Việc áp dụng mô hình NH điện tử sẽ làm cho chi phí tiếp cận nguồn vốn từ VBSP không còn quá chênh lệch so với các loại hình tín dụng khác.
NH Chính sách Xã hội Việt Nam (VBSP) vừa có buổi làm việc với Nhóm chuyên gia tư vấn của Quỹ Metlife Foundation (Hoa Kỳ) để đánh giá khả năng sẵn sàng triển khai dịch vụ tài chính điện tử của VBSP.
Theo VBSP, hiện nay hầu hết các chi nhánh cấp tỉnh của NH này đều đang sẵn sàng triển khai áp dụng mô hình NH điện tử (Mobile Banking). Chính vì thế, nếu được sự tài trợ mạnh mẽ từ Quỹ Metlife Foundation, trong thời gian tới đây VBSP sẽ bắt đầu áp dụng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động và tiến hành thí điểm theo từng giai đoạn trong việc quản lý các sản phẩm, dịch vụ của mình bằng hệ thống NH trực tuyến.
Những thông tin trên nếu trở thành hiện thực thì có thể xem là một tin mừng đối với hàng chục triệu hộ nghèo, nhất là các gia đình chính sách khác trên địa bàn cả nước.
Bởi theo những thống kê, đến thời điểm này mạng lưới hoạt động của hệ thống VBSP đã phát triển rộng khắp các tỉnh/thành, phục vụ khoảng 7 triệu khách hàng với trên 8 triệu tài khoản khoản vay và 4 triệu tài khoản tiết kiệm. Tuy nhiên, cách thức hoạt động vẫn chủ yếu được thực hiện thủ công thông qua hệ thống Tổ Tiết kiệm - Vay vốn, có sự phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể ở chính quyền cơ sở (cấp xã, phường).
Mặc dù được đánh giá là một mô hình thành công nhưng hiện giao dịch tại xã của VBSP vẫn được xem là hạn chế vì chi phí cao. Theo tính toán của nhóm chuyên gia MicroSave, chi phí cho việc đi lại giao dịch tại xã chiếm khoảng 85% tổng chi phí hoạt động của VBSP. Điều này dẫn tới hạn chế trong hoạt động giám sát các quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ của NH. Ngoài ra, do mới chỉ thực hiện cách thức giao dịch thủ công, các dịch vụ tài chính của VBSP chưa đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng về các dịch vụ linh hoạt và đa dạng như chuyển và thanh toán tiền điện tử.
Về phía khách hàng, cũng chính vì hệ thống VBSP thực hiện huy động và cho vay theo hình thức Tổ Tiết kiệm - Vay vốn nên chi phí tiếp cận tiền vay bị đội lên. Nghiên cứu của một nhóm tác giả tại Đại học Cần Thơ cho thấy rằng, trung bình một khoản vay từ VBSP mỗi năm người dân sẽ phải bỏ ra khoảng 200 ngàn đồng chi phí cho việc đi lại, làm hồ sơ thủ tục. Mức này tuy thấp hơn mức chi phí khi vay vốn tại các NHTM (khoảng 360-380 ngàn đồng/năm) nhưng cao gấp 2-3 lần so với vay tại các Quỹ tín dụng cơ sở.
Ghi nhận từ VBSP cho thấy rằng, đến thời điểm hiện nay nhóm dự án Mobile Banking của NH này cơ bản đã hoàn thành việc nghiên cứu tiền khả thi đối với “Ứng dụng sản phẩm và dịch vụ NH qua điện thoại di động”.
Trong các năm 2013-2014 phần mềm Intellect Core Banking đã được lắp đặt và vận hành tại hầu hết các chi nhánh cấp tỉnh. Thông tin về giao dịch và tài khoản đã có thể được cung cấp cho khách hàng/nhóm khách hàng qua điện thoại di động của họ.
Tuy nhiên, để khách hàng quen dần với dịch vụ NH điện tử, hiện thời VBSP vẫn áp dụng hai cách thức là giao dịch trực tuyến và giao dịch không trực tuyến. Khi khách hàng đã quen dần với dịch vụ NH qua điện thoại di động, VBSP sẽ cung cấp các dịch vụ như thanh toán khoản vay, chuyển tiền và thanh toán cho các dịch vụ…
Như vậy, có thể kỳ vọng trong 1-2 năm tới, với sự chủ động từ VBSP, phạm vi tiếp cận các sản phẩm dịch vụ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sẽ ngày càng được cải thiện. Sự minh bạch trong việc cung cấp và tiếp nhận thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ cũng sẽ được thực hiện tốt hơn.
Và điều quan trọng, việc áp dụng mô hình NH điện tử này sẽ làm cho chi phí tiếp cận nguồn vốn từ VBSP không còn quá chênh lệch so với các loại hình tín dụng khác. Từ đó giúp người dân dễ dàng vay được nguồn vốn rẻ, giảm tối đa sự phụ thuộc vào các nguồn “tín dụng đen” vốn chứa đựng nhiều rủi ro, bất trắc.