Mở eKYC giúp ngân hàng mở rộng tập khách hàng mới
Được xem như cửa ngõ giúp triển khai hệ thống ngân hàng số, eKYC là giải pháp nhận diện khách hàng một cách toàn diện, liên tục giữa người dùng với các tổ chức tài chính, ngân hàng. Thay vì phải gặp mặt trực tiếp, đối chiếu giấy tờ tùy thân, eKYC sẽ định danh khách hàng từ xa bằng phương thức điện tử dựa trên công nghệ như xác thực sinh trắc học, nhận diện khách hàng qua AI (trí tuệ nhân tạo), đối chiếu thông tin cá nhân được liên thông với cơ sở dữ liệu tập trung định danh khách hàng... Thay vì phải xếp hàng chờ đợi hay điền vào nhiều biểu mẫu, giấy tờ, eKYC giúp tăng tốc các dịch vụ khi được nhận diện và phân luồng hợp lý, đáp ứng đúng nhu cầu giao dịch của khách hàng. eKYC hoàn toàn tự động, đồng nghĩa với việc rút ngắn được thời gian xác minh, thao tác xuống còn vài phút. Như vậy, eKYC không chỉ giúp tiết kiệm thời gian cho khách hàng mà còn giúp ngân hàng giảm được phần nào chi phí hoạt động.
Có thể nói, giải pháp eKYC được nhận định là nền tảng thiết yếu để các ngân hàng tiến hành chuyển đổi số trong thời đại 4.0, giúp ngân hàng đơn giản hóa nhiều thủ tục và các bước để mở tài khoản, đồng thời giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và thuận tiện hơn trong các giao dịch. Số hóa hoạt động ngân hàng sẽ mang lại cho nền tài chính, ngân hàng cũng như khách hàng nhiều giá trị: nâng cao trải nghiệm khách hàng; tăng cường chất lượng vận hành, năng lực phục vụ; tạo ra nhiều sản phẩm - dịch vụ tiện ích; tăng cường an toàn bảo mật và giảm thiểu chi phí.
Hiện tại, nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã triển khai eKYC như HDBank, Tienphong Bank, MB, BIDV, Vietinbank, VPBank, ACB…
Tại Vietinbank, với công nghệ của eKYC, các khách hàng có thể chụp qua chứng minh thư nhân dân (CMTND), scan khuôn mặt và từ đó hệ thống sẽ đọc thông tin trên CMTND cũng như kiểm tra khuôn mặt có khớp với khuôn mặt trên CMTND hay không. Và nếu mọi thông tin đều khớp thì khách hàng sẽ được mở tài khoản trực tuyến trên VietinBank. Việc này giúp người dân ở khắp mọi vùng miền lãnh thổ, mọi lúc mọi nơi đều có thể tiếp cận được dịch vụ tài chính ngân hàng và mở tài khoản trực tuyến rất dễ dàng.
Ông Trần Công Quỳnh Lân – Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, ngân hàng bảo đảm quy tắc là nếu CMTND vẫn còn trong hiện trạng có thể đọc được thông tin và có thể kiểm tra được khuôn mặt thì mới cho phép mở tài khoản. Ngoài ra, ngân hàng cũng tuân theo yêu cầu của NHNN để đảm bảo rằng khuôn mặt mà người dân dùng để mở tài khoản trực tuyến cũng chính là khuôn mặt để thực hiện giao dịch, tránh việc tài khoản bị chuyển tay từ người này đến người khác. Ngân hàng có những biện pháp để kiểm tra những thông tin trên CMTND. Ngoài ra còn có những tiêu chí để xác định CMTND có thật không. Ví dụ như: quốc huy, vị trí, các thông tin đã được chỉnh sửa hay chưa. Ngoài ra, VietinBank áp dụng công nghệ AI để kiểm tra những CMTND đó.
“Tất nhiên việc xác thực này vẫn không thể nào đảm bảo được 100%, chính vì thế tất cả các ngân hàng đều rất mong chờ có một hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia để từ đó giúp chúng tôi có thể xác thực được thông tin khách hàng một cách chính xác hơn”- Phó Tổng Giám đốc VietinBank đề nghị.
Gần đây, BIDV cũng gia nhập cuộc đua cung cấp giải pháp eKYC với ứng dụng SmartBanking thế hệ mới ra mắt ngày 20/3/2021, người dùng đăng ký trực tuyến trên ứng dụng thông qua việc chụp hình CMTND và xác thực nhận diện khuôn mặt. Sau khi đăng ký thông tin mở tài khoản, dịch vụ ngân hàng điện tử và phát hành thẻ phi vật lý để rút tiền qua mã QR, ngân hàng sẽ tự động xác nhận thông tin tài khoản và các gói dịch vụ hỗ trợ. Tất cả được thực hiện hoàn toàn tự động, người dùng sẽ được cấp ngay mã khách hàng và có thể giao dịch ngay chỉ sau vài phút.
Chỉ tính từ khi ra mắt (20/3/2021) đến nay, đã có hơn 20.000 người dùng trải nghiệm tính năng eKYC, thể hiện rõ xu hướng số hóa của nhu cầu thị trường. Ngân hàng này cũng kết nối với 30/41 công ty Fintech, cung cấp hơn 2.000 dịch vụ thanh toán, mua sắm trên ứng dụng SmartBanking cho khách hàng. Với những lợi thế lớn về danh mục khách hàng và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, cùng quyết tâm bứt phá để dẫn đầu trong hoạt động ngân hàng số, BIDV đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 80% lượng khách hàng tiếp cận và sử dụng các kênh số của BIDV.
Trong khi đó, SHB hợp tác cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - đối tác có thế mạnh nổi bật trong lĩnh vực áp dụng công nghệ AI và Blockchain để lưu trữ và xác minh dữ liệu, nhằm đảm bảo bảo mật dữ liệu khách hàng tuyệt đối. Theo đó, ứng dụng SHB Mobile sẽ tự nhận dạng các thông tin và hình ảnh của khách hàng trên giấy tờ tùy thân (CMTND, Căn cước công dân còn hạn hoặc Hộ chiếu) so sánh với hình chụp “selfie” các góc khuôn mặt khách hàng để hoàn tất thủ tục định danh trực tuyến. Chỉ sau 3 phút thực hiện, khách hàng đã có thể đăng ký Gói tài khoản trực tuyến thành công.
Như vậy, với một chiếc điện thoại thông minh, thông qua vài thao tác “selfie” đơn giản, nhanh chóng, khách hàng SHB sẽ có ngay Gói tài khoản trực tuyến gồm tài khoản thanh toán và các dịch vụ ngân hàng điện tử thuận tiện, an toàn trên SHB Online và SHB Mobile.
Theo báo cáo của các ngân hàng, tính đến hết tháng 5/2021, có khoảng 15 ngân hàng đã triển khai chính thức quy trình mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC). Kết quả triển khai bước đầu cho thấy việc mở eKYC đã giúp các ngân hàng mở rộng tập khách hàng mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng giao dịch bằng phương thức điện tử, khách hàng không phải trực tiếp đến ngân hàng để mở tài khoản thanh toán, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.
Đảm bảo an ninh, bảo mật khi mở và sử dụng eKYC
Nhìn chung, các ngân hàng đã chấp hành nghiêm túc các quy định tại Thông tư 16 và hướng dẫn của NHNN, theo đó: Đã ban hành quy trình mở eKYC; Chú trọng quy trình quản lý rủi ro, đánh giá, phân loại khách hàng, quy định các loại hạn mức áp dụng cho từng đối tượng khách hàng mở eKYC; Thực hiện hậu kiểm trong toàn bộ quy trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử của khách hàng để phát hiện rủi ro, gian lận.
Tại Vietinbank, để triển khai eKYC hiệu quả, ngân hàng đang tập trung đầu tư về công nghệ, về nguồn lực nhân sự và năng lực hệ thống. Ngân hàng định hướng ứng dụng công nghệ AI và robotics vào trong công việc để giải phóng nhân sự khỏi nhưng thao tác lặp đi lặp lại, là những việc tốn nhiều công sức nhưng không tạo ra nhiều giá trị.
Còn ACB thì mong muốn phát triển các sản phẩm AI phục vụ cho doanh nghiệp, trong đó sản phẩm đầu tiên - trueID - không chỉ phục vụ cho việc mở tài khoản trực tuyến, mà còn nhắm tới một nền tảng định danh điện tử, nhằm kết nối doanh nghiệp và người dùng một cách an toàn, thuận lợi.
Nhìn chung, có 3 tiêu chí để ngân hàng lựa chọn một giải pháp eKYC: chất lượng giải pháp (độ chính xác, khả năng chống gian lận); khả năng tích hợp với hệ thống của ngân hàng về hạ tầng, công nghệ; và giá cả.
Ngân hàng càng lớn, quy mô càng rộng, hạ tầng càng phức tạp thì yêu cầu đặt ra cho giải pháp eKYC của nhà cung cấp càng khắt khe, ngặt nghèo, với tiêu chí an toàn, ổn định hệ thống được đặt lên mức cao nhất. Trong khi đó, nhóm ngân hàng nhỏ lại xác định eKYC là yếu tố có thể giúp họ tạo ra lợi thế cạnh tranh về mặt công nghệ và trải nghiệm khách hàng so với các “ông lớn”. Do đó, sẽ khó có một giải pháp eKYC nào thỏa mãn được tất cả nhu cầu của các tổ chức, mà chỉ có những giải pháp được thiết kế theo nhu cầu hết sức cụ thể của từng ngân hàng mới có thể đem lại hiệu quả triệt để.
Để đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, tại Thông tư 16 hướng dẫn mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC) đã quy định các ngân hàng phải xây dựng quy trình, thủ tục mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của ngân hàng.
Theo đó, các ngân hàng được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ eKYC để nhận biết và xác minh khách hàng mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, nhưng phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu để quản lý, kiểm soát rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, cụ thể như: Có giải pháp, công nghệ để thu thập, kiểm tra, đối chiếu, xác minh, đảm bảo khớp đúng thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng; Có biện pháp ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trước, trong và sau khi mở tài khoản thanh toán cho khách hàng; Lưu trữ, bảo quản đầy đủ các thông tin, dữ liệu nhận biết khách hàng trong quá trình khách hàng mở, sử dụng tài khoản thanh toán, phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; Áp dụng hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử nhưng phải đảm bảo tổng hạn mức giá trị giao dịch (ghi nợ) qua các tài khoản thanh toán của khách hàng đó không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng.
Để phòng, ngừa gian lận trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thời gian vừa qua, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo toàn ngành về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa hành vi gian lận liên quan hoạt động thanh toán, đặc biệt đối với hành vi mạo danh, sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác hoặc làm giả giấy tờ tùy thân để mở tài khoản thanh toán và sử dụng cho các hành vi lừa đảo, gian lận. Đồng thời, yêu cầu các ngân hàng thông tin, tuyên truyền cho khách hàng về các biện pháp bảo mật thông tin tài khoản thanh toán, đặc biệt là các giao dịch thanh toán trực tuyến, cũng như thường xuyên cập nhật, cảnh báo khách hàng các thủ đoạn lừa đảo, gian lận liên quan đến mở và sử dụng tài khoản thanh toán (đặc biệt các hành vi bị cấm như mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, hoặc mua, bán thông tin tài khoản thanh toán).
Bên cạnh đó, để đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, hạn chế rủi ro khi mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, NHNN đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro, đặc biệt công tác hậu kiểm để kịp thời phát hiện các sai lệch thông tin định danh và dấu hiệu bất thường trong quá trình khách hàng mở và sử dụng tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử. NHNN cũng thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai của các ngân hàng, về tình hình mở eKYC, nguy cơ các đối tượng lợi dụng nguồn thông tin định danh cá nhân (giấy tờ tuỳ thân, số điện thoại, email, hình ảnh/video) để mở tài khoản thanh toán mạo danh và sử dụng cho các mục đích vi phạm pháp luật, để có văn bản cảnh báo, chỉ đạo các ngân hàng tăng cường hơn nữa công tác quản lý rủi ro đối với nghiệp vụ này.