Tối 02 tháng 6 năm 2013, tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, BHTG Việt Nam phối hợp với Báo Nhân Dân, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp kết hợp tuyên truyền về BHTG và giao lưu nghệ thuật với tên gọi “Gửi trọn niềm tin”, được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV1 Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội. Tham dự chương trình có các vị khách mời: Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Hồ Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Đinh Trung Tụng – Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương và đại diện các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và Hà Nội. Ban Chỉ đạo chương trình gồm: ông Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân; ông Bùi Khắc Sơn - Tổng giám đốc BHTG Việt Nam; ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ông Trần Gia Thái – Thành ủy viên, Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội, Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam; ông Tô Ngọc Hưng - Giám đốc Học viện Ngân hàng. Cố vấn chương trình: ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. |
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là định chế tài chính Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì hoạt động an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính – ngân hàng; qua đó nâng cao niềm tin công chúng, góp phần thúc đẩy quá trình huy động vốn cho phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan, chính sách BHTG tại Việt Nam đã được triển khai hiệu quả. Trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế và hệ thống ngân hàng; Luật BHTG đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Đây là cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của chính sách BHTG – một chính sách an dân cho phát triển bền vững.
BHTGVN: Cái “neo” an toàn cho hệ thống tài chính – ngân hàng
Quay trở lại giai đoạn đầu thập niên 90 khi hàng loạt các hợp tác xã tín dụng trên toàn quốc bị đổ vỡ, gây ra nhiều bất ổn về chính trị - kinh tế, đặc biệt, niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước yêu cầu cấp thiết về việc khôi phục niềm tin công chúng, Chính phủ đã thành lập định chế tài chính Nhà nước - BHTGVN với nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng – Phó Tổng giám đốc BHTGVN, nhiệm vụ chính của BHTGVN là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hàng chục triệu người gửi tiền. Kể từ ngày 27/7/2000 là ngày BHTGVN đi vào hoạt động, BHTGVN đã gửi đi thông điệp là trong trường hợp ngân hàng nhận tiền gửi vì lý do nào đó phải đóng cửa thì BHTGVN sẽ là người chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền. Bên cạnh đó, nhiệm vụ thứ hai của BHTGVN là góp phần bảo đảm an toàn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Với quyền hạn được giám sát các ngân hàng, BHTGVN sẽ nhắc nhở, cảnh báo khi các ngân hàng có sai phạm, không để các sai phạm tích tụ quá lớn có thể dẫn đến đổ vỡ. Như vậy, BHTGVN góp phần bảo đảm an toàn cho hoạt động của ngân hàng và từ đó chủ động bảo vệ người gửi tiền. Thông qua chính sách BHTG, người gửi tiền được bảo vệ bởi một định chế tài chính của Nhà nước. Người dân không phải lo cho số phận những đồng tiền chắt chiu dành dụm của họ gửi tại các ngân hàng. Đây chính là chính sách an dân của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, người gửi tiền được hưởng lợi mà không phải mua bảo hiểm như các loại hình bảo hiểm thương mại khác vì các ngân hàng là người phải đứng ra mua BHTG cho họ. Và đặc biệt người dân không phải đóng phí BHTG. Các tổ chức tham gia BHTG phải đóng phí BHTG theo quy định của pháp luật.
Nhiều ý kiến nhận định, kể từ khi thành lập đến nay, BHTGVN đã triển khai hiệu quả các nghiệp vụ BHTG, thực hiện giám sát 100% các tổ chức tham gia BHTG, chi trả kịp thời tại các tổ chức tín dụng (TCTD) bị giải thể hoặc phá sản, hỗ trợ tài chính đối với các TCTD gặp khó khăn. Điều này khẳng định BHTG là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tổ chức BHTG – cơ quan thực thi chính sách đã có những đóng góp quan trọng, đồng hành cùng sự phát triển ổn định của hệ thống ngân hàng, tạo lập và vun đắp niềm tin của người dân đối với Đảng – Chính phủ cũng như hệ thống ngân hàng. Có thể khẳng định: BHTGVN đã thay mặt Chính phủ bảo vệ tốt quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Nâng cao niềm tin bằng chính sách BHTG và mong muốn của công chúng
Hiện nay trên thế giới, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đang diễn biến phức tạp khiến rủi ro hoạt động ngân hàng ngày một gia tăng. Để phù hợp với tình hình và nâng cao niềm tin công chúng, nhiều quốc gia đã có phản ứng tích cực về chính sách BHTG, cụ thể: tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm, thành lập mới các hệ thống BHTG và nhiều chính sách thiết thực khác.
Tại Việt Nam, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được triển khai mạnh mẽ, xu hướng phá sản hoặc sáp nhập các tổ chức tín dụng đặt ra nguy cơ gây xáo trộn trên thị trường tài chính, dẫn đến ảnh hưởng tâm lý của người gửi tiền. Trong bối cảnh đó, vấn đề bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền càng trở nên cấp thiết. Trong đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: tái cấu trúc các tổ chức tín dụng phải đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, từ đó góp phần duy trì an toàn, lành mạnh hệ thống tài chính – ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: BHTG là định chế tài chính được các nước trên thế giới sử dụng hiệu quả trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, duy trì trật tự thị trường trên nguyên tắc không sử dụng thuế dân để xử lý đổ vỡ tín dụng. Thông qua việc thực thi chính sách BHTG, người dân sẽ thật sự yên tâm gửi tiền vào các tổ chức tín dụng, góp phần thúc đẩy quá trình huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế; đồng thời thay đổi hành vi gửi tiền, giúp họ bình tĩnh hơn trước những tin đồn thất thiệt và góp phần ổn định hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc Luật BHTG được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 có một số nội dung gây sức hút đối với người gửi tiền và các tổ chức tín dụng, cụ thể: vấn đề hạn mức trả tiền bảo hiểm và phí BHTG. Theo đó, Luật không quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm bằng số tuyệt đối mà giao Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Tương tự, phí BHTG sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước theo mức độ rủi ro của tổ chức tham gia BHTG thay vì mức phí đồng hạng được áp dụng trước kia.
Ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: để triển khai Luật BHTG có hiệu quả, từ đó nâng cao niềm tin công chúng, các cơ quan chức năng cần khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn nhằm bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Đồng thời, cần sớm xem xét việc nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm bởi hạn mức 50 triệu hiện tại không còn phù hợp. Về phí BHTG, cần xây dựng dựa trên tiêu chí chất lượng, hiệu quả hoạt động, xếp loại các TCTD theo mức độ rủi ro và đưa ra mức phí phù hợp, góp phần đảm bảo công bằng, trật tự thị trường và cạnh tranh lành mạnh giữa các TCTD.
Với tên gọi “Gửi Trọn Niềm Tin” và được đầu tư dàn dựng bài bản, hoành tráng trong khuôn khổ Chương trình giao lưu - nghệ thuật gắn liền với chủ đề ý nghĩa của chính sách BHTG và niềm tin công chúng. Chương trình cũng là sản phẩm âm nhạc - nghệ thuật đặc biệt, tái hiện những nhạc phẩm nổi tiếng đi cùng năm tháng,ca ngợi tình yêu quê hương đất nước do các nghệ sỹ có tên tuổi trình bày như: Anh Thơ, Việt Hoàn, Đăng Dương, Tân Nhàn, Thành Lê… |