Trên thế giới, cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 kéo theo khủng hoảng kinh tế lan rộng gây ra nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế thế giới. Nền kinh tế Việt Nam tuy không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng do chưa hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới nhưng cũng đứng trước những nguy cơ tiềm ẩn, đòi hỏi cần sẵn sàng ứng phó với những khó khăn trong tương lai. Trong nước, hệ thống hợp tác xã tín dụng đổ vỡ hàng loạt dẫn đến niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống các tổ chức tín dụng sụt giảm nghiêm trọng. Trước tình hình đó, sự ra đời của một định chế tài chính của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền từ đó củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống các tổ chức tín dụng là một yêu cầu tất yếu của nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.
Ngày 01/9/1999, Chính phủ ban hành Nghị định 89/1999/NĐ-CP đặt nền móng pháp lý đầu tiên cho chính sách bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Ngay sau đó, ngày 09/11/1999, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 218/1999/QĐ-TTg thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nhằm triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Từ những ngày đầu thành lập, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã nỗ lực vừa xây dựng cơ chế chính sách, bộ máy tổ chức và cơ sở vật chất ban đầu, vừa bắt tay ngay vào chi trả bảo hiểm cho những quỹ tín dụng nhân dân bị đổ vỡ, thể hiện vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, củng cố niềm tin của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương.
Qua 25 năm xây dựng và phát triển, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng tinh thần đoàn kết, quyết tâm, chủ động và sáng tạo, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Thông qua các nghiệp vụ gắn liền với vòng đời của một tổ chức tín dụng như giám sát từ xa, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo hiểm tiền gửi và kiểm tra chuyên sâu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; cử cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt và quản trị tại các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém; chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền và tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã có những đóng góp nhất định đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.
Sau 25 năm hoạt động, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới hoạt động với Trụ sở chính tại Hà Nội và 08 chi nhánh đặt tại các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước với đội ngũ cán bộ có năng lực và gắn bó với tổ chức. Từ nguồn vốn 1.000 tỷ đồng được cấp ban đầu, đến nay, tổng nguồn vốn tích lũy của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đạt trên 120 nghìn tỷ đồng, trong đó hơn 5.000 tỷ vốn điều lệ và hơn 115 nghìn tỷ quỹ Dự phòng nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường hợp tác quốc tế, nắm bắt xu thế, triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo trong hoạt động, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số với mục tiêu phát triển tổ chức bảo hiểm tiền gửi hiện đại, hoạt động hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây là những thành tựu đáng khích lệ làm nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Tuy nhiên, dù Luật bảo hiểm tiền gửi đã tạo cơ sở pháp lý cao cho việc thực thi chính sách bảo hiểm tiền gửi, nhưng sau hơn 10 năm triển khai cũng đã bộc lộ những bất cập so với tình hình thực tế ngành ngân hàng, đặc biệt sau khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 được Quốc hội thông qua. Năng lực tài chính được nâng cao đáng kể nhưng vẫn còn khiêm tốn so với tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm trong toàn hệ thống. Nhiều nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chưa thực sự phù hợp với thông lệ quốc tế. Năng lực cán bộ chưa theo kịp đà phát triển nhanh chóng của ngành ngân hàng và những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới.
Bước sang một giai đoạn phát triển mới, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phát huy những kết quả đã đạt được trong 25 năm qua, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tập thể lãnh đạo, cán bộ và người lao động Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, đóng góp tích cực vào đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.
Để đạt được mục tiêu này, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ tích cực nghiên cứu tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm tiền gửi phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam triển khai nghiệp vụ và tham gia có hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng; đa dạng hóa danh mục đầu tư nhằm nâng cao năng lực tài chính đáp ứng tốt hơn yêu cầu trong giai đoạn mới. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng sẽ chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới trong tương lai.
Những thành tựu Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã đạt được trong thời gian vừa qua là nhờ của sự chỉ đạo sát sao và hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan, cùng sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và người lao động trong toàn hệ thống Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Bước sang một trang mới trong lịch sử phát triển, tập thể lãnh đạo, cán bộ và người lao động Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quyết tâm đoàn kết, đồng sức đồng lòng xây dựng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trở thành tổ chức Bảo hiểm tiền gửi hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và lộ trình tại Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phạm Bảo Lâm
Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam