Nghiên cứu thị trường về thái độ thanh toán của người tiêu dùng tại các quốc gia Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam do Visa phối hợp với Toluna thực hiện từ tháng 10/2016, dựa trên mẫu 500 người ở mỗi thị trường (tuổi từ 18 trở lên và thu nhập trên 5 triệu đồng) cho ra nhiều kết quả bất ngờ.
Theo đó, tại Việt Nam, có tới 62% người tham gia trả lời cho biết họ thích thanh toán điện tử hơn cách thức truyền thống thông thường. Như vậy, mức độ tin dùng thanh toán điện tử tại Việt Nam đã tăng 8% so với năm 2015.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, người Việt có xu hướng mang ít tiền mặt trong ví hơn khi 29% người trả lời cho biết họ mang tiền mặt trong người ít hơn 5 năm về trước. Khi được hỏi nguyên nhân, đa số câu trả lời là do họ sử dụng thẻ nhiều hơn (59%) và lo lắng về vấn đề an toàn khi mang tiền mặt (56%).
Tích cực là vậy, xong việc trì trệ trong việc triển khai các tiện ích đồng nhất lại không diễn ra đồng bộ, đã vậy tình trạng mất cắp tài khoản khi thanh toán qua mạng ngày càng tăng nên con số thanh toán trên thực tế còn rất khiêm tốn. Do đó, người tiêu dùng dù đã mở thẻ, giữ thẻ song vẫn phải phụ thuộc vào tiền mặt khá lớn khiến họ không hài lòng.
Như chia sẻ của chị Mỹ Vy (nhân viên kế toán của FPT) thì: dù rất muốn thanh toán các giao dịch qua thẻ, nhưng vì lo sợ bị hack tài khoản nên so với việc sử dụng tiền mặt, việc thanh toán thẻ của chị chỉ chiếm 3% tổng chi tiêu tiêu dùng cá nhân hàng tháng.
CyRadar cũng vừa chính thức lên tiếng cảnh báo xuất hiện nhóm đối tượng lừa đảo nhắm trực tiếp vào người sử dụng các dịch vụ internet banking tại Việt Nam. Theo đó, hình thức lừa đảo của chúng là mạo danh người bán hàng, chat giao dịch với các chủ thẻ. Sau đó lừa lấy số điện và số tài khoản NH.
Tiếp theo, chúng sẽ mạo danh NH nhắn thông tin chuyển tiền và một đường dẫn truy cập mạng mạo danh để dụ nạn nhân truy cập vào để thanh toán... Tại website mạo danh, người dùng sẽ bị lừa nhập tài khoản và mật khẩu, đồng thời bị lừa nhập cả mã xác thực (OTP) tại đó. Những thông tin này sẽ bị kẻ xấu sử dụng để thực hiện một giao dịch, thậm chí còn lớn hơn cả số tiền món hàng chúng lừa người sử dụng mua trong tin nhắn ban đầu.
Tương tự, công ty an ninh mạng Bkav cũng ghi nhận trong 3 tháng đầu năm 2017 đã xuất hiện hàng loạt vụ việc đánh cắp tài khoản người dùng dịch vụ NH trực tuyến. Trước đó, Bkav đã nhiều lần dự báo xu hướng tấn công của tội phạm mạng nhắm đến lĩnh vực NH, tài chính vì mục tiêu chiếm đoạt tiền.
Trong khi đó, Kaspersky cho biết hiện nay mới chỉ có 19% NH quan tâm đến các cuộc tấn công vào máy ATM và các máy rút tiền, mặc dù tỷ lệ phần mềm độc hại nhằm vào cơ sở hạ tầng này của NH ngày càng cao (năm 2016 ghi nhận các mã độc ATM tăng lên 20% so với năm 2015). Hầu hết các NH được khảo sát đều thừa nhận (46%) khách hàng của họ thường xuyên bị tấn công bởi lừa đảo,70% NH cũng báo cáo các sự cố về gian lận tài chính dẫn đến mất tiền…
Như vậy, có thể thấy rõ, việc ưa thích dùng thẻ của người tiêu dùng Việt Nam là có, song để biến sở thích thành hành động thì phía NH cần có thêm giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng, thay vì chỉ cảnh báo chung chung như: tuyệt đối không cung cấp cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào thông tin đăng nhập, mật khẩu NH điện tử và OTP, thông tin thẻ (số thẻ, ngày hiệu lực và số CVC2)...
Bởi, không phải người tiêu dùng nào cũng phân biệt được đâu là website giả mạo, hay đâu là những thông tin khai báo không phải do NH gửi. Thậm chí, hiện nay, tội phạm có thể giả danh cán bộ NH thông báo với khách hàng về các khoản tiền chuyển đến tài khoản khách hàng và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin số thẻ, cùng mã mật khẩu xác thực một lần (One Time Password - OTP) để tác nghiệp.