Tham dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở chính BHTGVN có đồng chí Phạm Bảo Lâm - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT; đồng chí Đào Quốc Tính - Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc; đồng chí Hà Hồng Sơn - Phó Bí thư Chuyên trách Đảng ủy; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng uỷ; các đồng chí thành viên HĐQT, Ban điều hành, Kiểm soát viên; đại diện Ban Thường vụ Công đoàn, Đoàn Thanh niên cùng toàn thể đảng viên tại Trụ sở chính và các điểm cầu Chi nhánh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lại Xuân Môn – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, việc Ban Bí thư tổ chức hội nghị quán triệt nội dung Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII của Đảng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, sớm đưa Nghị quyết Trung ương 5 vào thực tiễn cuộc sống.
Hội nghị diễn ra trong 1,5 ngày (ngày 21 và sáng 22/7) với 4 chuyên đề. Cụ thể, trong buổi sáng ngày 21/7, hội nghị đã lắng nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề: "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao" bao gồm 5 phần: Các yếu tố nền tảng làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện thể chế về đất đai; tính cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai; quan điểm, mục tiêu về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách về đất đai; những nhiệm vụ, giải pháp; tổ chức thực hiện. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã phân tích và làm rõ 3 mục tiêu, 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện Nghị quyết một cách có hiệu quả.
Tiếp đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã truyền đạt chuyên đề: "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Buổi chiều cùng ngày, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái truyền đạt chuyên đề: "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới". Mục tiêu tổng quát là: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong buổi sáng ngày làm việc thứ hai (22/7), các đại biểu tham dự đã lắng nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai truyền đạt chuyên đề: "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới". Trong đó nêu rõ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên luôn được Đảng coi trọng và xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - nêu rõ: Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thông qua 4 Nghị quyết quan trọng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất quan trọng trong phiên khai mạc và bế mạc hội nghị. Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hai bài phát biểu quan trọng này; lấy đó làm kim chỉ nam cho quá trình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nội dung của Hội nghị Trung ương 5.
Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị ngay sau Hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng phải nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân thấm nhuần sâu sắc nội dung 4 nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5; nhất là những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, những vấn đề mới, cốt lõi trong các nghị quyết; thấy rõ bốn nghị quyết này là những nội dung rất cơ bản, hệ trọng, liên quan mật thiết, tác động nhiều chiều đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đời sống của nhân dân, đến quốc phòng an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng ngày thêm trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, trình độ, uy tín để lãnh đạo đất nước.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, vấn đề quan trọng hàng đầu, yếu tố có tính chất quyết định là khâu tổ chức thực hiện. Quá trình này đòi hỏi phải có sự quyết tâm, năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương.
Thay mặt Ban Tổ chức hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trân trọng tiếp thu các ý kiến chỉ đạo sát sao, cụ thể của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trong triển khai nghiên cứu, quán triệt, học tập các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII); đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo, tuyên truyền các nội dung các nghị quyết Trung ương 5 sâu rộng hơn nữa, lựa chọn những nội dung, hình thức phù hợp với các đối tượng cán bộ, đảng viên để có hiệu quả, thiết thực; đưa những quan điểm chỉ đạo của nghị quyết thành hành động cụ thể trong thực hiện phát triển kinh tế- xã hội.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) cho các đối tượng còn lại cần bám sát nội dung Hướng dẫn 65 của Ban Tuyên giáo Trung ương; đặc biệt chú trọng tính tích cực, chủ động, đồng bộ, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại...