Cho vay tiêu dùng bùng nổ như một xu thế tất yếu của thị trường, tuy nhiên cần có các biện pháp kiểm soát để hoạt động này phát huy hiệu quả.
Thị trường bỏ ngỏ
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007 đã khiến cho nhiều ngân hàng thực sự gặp khó khăn với những khoản
nợ xấu khổng lồ. Nếu trong năm 2007 tỷ lệ nợ xấu mới dừng lại ở mức trên 1,5% thì đến năm 2012 con số này đã xác lập mức kỷ lục mới với tỷ lệ 8,82%, trong đó tỷ lệ nợ xấu/GDP là 12,8%.
Bên cạnh đó, những bất cập trong nội tại các ngân hàng cũng dần được đưa ra ánh sáng như vấn đề về sở hữu chéo, hay những yếu kém do việc mở hàng loạt các ngân hàng không có kiểm soát. Những tác động này khiến cho lợi nhuận ngân hàng sụt giảm đáng kể.
Những khó khăn trên thị trường thế giới và trong nước đã khiến cho nhiều ngân hàng phải thu hẹp quy mô, cũng như sụt giảm
tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 đã rơi xuống mức thấp nhất từ trước đến nay tại ngưỡng 7%.
Để giải quyết bài toán khó này, nhiều ngân hàng quay trở lại thị phần cho vay tiêu dùng mà bấy lâu nay còn bỏ ngỏ. Đồng thời nhiều ngân hàng cũng xem đây như là một cách cứu cánh hệ thống ngân hàng chính ngạch trước những quy định khắt khe của ngân hàng nhà nước và giải quyết bài toán vốn cho các ngân hàng.
Điều này góp phần giúp ngân hàng giảm thiểu những khoản nợ xấu có nguy cơ phát sinh trên bảng cân đối kế toán, và thay vào đó sẽ chuyển nợ xấu sang cho các công ty tài chính vốn ít chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng nhà nước hơn.
Kết quả là nhiều công ty tài chính được thành lập trong năm 2007 và không ngừng mở rộng quy mô đến thời điểm hiện nay. Có thể kể đến một số ngân hàng đang tham gia khá thành công trong lĩnh vực này như: Công ty TNHH MTV Home Credit, Công ty TNHH MTV tài chính Prudential chính thức đi vào hoạt động vào tháng 9 năm 2007, công ty tài chính HD Sai Gòn (thành lập vào tháng 9 năm 2007) và Công ty TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FECredit) thành lập năm 2010…
Theo như một báo cáo của Công ty truyền thông tài chính Stox Plus về thị trường tài chính tiêu dùng cho biết: tổng quy mô của thị trường tài chính tiêu dùng năm 2013 đạt gần 188.000 tỷ đồng – tương đương 8,88 tỷ USD, với mức tăng trưởng trên 12%, và chiếm 5,4% GDP. Những số liệu trên cho thấy thị trường tài chính cho vay tiêu dùng đang còn nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển.
Trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, các ngân hàng sẽ khai thác triệt để phân khúc các khách hàng nhỏ lẻ như các sinh viên, công nhân, người lao động… chủ yếu thông qua hình thức cho vay trả góp. Trước đây, những khách hàng này thường ít khi vay vốn được từ các ngân hàng thương mại vì năng lực tài chính khó đáp ứng đủ các điều kiện của ngân hàng. Do đó, một bộ phận không nhỏ người dân phải tìm đến tín dụng đen.
Vì vậy việc các ngân hàng mở cửa cho vay tiêu dùng đã giải quyết được cả hai bài toán về lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng, với các ưu điểm là nhanh chóng, tiện lợi và thủ tục đơn giản.
Bùng nổ làn sóng cho vay tiêu dùng
Dường như miếng bánh cho vay tiêu dùng bị bỏ ngỏ ngày nào giờ đang trở thành một thỏi nam châm thu hút nhiều ngân hàng hơn bao giờ hết.
Một phần do lợi nhuận từ ngành này liên tục tăng trong các năm qua bất chấp rủi ro luôn ở mức cao. Do vậy lãi suất của các công ty tài chính đưa ra cao hơn rất nhiều so với lãi suất trong hệ thống ngân hàng.
Theo như nhiều ngân hàng lý giải rằng lãi suất cao này là để bù đắp lại các rủi ro mà các ngân hàng gặp phải. Nên dù cho đầu tư vào lĩnh vực này khá là rủi ro nhưng với mức lãi suất khủng mà các công ty này đang áp dụng thì thừa đủ bù đắp cho các khoản rủi ro và mang lại nguồn lợi nhuận khủng cho các công ty.
Thực tế lãi suất của các khoản cho vay tiêu dùng thường rơi vào khoảng 36-80% năm, gần tương đương với lãi suất chợ đen. Nên với lãi suất cao như thế này thì không khó để các ngân hàng thu lợi nhuận cao từ kênh cho vay này. Điều này góp phần tạo thêm lực hấp dẫn trong làn sóng thành lập các công ty tài chính của các ngân hàng thương mại nhằm chia lại thị phần cho vay tiêu dùng.
Hiện tại trong thị trường cho vay tiêu dùng, Home Credit đang dẫn đầu thị phần với gần 5.000 điểm bán hàng, phục vụ hơn 2 triệu khách hàng. Ước tính, Home Credit chiếm 40-45% thị trường cho vay tiêu dùng kim khí điện máy và 35% thị trường cho vay mua xe máy.
Tiếp đến là FECredit cũng không ngừng mở rộng sự ảnh hưởng của mình khi có gần 4.300 điểm bán hàng trên khắp 58 tỉnh thành trong cả nước phục vụ nhu cầu cho vay tiêu dùng cho 1,2 triệu khách hàng.
Lợi nhuận của công ty tăng 38,7% từ mức 72,42 tỷ đồng trong năm 2013 lên mức 100,45 tỷ đồng trong năm 2014, đặc biệt là tổng tài sản tăng đột biến 124,7% từ mức 2611 tỷ đồng lên mức 5867 tỷ đồng trong 2 năm 2013 – 2014. Trong năm 2013, lượng khách hàng ký hợp đồng tín dụng của FE Credit đã đạt mốc 300.000 người, tăng gấp 2 lần so với con số 150.000 khách hàng đạt được vào năm 2012. Điều này một lần nữa cho thấy sự lớn mạnh của các công ty tài chính tham gia thị trường này.
Tính đến nay, Việt Nam hiện đang có 18 Công ty tài chính thì trong đó 6 Công ty tài chính nước ngoài (một công ty là Societe Generale đã đươc HDBank mua lại) và 12 Công ty tài chính trực thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.
Bên cạnh đó việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư về Quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC), trong đó có quy định các Ngân hàng Thương mại (NHTM) muốn cho vay tiêu dùng phải thành lập CTTC. Thêm vào đó, theo lộ trình tái cơ cấu, trong năm 2015, doanh nghiệp nhà nước buộc phải thoái vốn ngoài ngành.
Chưa kể, Thông tư 36/2014/TT-NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phải xây dựng phương án xử lý, thoái vốn nếu có tỷ lệ sở hữu vượt mức quy định trong năm 2015. Điều này càng khiến cho làn sóng thành lập các công ty tài chính nóng hơn bao giờ hết.
Trong khối các ngân hàng nhà nước có sự tham gia của BIDV và Vietinbank. Trong tháng 4 năm 2015, BIDV đã trình ĐHCĐ phương án thành lập Công ty tài chính tiêu dùng BIDV trong khi Vietinbank thì lên kế hoạch chuyển một phần PGBank thành Công ty tài chính PG Finance.
Cũng trong năm nay ngân hàng ACB cũng đã được ĐHCĐ thông qua phương án thành lập công ty tài chính diễn ra vào tháng 4 năm 2015 vừa qua.
Tương tự một loạt các ngân hàng thương mại như Sacombank, Nam A Bank, OCB, DongA Bank… cũng lên kế hoạch thành lập công ty tài chính nhằm mục tiêu đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trước những quy định mới của NHNN đưa ra.
"Khủng bố" điện thoại
Bên cạnh việc đem lại cho các công ty tài chính một nguồn lợi nhuận khủng thì vấn đề nợ xấu của các công ty này phình lên tương ứng với lợi nhuận là một vấn đề rất đáng quan tâm. Hay xác suất để các công ty này đối mặt với nợ xấu tăng cao hơn rất nhiều so với ngân hàng thương mại.
Vậy liệu các công ty tài chính này xử lý thế nào với các khoản nợ xấu này?
Thông thường các công ty cho vay tiêu dùng sẽ thành lập các phòng thu hồi nợ bằng cách nhắc nhợ qua điện thoại cho tất cả các nhóm nợ, cho đến bước cuối cùng là khởi kiện ra toàn án. Theo nhiều người từng sử dụng các dịch vụ này phản ánh họ liên tục bị các nhân viên thu hồi của các công ty này gọi đến nhắc nợ.
Trước thời điểm thanh toán sẽ nhận được cuộc gọi nhắc nhở lịch thanh toán. Nếu khách hàng không thanh toán hoặc chậm trễ trong việc thanh toán thì gần như ngày nào cũng có nhân viên gọi đến đòi nợ. Chưa kể việc các nhân viên này gọi đến cho người nhà để vận động người vay thanh toán hay nhờ hỗ trợ thanh toán.
Đây dường như là cách được nhiều công ty áp dụng để thu hồi nợ khi đánh vào tâm lý người dùng khi phải chịu “khủng bố” điện thoại để trả nợ. Tuy nhiên, đối với những người vay thì điều này gây ra không ít phiền phức cho họ và cả những người thân hay có liên quan.
Khi tất cả người vay và cả người thân của người vay thường xuyên và liên tục bị các cuộc điện thoại, tin nhắn liên hệ với mục đích thu hồi nợ. Nhiều khi những cuộc điện thoại và tin nhắn này liên tục kèm theo nội dung đe dọa với lời lẽ thiếu tôn trọng người nghe. Thậm chí, rất nhiều cuộc gọi và tin nhắn được thực hiện lúc tối muộn và tần suất liên hệ trên dưới 10 cuộc/ngày.
Nên bên cạnh những mặt tốt mà tín dụng cho vay tiêu dùng mang lại cho nền kinh tế khi giải quyết được nhu cầu vay của một bộ phận không nhỏ người dân thì những bất ổn trong hệ thống cho vay tiêu dùng cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm. Cũng như đặt ra bài toán quản lý chặt chẽ hơn trong lĩnh vực này để thúc đẩy hơn nữa những mặt tích cực của cho vay tiêu dùng.