nhận đúng mức trong quá trình tái cơ cấu này. Do đó, trong thời gian tới, khi mà nguồn lực tài chính có hạn và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thể giải quyết hết những vấn đề đang là nút thắt, tồn đọng, yếu kém của các TCTD thì sự tham gia của DIV vào quá trình này ở một số khâu là cấp thiết. Vì vậy, tôi cho rằng, cần thiết phải nâng vị thế của DIV trong mạng an toàn tài chính quốc gia Việt Nam hiện nay.
VOV: Có những chuyên gia cho rằng vai trò của DIV còn có ý nghĩa phòng ngừa rủi ro đổ vỡ thông qua hoạt động giám sát. Vậy nếu chúng ta sử dụng tốt công cụ này sẽ giảm thiểu được việc phải đi xử lý hệ thống ngân hàng có đúng không thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thị Mùi: Vai trò của tổ chức BHTG trong kinh tế thị trường rất quan trọng, do đó, có thể giao thêm những nhiệm vụ cho DIV hoặc thực hiện đầy đủ hơn những chức năng của mình, đó là giám sát các TCTD để phát hiện sớm những tổ chức có vấn đề hay như hỗ trợ một phần tài chính cho TCTD trước khi rơi vào kiểm soát đặc biệt.
Quỹ dự phòng nghiệp vụ của DIV hầu hết được sử dụng để mua trái phiếu Chính phủ. Đây là cách đầu tư mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và Nhà nước, nhưng xét khía cạnh tái cấu trúc TCTD, nếu Chính phủ cho phép và NHNN đồng thuận thì có thể xem xét lấy một phần nào đó để giải quyết nhu cầu thiếu hụt thanh khoản của các TCTD trước khi lâm vào kiểm soát đặc biệt. Việc hỗ trợ này có thể giúp các TCTD khắc phục khó khăn tạm thời, giảm nguy cơ mất thanh khoản, ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Muốn làm được điều này, DIV phải được giao nhiệm vụ cụ thể, Chính phủ và NHNN cho phép và cũng cần tính toán được tỷ lệ hỗ trợ hợp lý.
VOV: Vậy nếu DIV có chức năng hỗ trợ tài chính cho các TCTD, nếu xảy ra chi trả thì DIV có đảm bảo được khả năng chi trả hay không, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thị Mùi: Tôi nhấn mạnh lại, điều quan trọng là DIV phải được nâng cao vị thế. Để làm được điều này, Chính phủ cần chỉ đạo chỉnh sửa Luật BHTG để thể hiện rõ vai trò của DIV trong hệ thống đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Mặt khác, NHNN cũng phải tạo điều kiện cho DIV trong việc hỗ trợ thanh khoản TCTD trong ngắn hạn; đồng thời hỗ trợ cho DIV những thông tin kịp thời, chuẩn xác để tổ chức này thực hiện hiệu quả hơn trong việc giám sát TCTD.
Về phía DIV cũng phải tự vươn lên để khẳng định vị thế của mình. Khi xảy ra chi trả, DIV vẫn có nguồn thu từ phí BHTG, nếu cần thiết có thể có sự hỗ trợ của NHNN hay Chính phủ. Cuối cùng, đó là xem xét sử dụng đồng tiền hiệu quả và hợp lý.