Sự phát triển của Fintech đặt ra những thách thức chưa từng có cũng như những cơ hội để cải thiện sự vững mạnh của lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho sự tích hợp hiệu quả của Fintech vào lĩnh vực này. Đổi lại, Fintech và những tổ chức trên thị trường tài chính được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị rõ ràng và trải nghiệm an toàn cho người tiêu dùng tài chính. Người tiêu dùng tài chính có quyền được nhận thông tin chính xác, được tạo điều kiện thuận lợi để đưa ra quyết định sáng suốt về tài chính. Đây là trọng tâm để quản lý hiệu quả sự phát triển của Fintech.
Tổng công ty BHTG Canada (CDIC) là cơ quan BHTG và cơ quan xử lý đối với các tổ chức nhận tiền gửi do liên bang quản lý ở Canada. CDIC bảo hiểm với hạn mức lên tới 100.000 đô la Canada (khoảng 75.000 đô la Mỹ) cho mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đối với mỗi loại tiền gửi. Nhiệm vụ của CDIC bao gồm thúc đẩy và đóng góp vào sự ổn định của hệ thống tài chính, nâng cao nhận thức cộng đồng về BHTG thông qua nhiều hoạt động truyền thông khác nhau.
Nghiên cứu của CDIC cho thấy những thách thức đặc biệt mà tổ chức này phải đối mặt trong việc quản lý thông tin sai lệch và truyền thông với trường hợp tổ chức Fintech (không tham gia BHTG). Hai yếu tố giúp CDIC giảm thiểu tác động bất lợi đến khách hàng của tổ chức Fintech này đó là:
Thứ nhất, chính sách BHTG và các chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng mạnh mẽ của CDIC là nguồn lực cơ sở để triển khai các hành động nhanh chóng. Chương trình truyền thông bao gồm thường xuyên theo dõi việc thông tin và tuyên bố của các công ty Fintech và các tổ chức tham gia BHTG.
Thứ hai, CDIC có quyền hạn pháp lý rõ ràng, cụ thể trong việc nghiêm cấm các tổ chức không tham gia BHTG phát ngôn, cung cấp thông tin sai lệch về chính sách BHTG. Trong trường hợp này, CDIC kịp thời liên lạc và hợp tác với tổ chức bảo vệ người tiêu dùng có liên quan như Quỹ Bảo vệ Nhà đầu tư Canada để ứng phó với những rủi ro có thể xảy ra.
Cân bằng giữa việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính và khuyến khích đổi mới tài chính rất quan trọng đối với dịch vụ tài chính Canada. Kinh nghiệm của CDIC nhấn mạnh vào nỗ lực hợp tác giữa các tổ chức trong Mạng an toàn tài chính để giải quyết các tác động tiêu cực (nếu có) của Fintech. Các cơ quan quản lý liên bang Canada cũng đã cam kết hợp tác với các tổ chức thuộc khu vực tư nhân, hiệp hội ngành và công chúng để đưa ra giải pháp cho những thách thức liên quan đến Fintech có thể xảy ra cho công chúng nói chung và người gửi tiền nói riêng.
Để xử lý các tuyên bố sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc không chính xác về BHTG, CDIC tuân thủ quy định của luật và các văn bản dưới luật: Cấm các tuyên bố gây hiểu lầm hoặc lừa dối của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, kể cả các công ty công nghệ tài chính, về chính sách BHTG, các tổ chức tham gia BHTG hoặc tiền gửi được bảo hiểm. Do đó, các công ty công nghệ tài chính bắt buộc phải tuân thủ luật pháp dù không tham gia BHTG. Các nghĩa vụ về thông tin và truyền thông chính sách BHTG được mở rộng trong quy định dưới luật. Tổ chức tham gia BHTG được yêu cầu “cung cấp thông tin chính xác về BHTG cho người tiêu dùng tài chính và góp phần nâng cao nhận thức về hạn mức trả tiền bảo hiểm”. Đây cũng là một phương thức để CDIC đạt được mục tiêu pháp định là đóng góp vào sự ổn định tài chính – ngân hàng quốc gia. Các tổ chức tham gia BHTG được kỳ vọng sẽ thực hiện các hành vi hợp lý và thận trọng để đảm bảo rằng bản thân các tổ chức này cũng như các đối tác kinh doanh của họ không cung cấp thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc lừa đảo liên quan đến BHTG.
Khi xảy ra vi phạm, CDIC thông báo cho tổ chức vi phạm bằng thư chính thức yêu cầu ngừng, hủy bỏ việc tuyên bố sai lệch, gây hiểu lầm và thông tin không chính xác có liên quan. Theo Luật BHTG, CDIC có thể yêu cầu tổ chức vi phạm bắt buộc thực hiện quy định trên thông qua Bộ Tư pháp, không loại trừ trường hợp phạt tài chính và/hoặc khởi tố. Tuy nhiên, cho đến nay, CDIC chưa phải dùng đến phương án này.
CDIC là thành viên của Mạng an toàn tài chính liên bang, bao gồm Bộ Tài chính, Cơ quan giám sát thận trọng (Văn phòng Giám đốc các Tổ chức Tài chính - OSFI), Ngân hàng trung ương (Ngân hàng Canada) và Cơ quan Tiêu dùng Tài chính Canada. Ngoài ra, CDIC còn phối hợp với tổ chức khác, đóng góp vào sự ổn định tài chính như Quỹ Bảo vệ Nhà đầu tư Canada. Quỹ này bảo hiểm với hạn mức 1 triệu đô la Canada (tương đương 750.000 đô la Mỹ) cho tài sản bị mất (tiền mặt, chứng khoán, hợp đồng tương lai, quỹ bảo hiểm tách biệt) trong trường hợp các tổ chức thành viên của Quỹ mất khả năng thanh toán.
Cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ tài chính tại Canada đang gia tăng trong hoạt động của các công ty công nghệ tài chính phi ngân hàng (Fintech) và các tổ chức tài chính lâu đời, bao gồm các tổ chức tham gia BHTG. Sự xuất hiện của các sản phẩm mới và Fintech có thể gây nhầm lẫn cho người gửi tiền và do đó, vai trò của CDIC trong việc đảm bảo truyền thông về chính sách BHTG một cách chính xác, minh bạch là hết sức quan trọng. BHTG góp phần ổn định tài chính bằng cách giảm thiểu tình trạng rút tiền ồ ạt chỉ khi công chúng nhận thức và hiểu đúng về chính sách BHTG.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhận thức về BHTG giúp người gửi tiền đưa ra quyết định tài chính sáng suốt, qua đó góp phần ổn định hệ thống tài chính – ngân hàng. CDIC cam kết nỗ lực truyền thông chính sách BHTG thông qua các giải pháp:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức công chúng nhằm ngăn chặn tình trạng rút tiền ồ ạt, nhấn mạnh vai trò của CDIC, góp phần ổn định tài chính trong thời kỳ khủng hoảng. CDIC hợp tác chặt chẽ hơn với các tổ chức tham gia BHTG có liên kết với tổ chức Fintech để giải quyết vấn đề thông tin bất đối xứng và nâng cao nhận thức về nghĩa vụ thông tin, truyền thông chính sách BHTG theo quy định của pháp luật. Thông qua những hành động này, thông điệp về phạm vi bảo hiểm nhất quán hơn và các tổ chức tham gia BHTG, công ty Fintech đối tác sẽ đưa ra thông tin chính xác, đảm bảo các thông cáo báo chí và tài liệu truyền thông không dẫn đến hiểu lầm về về chính sách BHTG.
Thứ hai, phối hợp giữa công chúng và các bên liên quan: Các đổi mới của Fintech đòi hỏi một cách tiếp cận hài hòa giữa công chúng và các bên liên quan trong ngành tài chính – ngân hàng. Sự phát triển của Fintech làm tăng khả năng cạnh tranh, thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ tài chính đổi mới. Đồng thời, Fintech đặt ra thách thức cần có một khuôn khổ hiệu quả cân bằng cho việc bảo vệ lợi ích của người gửi tiền. Để đạt được mục tiêu đó, CDIC đang tăng cường các nỗ lực tiếp cận công nghệ tài chính để theo kịp sự phát triển của Fintech và giúp xác định ảnh hưởng tiềm ẩn của Fintech đối với việc bảo vệ tiền gửi.
Thứ ba, hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường phối hợp trong Mạng an toàn tài chính liên bang. Bộ Tài chính Canada đang dẫn đầu việc phát triển chính sách để giảm bớt tác động từ việc các công ty Fintech cung cấp sản phẩm tài chính giống tiền gửi. Đạo luật về hoạt động thanh toán bán lẻ quy định vai trò giám sát của Ngân hàng Canada đối với các trường hợp này. Ngoài ra, việc xem xét sửa đổi các luật và văn bản pháp lý về tài chính đang được triển khai, tập trung vào vấn đề số hóa tiền tệ, quản lý rủi ro có liên quan, duy trì sự ổn định và an ninh của ngành tài chính dựa trên các mô hình kinh doanh mới.