Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Nhân dân từ người nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm bảo vệ nền độc lập mới giành được. Hệ thống chính quyền cách mạng ở các cấp nhanh chóng được thiết lập và củng cố trên phạm vi cả nước. Đảng ra hoạt động công khai và lãnh đạo chính quyền. Quân đội chính quy tiếp tục được củng cố, tăng cường.
Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược được Đảng đề ra ngay từ đầu cuộc kháng chiến và không ngừng được bổ sung hoàn chỉnh trong quá trình tiến hành lãnh đạo kháng chiến. Tính chất của cuộc kháng chiến lúc này là cuộc cách mạng giải phóng, “cuộc cách mạng ấy đang tiếp diễn, nó chưa hoàn thành, vì nước chưa được hoàn toàn độc lập”. Nhiệm vụ của cuộc kháng chiến xác định ngay từ đầu: “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Đường lối kháng chiến của Đảng hình thành, từng bước hoàn chỉnh thông qua các văn kiện, nghị quyết của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung cốt lõi của đường lối và tư tưởng chỉ đạo kháng chiến là “toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính”.
Trong những năm 1945-1946, trên cơ sở thế và lực đã được nỗ lực chuẩn bị trong điều kiện cho phép, Đảng kiên quyết phát động cuộc kháng chiến toàn quốc đúng thời cơ lịch sử với khí phách “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1947-1954) trên các mặt trận quân sự, kinh tế, văn hóa-xã hội và ngoại giao
* Trên mặt trận quân sự
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Nam chí Bắc, nhân dân đã nhất tề đứng lên kháng chiến. Cuộc chiến đấu diễn ra ở các đô thị lớn rất quyết liệt và kéo dài hàng tháng trời, đã làm thất bại thêm một bước chủ trương chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp.
Chiến dịch phản công Việt Bắc-Thu Đông 1947 đã làm phá sản hoàn toàn chủ trương chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của kẻ thù, đưa cuộc kháng chiến chuyển sang một giai đoạn mới. Thắng lợi trong chiến dịch Việt Bắc là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược căn bản, cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến được bảo vệ, bộ đội chủ lực được bảo toàn, đã khẳng định sự lãnh đạo và đường lối kháng chiến của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là đúng đắn.
Tháng 6-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới. Chiến dịch tiến công Biên giới-Thu Đông 1950 thắng lợi đã tạo ra một bước ngoặt cơ bản cho cuộc kháng chiến, quyền chủ động chiến lược của quân và dân ta trên chiến trường chính Bắc Bộ được khẳng định, cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn phản công và tiến công. Căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và nối liền với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Tiếp đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch tiến công địch ở Hòa Bình-Đông Xuân năm 1951-1952 đánh bại cuộc tiến công ra Hòa Bình, sông Đà, đường số 6 của địch.
Sau thắng lợi của chiến dịch Hòa Bình, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở liên tiếp hai chiến dịch: chiến dịch tiến công Tây Bắc, giải phóng hầu hết địa bàn chiến lược này (trừ Lai Châu và Nà Sản); Phối hợp với Pathét Lào mở chiến dịch tiến công Thượng Lào-Xuân Hè, giải phóng sầm Nưa và Phong Sa Lỳ.
Sau những thất bại liên tiếp trên các chiến trường, thực dân Pháp cử Hăngri Nava sang Đông Dương làm Tổng chỉ huy. Đầu tháng 10-1953, Bộ Chính trị đã họp bàn về kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 và đối phó với Kế hoạch Nava.
Đầu tháng 12-1953 Bộ chỉ huy Pháp quyết định tăng cường cho Điện Biên Phủ, âm mưu của Pháp và can thiệp Mỹ là xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh để ngăn chặn quân ta đánh sang Lào, thu hút và tiêu diệt chủ lực của ta.
Trước những âm mưu và hành động của thực dân Pháp, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp mở rộng, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Với việc thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” để có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng, cách đánh, đảm bảo hậu cần, chiều 13-3-1954, bộ đội ta tấn công cụm cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch. Sau 56 ngày đêm tiến công, chiến đấu quyết liệt, chiều 7-5-1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, hình thức phòng ngự cao nhất và cuối cùng của thực dân Pháp, đã bị tiêu diệt.
* Trên mặt trận kinh tế
Đảng ta chủ trương xây dựng từng bước nền kinh tế kháng chiến. Từ năm 1948, Đảng phát động phong trào thi đua ái quốc. Năm 1952, Chính phủ phát động cuộc vận động toàn dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Năm 1953, quyết định phát động quần chúng triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất ngay ở các vùng tự do. Ngày 19-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ban bố Luật Cải cách ruộng đất.
Công nghiệp quốc phòng, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được xây dựng và phát triển.
* Trên mặt trận văn hóa - xã hội
Đảng chủ trương phát triển văn hóa, giáo dục kháng chiến. Tháng 7-1948, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai được triệu tập. Mọi hoạt động văn hóa văn nghệ đều hướng vào phục vụ kháng chiến với khẩu hiệu “Kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến”. Tháng 4-1950, Chính phủ quyết định cải cách giáo dục phổ thông. Sách báo kháng chiến xuất bản ngày càng nhiều, trở thành một trong những vũ khí tư tưởng sắc bén.
* Trên mặt trận ngoại giao
Ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Giơnevơ (Thụy Sĩ).
Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và Đông Dương được ký kết, gồm 6 chương, 47 điều. Các bên tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Lào, Việt Nam, Campuchia.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ kết thúc thắng lợi đã khẳng định sức mạnh và truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Công tác tuyên truyền về chiến thắng Điện Biên Phủ tại BHTGVN
Công tác tuyên truyền chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược được Đảng ủy BHTGVN khẳng định tại Hướng dẫn số 765-HD/ĐU, ngày 14/01/2022, Hướng dẫn số 1344-HD/ĐU, ngày 17/01/2023 về tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm
Công tác tuyên truyền nhằm giúp cán bộ, đảng viên, người lao động trong BHTGVN nhận thức sâu sắc đường lối kháng chiến, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của Quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Hiểu rõ hơn ý nghĩa to lớn và sâu sắc của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với dân tộc và thời đại; tinh thần đoàn kết chiến đấu và sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế, sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Cũng như những bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Điện Biên Phủ cần tiếp tục được phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Qua đó, cán bộ, đảng viên, người lao động trong BHTGVN phát huy tinh thần và có ý thức hơn về đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc góp phần xây dựng Đảng bộ BHTGVN ngày càng trong sạch, vững mạnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng./.