PV: Xin ông cho biết quy định mới của Luật BHTG có những ưu điểm gì và còn tồn tại những vướng mắc gì?
TS. Võ Trí Thành:
Trước hết, có thể nói rằng cơ quan lập pháp, chính phủ đều thừa nhận DIV có 2 vai trò rất quan trọng. Vai trò thứ nhất để bảo vệ người gửi tiền.Thứ hai, DIV được xem là một mắt xích quan trọng trong hệ thống đảm bảo an toàn tài chính thông qua việc tham giagiám sát và đánh giá rủi ro hệ thống góp phần đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng. Hai vai trò này của DIV rất có quan hệ với nhau.
Vừa qua, chúng ta đã thông qua Luật BHTG. Trong một mức độ nhất định, Luật đã có những điểm mới,tiến bộ để nâng cao hơn nữa vai trò của tổ chức BHTG. Luật đã đề ra việc hạn mức trả tiền bảo hiểm cũng như mức phí dựa trên đánh giá rủi ro hệ thống tín dụng đều do Thủ tướng Chính phủ quyết đinh.
Mặc dù Luật đã mở ra một dư địa, một chân trời mới cho DIV trong mảng ổn định tài chính, tuy nhiên, việc thể chế hóa Luật cho thật rõ ràng và mạnh mẽ thì chưa có. Điều này hạn chế tính chủ động và tính chuyên nghiệp của DIV.
PV: Thể chế hóa những văn bản pháp luật về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền sẽ tập trung vào vấn đề gì, thưa ông?
TS. Võ Trí Thành:
Câu chuyện DIV và câu chuyện bảo vệ người gửi tiền trong thời gian gần đây đặc biệt trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Việt Nam có những xáo trộn đã được bàn thảo rất nhiều. Qua khảo sát cũng như bàn thảo, chúng ta thấy, người gửi tiền bắt đầu quan tâm đến rủi ro của định chế tài chính hay ngân hàng họ gửi tiền cũng như bắt đầu quan tâm tới khả năng chi trả của DIV trong trường hợp ngân hàng đó có vấn đề. Để hiểu một cách cặn kẽ và rõ ràng hơn câu chuyện của DIV, như tôi đã nói, không chỉ người gửi tiền mà kể cả những nhà hoạch định chính sách cần phải nhìn nhận vấn đề này một cách đầy đủ.
Đối với người gửi tiền, họ chỉ quan tâm đến hạn mức trả tiềnbảo hiểm, mà mức bảo hiểm hiện nay lại thấp. Căn cứ vào thực tế, hiện nay, họ nhìn nhận vào nơi gửi tiền chủ yếu bằng lòng tin đối với sự lành mạnh và an toàn của chính ngân hàng ấy nhiều hơn số tiền mà họ có thể nhận được nếu xảy ra đổ vỡ.
Đối với các nhà hoạch định chính sách, mà cụ thể trong Luật quy định “Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ” thay vì mức quy định cứng như trước đây tại Nghị định 89/1999/NĐ-CP và Nghị định 109/2005/NĐ-CP. Tuy nhiên, theo Nghị định số 68/2013/NĐ-CP, hạn mức BHTG tiếp tục được thực hiện theo Nghị định 109/2005/NĐ-CP cho đến khi có văn bản điều chỉnh. Như vậy, từ năm 2005 đến nay, đã 9 năm nhưng hạn mức trả tiền BHTG vẫn đang được duy trì ở mức 50 triệu đồng. Bối cảnh nào, tình huống nào quy định mức chi trả ra sao vẫn còn là một câu hỏi. Ở đây có cả tình huống kinh tế có thể khủng hoảng, khó khăn và cả những lúc trong điều kiện bình thường. Có thể chúng ta nhìn nhận không phải từng thời kỳ gắn với giá trị đồng tiền mà phải gắn với bối cảnh. Khi đã có cách nhìn nhận như vậy và đưa ra được những thay đổi cho hạn mức trả tiền bảo hiểm, lòng tin vào khả năng đáp ứng yêu cầu khi hệ thống ngân hàng có vấn đề có thể sẽ tốt hơn.
Thứ hai chúng ta thấy nếu nhìn nhận vai trò của DIV có quan hệ với nhau nên chúng ta rất nên cần cụ thể hóa, thể chế hóa gắn với tuyên tuyền cho người dân hiểu, có như vậy vai trò của DIV mới được cải thiện trong mắt công chúng và dần dần trong mắt các nhà hoạch định chính sách.
PV: Vai trò giám sát các tổ chức tham gia BHTG của DIV được ông nhìn nhận như thế nào, thưa ông?
TS. Võ Trí Thành:
Luật BHTG đã xây dựng tổ chức BHTG theo những tiêu chí của mô hình dựa trên chi trả có đánh giá rủi ro. Điều này vừa đòi hỏi năng lực của BHTG, vừa đáp ứng việc để tổ chức này giám sát chặt chẽ từ quá trình đầu tới quá trình cuối của các định chế tài chính phải tham gia BHTG, kịp thời phát hiện những rủi ro có thể phát sinh. Thông tin nhìn nhận về mức độ ổn định, mức độ rủi ro của tổ chức BHTG sẽ rất quan trọng nhằm phối hợp các cơ quan khác đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang rất nỗ lực để cải thiện hệ thống giám sát tài chính ngân hàng. Không phải ngẫu nhiên mà vừa qua, Ngân hàng Nhà nước quyết định thành lập Vụ ổn định tài chính ngân hàng. Vụ này sẽ nghiên cứu nhìn nhận, đánh giáxem xét các mức độ rủi ro của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc thành lập những cơ quan như vậy không loại trừ cơ quan BHTG và 1 số cơ quan khác có đánh giá riêng của mình dựa trên những đánh giá của riêng mình dựa trên những thông tin có được.
PV: Xin ông cho biết, để chính sách BHTG phát huy hiệu quả vsẽ cần phải có những điều kiện gì?
TS. Võ Trí Thành:
Trước hết, vấn đề đặt ra là cần phải thể chế hóa, pháp lý hóa các văn bản dưới Luật cho rõ ràng và cụ thể hơn. Chính vì vậy, chúng ta hy vọng việc thể chế hóa, pháp lý hóa các văn bản hướng dẫn Luật BHTG sẽ được đẩy nhạnh hơn nữa.
Hạn mức trả tiền bảo hiểm và phí BHTG hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhaunhưng thực tế cho thấy phí đồng hạng hay hạn mức trả tiền bảo hiểm 50 triệu đang được áp dụng như hiện nay đã không còn phù hợp Phí thu dựa trên đánh giá rủi ro cùng với các cơ quan giám sát tài chính khác sẽ giúp DIV có thể đóng góp tốt hơn vào việc ổn định tài chính.
Thứ hai , bên cạnh việc thể chế những mục tiêu đó, DIV cần nâng cao năng lực của chính tổ chức mình. Ở đây tôi muốn nói tới năng lực nghiên cứu, năng lực phối hợp với các cơ quan khác trong hệ thống giám sát, ổn định tài chính. Có như vậy DIV mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, bản thân những văn bản dưới Luật chúng ta sắp ban hành mới phù hợp với đòi hỏi cũng như khả năng của DIV.