Thẩm quyền mới cho phép CDIC có thêm vai trò xử lý đổ vỡ các tổ chức thành viên – bao gồm cả những ngân hàng lớn nhất tại Canada với mục đích bảo vệ người gửi tiền, đảm bảo sự thông suốt của các dịch vụ tài chính được cung cấp, bảo vệ nền kinh tế và giảm thiểu rủi ro cho người nộp thuế.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CDIC - bà Michèle Bourque cho biết, những thay đổi về cơ sở pháp lý đã ghi nhận vai trò quan trọng của CDIC trong việc thúc đẩy và đóng góp vào sự ổn định của hệ thống tài chính tại Canada, theo kịp các tiêu chuẩn quốc tế. “Sau 50 hoạt động, CDIC đã đáp ứng những yêu cầu của bối cảnh thị trường tài chính đang thay đổi mạnh mẽ tại Canada, bảo vệ tốt hơn người gửi tiền và người đóng thuế.” – bà Michèle Bourque nhấn mạnh.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chức năng và quyền hạn của CDIC được mở rộng. Điều này cho phép CDIC ổn định loại hình ngân hàng có quy mô lớn đang trong tình trạng gặp khó khăn về tài chính và thực hiện phân bổ thua lỗ cho các cổ đông của ngân hàng và các chủ nợ khi xảy ra đổ vỡ; tránh chuyển gánh nặng thua lỗ cho người gửi tiền và người đóng thuế. Các chức năng mới bao gồm quyền thành lập một ngân hàng bắc cầu, những nội dung tăng cường năng lực để tái cấu trúc ngân hàng và gần đây là cơ chế tự giải cứu bail-in được áp dụng cho mục đích tái cấp vốn cho một ngân hàng lớn rơi vào tình trạng đổ vỡ.
Từ khi được thành lập năm 1967, CDIC đã xử lý 43 vụ đổ vỡ của các tổ chức thành viên vốn ảnh hưởng đến khoảng 2 triệu người Canada. Không người Canada nào bị mất một đồng đô la tiền gửi nhờ cơ chế bảo vệ của CDIC.