Các văn kiện quan trọng này không chỉ định hình tầm nhìn chiến lược dài hạn cho nền kinh tế đất nước, mà còn tạo nên động lực chính trị mạnh mẽ, lan tỏa tinh thần đổi mới sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Nhận thức rõ vai trò trong việc góp phần bảo đảm sự ổn định và an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) xác định 2025-2030 là giai đoạn then chốt để thúc đẩy đổi mới trong phương thức lãnh đạo, cơ chế tổ chức và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh mới.
Dấu ấn 25 năm đồng hành cùng hệ thống ngân hàng
Kể từ khi được thành lập ngày 09/11/1999 và chính thức đi vào hoạt động năm 2000, BHTGVN là sự cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ nhằm phát triển hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) theo hướng từng bước tiệm cận thông lệ quốc tế. Trải qua hành trình hơn 25 năm xây dựng và phát triển, BHTGVN đã từng bước khẳng định vai trò là một trong những công cụ hữu hiệu của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhằm giữ ổn định hệ thống TCTD và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng toàn diện, xuyên suốt của Đảng ủy BHTGVN đối với hoạt động chuyên môn và các hoạt động vận hành, hậu cần, hỗ trợ của tổ chức.
Hoàn thiện hành lang pháp lý, củng cố vai trò chính sách
Ngay từ những ngày đầu thành lập theo Nghị định số 89/1999/NĐ-CP, đến nay BHTGVN đã có nền tảng pháp lý ngày càng hoàn chỉnh. Năm 2012, việc Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm tiền gửi là một trong những dấu mốc quan trọng trong quá trình đó. Luật Các TCTD (2017 và 2024); Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam; Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tiếp tục nhất quán chủ trương này, đặc biệt là từng bước cụ thể hóa vai trò của BHTGVN trong quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, tham gia xử lý TCTD gặp vấn đề.
Năng lực tài chính từng bước được củng cố
Từ nguồn vốn ban đầu được cấp, sau hơn 25 năm tích lũy và phát triển thông qua hoạt động tính và thu phí BHTG, hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, tính đến 30/4/2025, tổng nguồn vốn hoạt động của BHTGVN đạt 134,5 nghìn tỷ đồng, trong đó quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 127,4 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, BHTGVN triển khai hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi với tiêu chí bảo đảm nguyên tắc an toàn và hiệu quả, từ đó xây dựng năng lực tài chính để tham gia vào quá trình tái cơ cấu các TCTD và sẵn sàng chi trả BHTG cho người gửi tiền khi cần thiết.
Từng bước nâng cao hạn mức trả tiền bảo hiểm, nâng cao niềm tin công chúng
Trong những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hạn mức trả tiền bảo hiểm đã từng bước được nâng cao tương ứng với thực tế tiền gửi của người dân, đồng bộ cùng sự phát triển của hệ thống các TCTD, sự tăng trưởng năng lực tài chính của BHTGVN. Từ mức 30 triệu đồng năm 1999, hạn mức trả tiền bảo hiểm đã qua nhiều lần điều chỉnh, theo đó hạn mức hiện hành đã lên tới 125 triệu đồng đối với mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG. Với hạn mức này, hơn 92% người gửi tiền đã được bảo hiểm toàn bộ. Tuy nhiên, so với thông lệ quốc tế, hạn mức BHTG tại Việt Nam còn chưa cao. Để theo sát thực tế tăng trưởng tiền gửi được bảo hiểm trong hệ thống ngân hàng, hạn mức trả tiền bảo hiểm cần tiếp tục được rà soát, đánh giá định kỳ và điều chỉnh tăng lên song song với việc phát triển năng lực tài chính của BHTGVN.
Tăng cường triển khai các nghiệp vụ BHTG
Chính sách BHTG không chỉ thể hiện vai trò ở giai đoạn chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền mà còn gián tiếp bảo vệ người gửi tiền, góp phần giữ gìn sự an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng thông qua các hoạt động nghiệp vụ như kiểm tra, giám sát.
BHTGVN hiện giám sát thường xuyên đối với 100% tổ chức tham gia BHTG. Các TCTD có tiềm ẩn rủi ro được theo dõi chặt chẽ. Dữ liệu thu thập được thông qua công tác giám sát đồng thời được sử dụng như thông tin đầu vào phục vụ công tác kiểm tra tại chỗ để đảm bảo các tổ chức tham gia BHTG tuân thủ quy định của pháp luật về BHTG. Các vấn đề, sai sót của tổ chức tham gia BHTG được BHTGVN cảnh báo, chấn chỉnh, đồng thời tổng hợp, báo cáo NHNN để ghi nhận tình hình và phối hợp xử lý.
Căn cứ chỉ đạo của NHNN, BHTGVN còn triển khai công tác kiểm tra chuyên sâu tại các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Qua đó, BHTGVN tham gia hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra của Thanh tra NHNN, góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm, hạn chế rủi ro, giúp hệ thống QTDND vận hành an toàn hơn. Thống kê lũy kế từ năm 2019 đến 2024, BHTGVN thực hiện kiểm tra theo chỉ đạo của NHNN đối với 234 QTDND. Số lượng QTDND được kiểm tra tăng dần qua các năm: Năm 2019 kiểm tra 6 QTDND; năm 2020 kiểm tra 18 QTDND; năm 2021 kiểm tra 22 QTDND; năm 2022 kiểm tra 53 QTDND; năm 2023 kiểm tra 60 QTDND; năm 2024 kiểm tra 75 QTDND. Bên cạnh kế hoạch kiểm tra định kỳ về chính sách BHTG, theo kế hoạch được NHNN giao năm 2025, BHTGVN sẽ thực hiện kiểm tra chuyên sâu đối với 120 QTDND.
Để tích cực hỗ trợ quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, BHTGVN đã cử cán bộ tham gia các Ban Kiểm soát đặc biệt đối với TCTD có vấn đề; cử nhân sự để NHNN chỉ định giữ chức danh quản trị, điều hành đối với QTDND được kiểm soát đặc biệt. Nhằm triển khai các biện pháp hỗ trợ tài chính đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt và TCTD hỗ trợ, BHTGVN đã chuẩn bị nguồn lực tài chính, nghiên cứu quy trình triển khai về cho vay đặc biệt, mua trái phiếu đặc biệt. Theo Luật Các TCTD (2024), BHTGVN còn tham gia đánh giá tính khả thi phương án cơ cấu lại; tham gia quá trình xây dựng, hoàn thiện phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Từ năm 2015 tới nay, BHTGVN chưa phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, công tác chi trả BHTG luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng thông qua việc thường xuyên diễn tập mô phỏng; nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp rút ngắn thời gian chi trả nhằm sẵn sàng chi trả BHTG cho người gửi tiền một cách chính xác, kịp thời. Đến hết tháng 4/2025, BHTGVN đang bảo vệ hơn 9,5 triệu tỷ đồng tiền gửi được bảo hiểm của 130 triệu lượt người gửi tiền tại 1.277 tổ chức tham gia BHTG.
Một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Trước yêu cầu ngày càng cao của tình hình mới, BHTGVN cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm cụ thể hóa tinh thần đổi mới thành những hành động thiết thực, có chiều sâu và đồng bộ. Đây không chỉ là sự hưởng ứng các chủ trương lớn của Đảng, mà còn nhằm phát triển tổ chức một cách bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, củng cố vai trò trong mạng an toàn tài chính quốc gia.
Hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi theo đúng tiến độ.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị, BHTGVN quyết tâm hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi theo đúng tiến độ. Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi không chỉ mang tính cấp thiết nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách BHTG mà còn là bước đi chiến lược có ý nghĩa lâu dài, góp phần hoàn thiện thể chế và tăng cường hiệu quả bảo vệ người gửi tiền. Đảng ủy BHTGVN đã chỉ đạo toàn hệ thống chủ động tham mưu với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong quá trình xây dựng dự thảo luật, bảo đảm sự thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và tiệm cận các chuẩn mực quốc tế. Nội dung sửa đổi Luật BHTG sẽ tập trung vào các chính sách lớn như: (1) Phí BHTG; (2) Hoàn thiện cơ chế tài chính để nâng cao hiệu quả, năng lực tài chính cho tổ chức BHTG; (3) Quyền, nghĩa vụ của tổ chức BHTG; (4) Hoàn thiện quy định pháp luật để BHTGVN tham gia vào quá trình cơ cấu lại TCTD yếu kém tại Việt Nam; và (5) Hoàn thiện quy định về trả tiền bảo hiểm.
Thực hiện chuyển đổi số toàn diện theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá chiến lược hàng đầu, đóng vai trò động lực chủ yếu thúc đẩy hiện đại hóa lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước vượt qua nguy cơ tụt hậu trong kỷ nguyên số. Quán triệt tinh thần đó, Đảng ủy BHTGVN đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số; ban hành Chương trình hành động về chuyển đổi số tại BHTGVN tích cực hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số”. Theo đó, quá trình chuyển đổi số tại BHTGVN sẽ không chỉ là một dự án công nghệ tin học đơn thuần mà hướng tới sự thay đổi đối với các mảng hoạt động của tổ chức, được triển khai phù hợp với nguồn nhân lực, tài lực, hệ thống cơ sở hạ tầng, song song với xây dựng và phát triển văn hóa số, an toàn, an ninh mạng.
Hiện nay, BHTGVN đã từng bước ứng dụng hệ thống e-office; e-learning, trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để sử dụng hệ thống giám sát thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Kiện toàn bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn và hiệu quả
Căn cứ Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, BHTGVN đã xây dựng báo cáo về mô hình tổ chức bộ máy giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm phân tích điểm mạnh, điểm yếu, triển vọng và khó khăn trong giai đoạn sắp tới, từ đó xây dựng đề xuất hoàn thiện cơ cấu tổ chức BHTGVN; xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực nhằm gia tăng hiệu quả, hiệu lực hoạt động của tổ chức theo định hướng “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”.
Nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế
Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 15/01/2025 của Bộ Chính trị xác định rõ: Hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả là yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thích ứng với những biến động phức tạp của kinh tế toàn cầu. Thực hiện định hướng này, Đảng bộ BHTGVN đã chủ động xây dựng và triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHTG, tập trung vào các nội dung then chốt như: tăng cường hợp tác song phương và đa phương với các tổ chức khu vực và toàn cầu, điển hình là Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI) và Diễn đàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APRC). BHTGVN cũng tích cực tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực BHTG, đặc biệt trong bối cảnh IADI đang thúc đẩy việc chuẩn hóa khung đánh giá tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi nhằm nâng cao năng lực thể chế, quản trị rủi ro và khả năng thích ứng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và phức tạp.
Đổi mới lề lối làm việc, hành động vì hiệu quả thực chất
BHTGVN đã và đang tiến hành đổi mới công tác tổ chức hoạt động, đảm bảo việc phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả; mỗi cá nhân rèn luyện ý thức tuân thủ quy định, quy chế, kỷ luật, văn hóa công sở. Nhờ đó, lề lối làm việc mới không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý mà còn tạo ra bước chuyển biến trong văn hóa tổ chức, thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện của BHTGVN.
Hướng tới việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, BHTGVN sẽ phát huy hiệu quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo. Đảng bộ BHTGVN sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng; bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ của từng cán bộ, đảng viên. Trong đó, toàn thể Đảng viên, người lao động cần tăng cường ý thức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu, kỷ luật, đề cao cảnh giác, tích cực đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đề cao tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; cấp trên bao dung, cấp dưới ý kiến thẳng thắn và tuân thủ.
Có thể khẳng định rằng, trên hành trình phát triển kiên định và đầy nỗ lực, BHTGVN đã và đang khẳng định vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định và an toàn cho hệ thống TCTD. Dưới sự lãnh đạo toàn diện và sát sao của Đảng bộ, BHTGVN đang không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đồng thời chủ động hội nhập sâu rộng với thông lệ quốc tế./.
Đặng Duy Cường – Phó Bí thư Đảng ủy,
Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc BHTGVN