Đạo luật được đưa ra nhằm hướng tới bảo vệ người gửi tiền tốt hơn nếu xảy ra đổ vỡ ngân hàng. Điểm chính yếu của đạo luật là tăng hạn mức chi trả lên mức 100.000 Euros. Thêm vào đó, đối với một số loại tiền gửi nhất định, như tiền gửi dựa trên việc thanh lý các tài sản tư nhân, khoản bồi thường bảo hiểm, hoặc bồi hoàn hợp đồng… sẽ được bảo hiểm với hạn mức lên tới 500.000 Euros. Theo đạo luật đang đợi được phê chuẩn, thời gian chờ trước khi thực hiện chi trả BHTG sẽ được rút ngắn từ 20 ngày làm việc như hiện tại xuống còn 7 ngày làm việc.
Chỉ thị về Cơ chế BHTG châu Âu là văn bản được thông qua vào tháng 6/2014 dựa trên thỏa thuận sau rất nhiều năm đàm phán giữa Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu. Chỉ thị này yêu cầu mọi nước thành viên trong EU đều phải thiết lập quỹ BHTG với quy mô tương đương 0,8% tổng số dư tiền gửi được bảo vệ. Lộ trình thiết lập quỹ này đối với các nước EU kéo dào 10 năm, tới năm 2024.
Đây là một phần trong những nỗ lực nhằm đổi mới hệ thống ngân hàng Châu Âu, nhằm đạt được mức độ an toàn và ổn định cao hơn trong bối cảnh những vấn đề trắc trở đang trỗi dậy kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Các nhà lập pháp nhận ra rằng chìa khóa cho vấn đề phải là một nỗ lực chung của các cơ quan quản lý ngân hàng trên toàn châu Âu thay vì những quy định riêng lẻ mang tầm quốc gia.
Chỉ thị về BHTG Châu Âu được áp dụng từ năm 2014 đã chính thức hóa yêu cầu của EU về việc mỗi quốc gia thành viên phải BHTG tối thiểu là 100.000 euros. Các quốc gia được phép điều chỉnh chính sách bảo hiểm đối với những khoản tiền gửi lớn hơn 100.000 euros, nhưng cho tới tháng 11/2014, chưa có nước nào áp dụng hạn mức riêng cao hơn mức sàn của EU.
Đối với những khoản tiền gửi đặc biệt, ví dụ như tiền mua - bán nhà của các cá nhân, đang trong giai đoạn chuyển qua ngân hàng, mà ngân hàng đó đổ vỡ, hạn mức chi trả bảo hiểm được nâng lên mức 500.000 euros nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tránh trường hợp người dân dồn khoản tiết kiệm cả đời người mua nhà phải đối mặt với thiệt hại quá lớn vì ngân hàng đổ vỡ.
Tương tự như vậy, để đảm bảo nhu cầu thanh toán của người dân – những người gửi phần lớn tiền trong tài khoản tiết kiệm - thời gian chờ đợi chi trả sau khi ngân hàng đổ vỡ cần được rút ngắn xuống mức tối thiểu. Thời hạn cuối cùng để áp dụng quy định rút ngắn thời gian chờ chi trả từ 20 ngày làm việc xuống 7 ngày làm việc được EU quy định là năm 2024. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý ngành ngân hàng Đức đã quyết định áp dụng giới hạn thời gian này ngay từ 31/05/2016.