Theo các chuyên gia, trước mắt ngân hàng vẫn cần giữ ổn định lãi suất huy động như hiện nay…
Giảm lãi suất thêm nữa đưa đến nhiều rủi ro
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc giảm lãi suất gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được xem là cần và đủ. Thời điểm này, việc giảm thêm lãi suất sẽ đưa đến nhiều rủi ro cho nền kinh tế.
Ông Hiếu phân tích, lãi suất càng hạ thì càng giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vốn và cuối cùng là giảm giá thành. Nhưng việc giảm lãi suất ở mức độ phù hợp để không tạo tiền đề cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ. “Tiếp tục hạ lãi suất có thể được thị trường nhìn nhận là sự nới lỏng chính sách tiền tệ, một điều mà tại thời điểm này sẽ tạo nên những rủi ro lớn cho nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế đã chậm lại từ hai năm nay, việc kích thích kinh tế qua kích thích cho vay những lĩnh vực ưu tiên là rất cần thiết. Nhưng kích thích quá mức qua việc giảm lãi suất quá sâu sẽ tạo điều kiện cho lạm phát bùng phát vì đồng tiền trở nên “rẻ” và cũng tạo điều kiện cho "bong bóng" bất động sản, chứng khoán xuất hiện” – ông Hiếu nhận định.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nếu NHNN tiếp tục giảm lãi suất sâu hơn thì các thành phần kinh tế sẽ xem đây là tín hiệu rõ rệt của một chính sách tiền tệ nới lỏng. Các thành phần kinh tế sẽ thay đổi hành vi kinh tế, trong đó có việc đẩy giá cả và đẩy tỷ giá VND/USD lên cao, tạo sự bất ổn cho nền kinh tế. Thực tế, lãi suất không phải là yếu tố chính tác động đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bình quân chi phí vốn (lãi trả cho ngân hàng) chỉ chiếm khoảng 10% trên tổng chi phí của doanh nghiệp sản xuất. Việc hạ lãi suất giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hoạt động, nhưng tính ra thì nếu có hạ lãi suất thêm 1% nữa thì chi phí hoạt động của doanh nghiệp cũng không giảm đáng kể vì trung bình, các doanh nghiệp đi vay hiện nay ngắn hạn, trung và dài hạn lãi suất ở khoảng 9-11%. Một doanh nghiệp lỗ hay lãi không nằm ở việc lãi suất giảm thêm hay không mà nằm ở việc tiết giảm các chi phí hoạt động khác như chi phí sản xuất, chi phí nhân sự, chi phí quản lý, chi phí marketing, chi phí thuế và các chi phí khác.
Cho rằng cần cân nhắc việc tiếp tục giảm lãi suất thêm nữa, TS. Bùi Quang Tín lập luận nếu tiếp tục giảm thêm thì sẽ rất khó, vì nguy cơ tác động tới lạm phát. Bởi NHNN bên cạnh việc hỗ trợ tăng trưởng thì còn phải gánh trọng trách kiểm soát lạm phát nữa. Lạm phát tháng 5 chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nên có thể giảm được thêm một chút 0,5 - 0,75%, khi đó lạm phát lên khoảng 4% là hợp lý. Theo chuyên gia, nếu lãi suất giảm thêm khoảng 1% thì lạm phát nhiều khả năng sẽ trên 4%. Khi đó lãi suất đáp ứng được mục tiêu giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng mục tiêu lạm phát thì không đạt được.
Ngân hàng hi sinh lợi nhuận
Một chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, quyết định giảm lãi suất này sẽ tác động tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng, sẽ khiến cho biên độ lợi nhuận co lại, lợi nhuận của các tổ chức tín dụng sẽ giảm đi. Thực tế, quyết định giảm lãi suất là có ý hỗ trợ cho tăng trưởng. Nhưng NHNN vừa muốn giảm lãi suất, vừa muốn ổn định vĩ mô nên ngành Ngân hàng sẽ phải gánh nặng cả hai vai.
Nhìn nhận từ phía các NHTM đối với “câu chuyện” lãi suất, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, ngoài chuyện định hướng của NHNN, thực ra bản thân các NH cũng mong muốn giảm lãi suất. Nhưng nếu không có tác động chính sách thì NH rất khó hạ. Vì lãi suất đầu vào không thể hạ thêm, còn tăng lãi suất cho vay thì không đành. Nếu muốn thêm vốn để cho vay, huy động đầu vào cao thì NH rủi ro. Do đó chỉ đạo có tính quyết đoán cao của NHNN, điều chỉnh chính sách cụ thể lãi suất cho vay sẽ hạ, đối tượng được hưởng trực tiếp ngay là các lĩnh vực ưu tiên.
Ông Tùng cũng chia sẻ, với việc điều chỉnh lãi suất lần này ít nhiều sẽ tác động đến lợi nhuận của các ngân hàng.
Trước câu hỏi, việc hạ lãi suất sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động ngân hàng? Ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank thừa nhận chắc chắn lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ngân hàng này sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN về việc chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản. Thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Còn về việc tại sao NHNN chỉ hạ lãi suất cho vay mà không hạ trần lãi suất huy động ông Hưởng chia sẻ: “Chúng ta không thể hạ lãi suất huy động được nữa, bởi hạ lãi suất huy động có thể khiến người gửi tiền rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng và đầu tư vào các kênh khác có nhiều rủi ro hơn như bất động sản, chứng khoán… Điều đó cũng có thể khiến cả hệ thống ngân hàng thương mại sập bẫy thanh khoản. Khi đó có thể xuất hiện tình trạng chạy đua lãi suất huy động khiến lãi suất huy động tăng và sẽ làm tăng lãi suất cho vay trong tương lai”.