Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến 26/6/2023 đã có 50 tổ chức không phải là ngân hàng được NHNN cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có khoảng 45 nhà cung cấp ví điện tử. Đến nay, ví điện tử là phân khúc sôi động nhất và có đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của thanh toán kỹ thuật số Việt Nam với tỷ trọng giá trị giao dịch ngày càng cao. Tuy nhiên, hiện nay, các công ty trung gian thanh toán cũng đang đối mặt với tình trạng kẻ gian lợi dụng ví điện tử để thực hiện những hành vi bất hợp pháp, các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền trong ví điện tử xuất hiện ngày càng tinh vi.
Ngăn ngừa tội phạm lợi dụng ví điện tử cho những hành vi bất hợp pháp
Thời gian qua, nhằm góp phần vào công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến tổ chức đánh bạc; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, mua bán, mở hộ tài khoản thanh toán, ví điện tử; phát hiện các giao dịch đáng ngờ, NHNN đã ban hành các văn bản chỉ đạo, khuyến nghị, cảnh báo toàn ngành về tăng cường phòng, chống, ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động thanh toán. Trong đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian Thanh toán (TGTT) thường xuyên cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan trong việc ngăn ngừa, phát hiện, phòng chống tội phạm theo quy định pháp luật như: Rà soát, nghiên cứu phương thức, thủ đoạn lợi dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ TGTT cho hoạt động đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, bất hợp pháp; Tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán, ví điện tử; Rà soát các tiêu chí giám sát, cập nhật các dấu hiệu đáng ngờ trong hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ TGTTnhằm tăng cường hiệu quả công tác giám sát, phát hiện các giao dịch đáng ngờ;....
Ngoài ra, NHNN cũng tích cực phối hợp Bộ Công an ban hành Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN ngày 24/4/2023 triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 giữa Bộ Công an và NHNN, trong đó triển khai các nhiệm vụ như: Làm sạch dữ liệu khách hàng theo các phương thức trực tuyến và ngoại tuyến (offline); xác thực khách hàng qua thẻ căn cước công dân gắn chíp và triển khai giải pháp xác thực khách hàng qua ứng dụng VNeID trong việc mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử; kiểm tra thực tế hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại một số ngân hàng nhằm kịp thời phát hiện và có khuyến nghị với các ngân hàng về việc thực hiện một số giải pháp, biện pháp để tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và hạn chế rủi ro trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán; thu thập thông tin tài khoản thanh toán, ví điện tử liên quan đến hành vi lừa đảo, gian lận, có dấu hiệu bất thường, đáng ngờ nhằm xây dựng kho dữ liệu chung phục vụ cho công tác phòng chống tội phạm lợi dụng, sử dụng tài khoản thanh toán cho mục đích bất hợp pháp.
Hiện nay, NHNN đang tích cực phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng phương án cho phép ngành Ngân hàng kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu Căn cước công dân, thẻ Căn cước công dân gắn chip để phục vụ xác minh thông tin nhận biết khách hàng. Ngày 17/10/2022, NHNN đã ban hành Công văn số 7262/NHNN-TT yêu cầu các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiên cứu ứng dụng dữ liệu về Căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử trong hoạt động mở và sử dụng TKTT.
Phối hợp các giải pháp đảm bảo an toàn trong mở và sử dụng ví điện tử
Để tăng cường an ninh, an toàn trong việc cung ứng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng, về phía các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử:
Thứ nhất, cần tiếp tục thực hiện một số biện pháp định danh, xác thực khách hàng trong mở và sử dụng ví điện tử như:
Nghiên cứu xây dựng và áp dụng biện pháp kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của giấy tờ tùy thân của khách hàng và đối chiếu đảm bảo sự khớp đúng, phù hợp của các thông tin trên giấy tờ tùy thân với khách hàng mở ví điện tử; nghiên cứu biện pháp ngăn chặn các trường hợp thuê, cho thuê, mượn, cho mượn Ví điện tử để lợi dụng thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ bất hợp pháp.
Nghiên cứu áp dụng biện pháp: xác minh khách hàng đảm bảo khách hàng thực hiện giao dịch trên ví điện tử là chính chủ ví điện tử; ngăn chặn khách hàng tự ý sử dụng phương thức xử lý tự động giao dịch ví điện tử.
Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về mở, sử dụng ví điện tử và các văn bản chỉ đạo của NHNN về việc đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT. Nghiên cứu giải pháp ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.
Thứ hai, cần tăng cường biện pháp để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ ví điện tử, cụ thể:
Thường xuyên thông báo, hướng dẫn và cảnh báo khách hàng về các hành vi bị cấm, hành vi không được thực hiện trong quá trình mở, sử dụng ví điện tử bằng các hình thức như: công bố đăng tải trên website, ứng dụng di động, các phương tiện thông tin đại chúng...
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ; ngăn ngừa, phát hiện, phòng, chống hành vi lợi dụng Ví điện tử cho các hoạt động bất hợp pháp:
Giám sát các giao dịch ví điện tử (về số lượng, tần suất, mục đích, loại giao dịch), đặc biệt là các ví điện tử có giao dịch giá trị lớn, đảm bảo phù hợp với phân nhóm/phân loại ví điện tử (cá nhân/đơn vị chấp nhận thanh toán) và đảm bảo các giao dịch mà khách hàng đang tiến hành phù hợp với thông tin khách hàng trong hồ sơ hiện có. Kịp thời phát hiện các giao dịch ví điện tử có dấu hiệu sử dụng cho các hoạt động gian lận, lừa đảo, bất hợp pháp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan chức năng theo quy định pháp luật để điều tra, xử lý và chấm dứt việc cung ứng ví điện tử theo quy định pháp luật nếu có vi phạm.
Rà soát thông tin từ các cơ quan chức năng có liên quan, thông tin trên các trang mạng xã hội, diễn đàn…để nghiên cứu phương thức, thủ đoạn lợi dụng ví điện tử cho các hoạt động gian lận, lừa đảo, bất hợp pháp và kịp thời đưa ra các giải pháp, biện pháp phòng, chống phù hợp theo quy định pháp luật.
Thứ ba, tiếp tục phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện các biện pháp ngăn ngừa hành vi sử dụng, lợi dụng ví điện tử cho các hoạt động thanh toán, chuyển tiền trên các website, ứng dụng tổ chức đánh bạc và/hoặc cung cấp trò chơi điện tử không được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép: Không kết nối thanh toán cho các website, ứng dụng cung cấp trò chơi điện tử chưa được cấp phép phát hành tại Việt Nam. Rà soát, nghiên cứu giải pháp nhằm ngăn chặn việc thanh toán cho các trò chơi điện tử chưa được cấp phép trên kho ứng dụng (AppStore, Google Play,…), trường hợp không có biện pháp phân biệt các trò chơi điện tử hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam để thanh toán thì chấm dứt việc kết nối thanh toán trên các kho ứng dụng.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán an toàn, tuân thủ quy định của pháp luật; đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo để khách hàng không thực hiện các hành vi bị cấm như: mua, bán, thuê, cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán, ví điện tử; mua, bán, thuê, cho thuê thẻ ngân hàng hoặc thông tin thẻ ngân hàng, mở hộ thẻ ngân hàng,....; sử dụng hoặc tạo điều kiện cho các đối tượng sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử để thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá và các mục đích bất hợp pháp khác.
Về phía khách hàng, cần lưu ý:
Không cài ứng dụng lạ lên điện thoại. Việc cài các ứng dụng lạ, không được kiểm duyệt bởi kho ứng dụng chính thống rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng để đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin thẻ, mật khẩu, mã bảo mật... Thậm chí, 1 số ứng dụng độc hại có thể chiếm quyền kiểm soát điện thoại, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Với ví điện tử, ứng dụng độc hại có thể theo dõi các phím bạn gõ, từ đó đánh cắp được tên tài khoản, mật khẩu, mã OTP… - những thứ cực kì quan trọng, được ví như khóa cửa hay khóa két sắt vậy.
Không chia sẻ mã OTP. Thực tế, không ít người dùng chủ quan, đặc biệt khi nhận các tin nhắn lừa đảo liên quan đến trúng thưởng, làm việc online, kiếm thêm thu nhập thụ động…
Không dùng chung tài khoản ví điện tử. Nhiều ví điện tử hiện nay cho phép cài đặt và sử dụng cùng lúc trên nhiều thiết bị. Điều này thực ra là rất tiện lợi với các gia đình muốn dùng chung tài khoản, nguồn tiền. Tuy nhiên, chỉ cần 1 thành viên chủ quan, sơ hở là có thể khiến toàn bộ số tiền trong tài khoản biến mất. Vì vậy, tốt nhất mỗi người nên sử dụng tài khoản riêng, không cho mượn, dùng "ké" để đảm bảo an toàn nhất có thể.
Bật các tính năng bảo mật vân tay/khuôn mặt. Hầu hết smartphone hiện nay đều đã hỗ trợ bảo mật vân tay hoặc khuôn mặt. Các ứng dụng ví điện tử cũng nhanh chóng cập nhật, hỗ trợ tính năng này khi mở ví và bạn nên sử dụng ngay.
Chỉ sử dụng các ví điện tử uy tín, được hỗ trợ, bảo chứng bởi các công ty, tổ chức lớn, tích hợp nhiều công nghệ, chứng nhận và tính năng bảo mật cao cấp.
Thường xuyên thay đổi mật khẩu tài khoản. Ngày càng có nhiều các vụ lộ thông tin tài khoản số lượng lớn trên mạng mà kẻ xấu hoàn toàn có thể mua lại với giá siêu rẻ. Dù chưa chắc thông tin của bạn đã bị sờ tới nhưng vẫn nên cảnh giác bằng cách thường xuyên thay đổi mật khẩu, ít nhất vài tháng 1 lần, thậm chí 2 tháng 1 lần nếu bạn thường xuyên trữ tiền, thẻ thanh toán trong ví điện tử. Chất lượng của mật khẩu cũng là yếu tố quan trọng; đừng đưa tên, ngày sinh hay các chữ, số dễ đoán như password hay 1234 vào mật khẩu nếu không muốn để kẻ xấu lợi dụng.
Thanh Thủy