Tăng cường tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính
NHNN cho biết, mục đích ban hành Nghị định là tạo hành lang pháp lý chính thức cho một dịch vụ thanh toán mới trên cơ sở tận dụng hạ tầng viễn thông (dịch vụ Mobile Money) thuộc quản lý của NHNN, Bộ Khoa học và Công nghệ, phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc ghi nhận được trong quá trình thí điểm, góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng; tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng.
Đồng thời, pháp lý hóa vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile Money của các bộ, cơ quan liên quan trong quản lý, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ Tiền di động. Quy định cụ thể hóa các hành vi vi phạm, điều kiện kinh doanh, trách nhiệm và nghĩa vụ các bên liên quan, làm cơ sở để cơ quan quản lý thực hiện chức năng quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile Money. Thiết lập và kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng của các chủ thể tham gia cung ứng dịch vụ.
Cũng theo NHNN, bằng việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý chính thức cho loại hình dịch vụ này, Nghị định sẽ mở ra một kênh thanh toán điện tử mới, dễ tiếp cận cho các giao dịch hàng hóa, dịch vụ hợp pháp, kể cả dịch vụ công, góp phần giảm lượng tiền mặt lưu thông. Dự thảo Nghị định cũng cho phép khách hàng sử dụng Mobile Money để thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ nước ngoài. Đây là một bước tiến mới, thể chế hóa chủ trương hội nhập kinh tế, tạo thuận lợi cho người dân trong các giao dịch xuyên biên giới có giá trị nhỏ.
Đề xuất nâng hạn mức Mobile Money lên 100 triệu đồng
Một nội dung đáng chú ý khác tại Dự thảo, cơ quan quản lý đề xuất nâng hạn mức Mobile Money lên 100 triệu đồng. Trong báo cáo tổng kết, NHNN cho biết, qua phản ánh của doanh nghiệp thì hạn mức quy định hiện nay là không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản Mobile Money cho tổng các giao dịch: rút tiền, chuyển tiền và thanh toán, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cho rằng chưa phù hợp với thu nhập và hoạt động kinh doanh của người dân hiện nay, chưa thu hút được khách hàng, khách hàng không nhận thấy được lợi ích, tính thuận tiện của Mobile Money so với các dịch vụ khác. Do đó, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm đề xuất tăng hạn mức giao dịch lớn hơn 10 triệu đồng/tháng/tài khoản Mobile-Money cho tổng các giao dịch đã nêu trên.
Cũng theo NHNN, hạn mức 100 triệu đồng không áp dụng đối với các giao dịch thanh toán dịch vụ thiết yếu như: dịch vụ công, điện, nước, học phí, viện phí, bảo hiểm xã hội... (được cộng thêm hạn mức 100 triệu đồng/tháng cho các giao dịch thanh toán dịch vụ thiết yếu). Điều này tạo ra sự linh hoạt rất lớn, giúp dịch vụ Tiền di động trở thành một công cụ thanh toán tiện lợi hơn cho các nhu cầu hàng ngày của người dân.
Quản lý chặt chẽ tài khoản, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đặt yêu cầu quản lý tài khoản chặt chẽ hơn. Cụ thể, tại khoản 4 Điều 9 có nêu rõ: “Các tổ chức cung ứng dịch vụ Mobile Money có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và đảm bảo việc sử dụng tài khoản Mobile Money của khách hàng là phù hợp với hạn mức đã được tổ chức cung ứng dịch vụ Mobile Money cấp cho khách hàng đó. Tổ chức cung ứng dịch vụ Mobile Money phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong trường hợp khách hàng sử dụng tài khoản Mobile Money không đúng hạn mức đã được tổ chức cung ứng dịch vụ Mobile Money cấp cho khách hàng theo quy định tại Nghị định này”.
Dự thảo Nghị định bổ sung quy định cho phép người dùng nạp tiền mặt, nhận tiền từ tài khoản thanh toán và ví điện tử, nhằm nâng cao tính cạnh tranh của Mobile Money trên thị trường.
Liên quan đến thủ tục hành chính, việc cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile Money là cơ sở để NHNN thực hiện chức năng quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ, qua đó nhằm hạn chế rủi ro, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng khi sử dụng dịch vụ này.
Trong một số trường hợp cụ thể, NHNN sẽ có văn bản thu hồi Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile Money đã cấp cho tổ chức cung ứng dịch vụ trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 20 dự thảo Nghị định. Đơn cử: Tổ chức cung ứng dịch vụ Mobile Money sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật, rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile Money phát hiện trong thời hạn 6 tháng liên tục, tổ chức không thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile Money được cấp phép cho khách hàng…
Theo NHNN, thủ tục hành chính về thu hồi Giấy phép được xây dựng nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai và khách quan trong quá trình xử lý. Đây cũng là căn cứ pháp lý quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thu hồi Giấy phép, qua đó kịp thời ngăn chặn rủi ro phát sinh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
PV