TTĐT phát triển mạnh mẽ
Theo các chuyên gia kinh tế,TTĐT là hình thức thanh toán tiến hành trên môi trường Internet được sử dụng trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ trực tuyến. Thông qua hệ thống TTĐT, người sử dụng internet có thể tiến hành các hoạt động thanh toán, chuyển - nạp - rút tiền.
Để sử dụng hệ thống TTĐT cần phải có một tài khoản (Merchant Account) và một cổng thanh toán (Payment Gateway).
TTĐT đã ra đời để phục vụ cho thương mại điện tử (TMĐT) và ngày càng được mở rộng với nhiều hình thức mới, linh động và tiện lợi như: Thanh toán bằng thẻ, thanh toán bằng ví điện tử, thanh toán bằng điện thoại và các thiết bị di động (Mobile banking), thanh toán qua ngân hàng trực tuyến (Internet banking), thanh toán qua Homebanking, thanh toán bằng tiền điện tử…
Tại Việt Nam, mặc dù TTĐT đã có những bước phát triển đa dạng về các hình thức thanh toán, trong đó phổ biến nhất hiện nay vẫn là thanh toán thẻ.
Kể từ khi thị trường Việt Nam phát hành thẻ ngân hàng lần đầu tiên (vào năm 1996), tính tới 31/8/2020, hơn 109 triệu thẻ ngân hàng đang được lưu hành trên thị trường, thanh toán thẻ ngân hàng nội địa đạt khoảng 239 triệu giao dịch với giá trị gần 567 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng 28,9% về số lượng và 15,8% giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Về mạng lưới, cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán thẻ ngân hàng được cải thiện, số lượng máy POS có tốc độ tăng trưởng nhanh. Đến nay, hầu hết các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại trong cả nước cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ đã được cải thiện, số lượng ATM và POS có tốc độ tăng trưởng nhanh. Tính đến ngày 30/6/2020, số lượng ATM trên thị trường đạt trên 19 nghìn máy, số lượng máy POS đạt trên 200 nghìn máy…Thống kê cho thấy, hiệu suất giao dịch trên 1 POS ở Việt Nam tăng qua các năm và đạt tăng trưởng 15% trong 6 tháng đầu năm 2020. Loại thẻ được sử dụng chủ yếu để thanh toán tại POS vẫn là thẻ quốc tế (chiếm tỷ trọng 73%).
Cùng với sự gia tăng về số lượng thẻ và đầu tư cơ sở hạ tầng thanh toán, hiện nay, các ngân hàng đã cung cấp khá tốt các tiện ích cơ bản trên ngân hàng điện tử như: Chuyển khoản, thanh toán hoá đơn dịch vụ điện, nước, internet, điện thoại, truyền hình cáp, mua vé máy bay, mua hàng trực tuyến, đóng phí bảo hiểm…
Ban đầu, thanh toán thẻ xuất hiện dưới hình thức là quẹt thẻ thanh toán, sau đó là các hình thức thanh toán online, bao gồm cổng thanh toán và ví điện tử. Hiện nay, các hình thức thanh toán trên nền tảng website được phát triển thêm như Alipay, Braintree, Paymentwall… Về thanh toán thông thường, có các thiết bị chấp nhận thẻ (POS).Từ năm 2010 trở lại đây, khách hàng có thể sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại để chi trả cho những giao dịch trực tuyến cũng như tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm… Các hình thức thanh toán qua thẻ tăng lên với tốc độ chóng mặt, ngoài Visa, Master Card, Paypal còn có các hình thức mới áp dụng công nghệ như QR Code, NFC và mPOS; Internet Banking và Mobile Web Payment cũng tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo Vụ Thanh toán (NHNN), đến cuối tháng 11 năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 1.044 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 10,9 triệu tỷ đồng (tăng 118,5% về số lượng và 121% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 421,8 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 24,6 triệu tỷ đồng (tăng 10,8% về số lượng và 24,4% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).
Như vậy, có thể thấy rằng, định hướng phát triển công nghệ số trong ngành ngân hàng là tất yếu, sự phát triển của công nghệ giúp gia tăng tiện ích với người sử dụng các dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số rủi ro khiến việc lọt lộ thông tin, mất tiền trong tài khoản vẫn xảy ra.
Cần nhận diện rủi ro trong thanh toán điện tử
Những rủi ro lớn trong thanh toán điện tử liên quan đến vấn đề công nghệ, đặc biệt trong thời đại 4.0. Trong bài viết này chủ yếu đề cập đến rủi ro đối với người sử dụng.
Cụ thể, đối với thanh toán bằng thẻ (thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng). Hiện nay, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đang tiến hành chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip để nâng cao tính bảo mật (NHNN đã ban hành Bộ tiêu chuẩn thẻ chip). Tuy nhiên. phần lớn thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng ở Việt Nam đến thời điểm này là thẻ từ nên vẫn có những rủi ro. Đây là công nghệ của những năm 70, và tội phạm ngày nay có thể sử dụng công nghệ cao để đưa ra nhiều cách copy được dữ liệu trong đó. Một số rủi ro có thể đến từ loại thẻ này là: Làm giả thẻ, gian lận thẻ, và sử dụng chip điện tử hoặc thiết bị đọc trực tiếp để lấy trộm thông tin thẻ để thanh toán, rút tiền, chuyển tiền. Việc làm giả thẻ được thực hiện thông qua đánh cắp các thông tin cá nhân và thông tin thẻ bằng cách skimming (dùng máy cà thẻ có dùng hộp quẹt thẻ có chức năng mã hóa để ghi trộm thông tin thẻ), trộm cắp thông tin trên hóa đơn cà thẻ, skimming trên máy ATM, sử dụng phần mềm gián điệp để lấy trộm thông tin, truy cập bất hợp pháp vào các website cơ sở dữ liệu để lấy trộm thông tin, dùng thủ đoạn phát tán thư rác, email giả để lấy thông tin cá nhân, tạo trang web bán hàng giả, thành lập công ty giả để lừa lấy thông tin thanh toán,...
Hiện nay, việc các ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip là rất cần thiết nhằm tăng an toàn, tiện ích cho thẻ.
Với hình thức thanh toán bằng ví điện tử sẽ mang lại sự tiện lợi và khá an toàn cho người sử dụng, vì không cần phải mang theo nhiều tiền mặt hay thẻ thanh toán . Tuy nhiên, đi kèm với sự tiện lợi này là một số rủi ro khi sử dụng thanh toán ví điện tử qua cổng thanh toán trực tuyến như: bị nhận các thư rác, tin nhắn và dịch vụ lừa đảo qua email. Theo đó, người dùng khi vô tình nhấn vào các đường link, các mã độc được gửi đến các thiết bị di động thông minh, sẽ bị tự động đánh cắp các thông tin có sẵn trên máy và bị lấy cắp tiền trong ví điện tử của mình.
Còn thanh toán bằng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến thì có những rủi ro điển hình như giả mạo danh tính hoặc bán hàng lừa đảo. Đối tượng sẽ giả mạo thông tin những người bán có uy tín với thông tin, tên tuổi thật nhưng số tài khoản lại là giả mạo, hoặc thậm chí quảng cáo bán hàng nhưng thực tế không có sản phẩm, sau khi người dùng đã trả tiền trước nhưng vẫn không nhận được hàng hóa, dịch vụ muốn mua.
Ngoài ra, việc thanh toán bằng các dịch vụ trực tuyến cũng có nguy cơ gặp các rủi ro về việc bị trộm cắp các thông tin thanh toán thông qua các trang web bán hàng giả mạo, các công ty ma... và từ đó các tội phạm công nghệ cao này sẽ sử dụng thông tin có được nhằm mục đích thanh toán hoặc rút tiền. Các hình thức lừa đảo trực tuyến, các hình thức quảng cáo rác, tin nhắn rác mà thông qua đó các virus mã độc được phát tán vẫn đang là thách thức cho các cơ quan liên quan trong việc kiểm soát, truy vết, xử lý.
Hình thức thanh toán bằng điện thoại thông minh – Rủi ro từ việc điện thoại thông minh thường không sử dụng các chương trình diệt virus nên rất dễ nhiễm các loại virus, mã độc được cài lên máy mà người sử dụng không hề biết, các chương trình này sẽ tự động kích hoạt khi sử dụng các ứng dụng trên điện thoại và sao chép thông tin nhạy cảm của khách hàng như ảnh, mật khẩu tài khoản, các dữ liệu cá nhân rồi gửi lại về các đối tượng sử dụng chương trình đó. Nhờ đó, tin tặc sẽ dễ dàng sử dụng thông tin có được để đánh cắp tiền trong tài khoản của người dùng.
Nâng cao cảnh giác để hạn chế rủi ro trong TTĐT
Công nghệ là con dao hai lưỡi, vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro đe dọa, nhưng đồng thời cũng là một người bảo vệ tiềm năng và hiệu quả nếu biết đầu tư khai thác. Điều này đòi hỏi phía các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải không ngừng nâng cấp hạ tầng công nghệ, kiểm soát rủi ro. Đồng thời, phía cơ quan quản lý cũng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để đảm bảo an toàn thông tin mạng và góp phần bảo vệ an ninh quốc gia. Và việc triển khai phòng ngừa cần cả sự phối hợp từ chính bản thân các khách hàng sử dụng dịch vụ. Về phía người sử dụng: Khách hàng là người trực tiếp thực hiện, sử dụng các dịch vụ TTĐT, vì vậy cần phải chú ý những điểm lạ ở máy rút tiền, máy quẹt thẻ. Khi giao dịch bằng hình thức chuyển khoản, khách hàng nên kiểm tra thông tin người mua/bán.
Khi sử dụng các ví điện tử, Internet Banking, người sử dụng cần chú ý tới thiết bị của mình có cài các chương trình diệt virus, bảo mật, cần nâng cao cảnh giác không ấn vào các đường link lạ. Điện thoại và máy tính bảng đều khó bị nhiễm virus hơn máy tính rất nhiều. Nếu người dùng nhận thấy điện thoại thật sự bị nhiễm virus, có thể cài đặt lại điện thoại, đưa điện thoại về trạng thái nguyên bản của nhà sản xuất để xóa hết thông tin trên điện thoại và gỡ bỏ các phần mềm nhiễm độc. Các chương trình diệt virus mới có thể giúp người dùng kiểm soát trạng thái kết nối Internet và thông báo nếu có trường hợp kết nối máy chủ lạ hoặc không có phép của người dùng.
Mật khẩu là giải pháp xác thực được sử dụng nhiều nhất hiện nay, nhưng ý thức sử dụng mật khẩu của người dùng tại Việt Nam chưa cao. Thói quen tùy tiện nhập thông tin tài khoản vào các website, đường link lạ hay sử dụng chung một mật khẩu cho nhiều tài khoản là những thói quen người dùng cần thay đổi để đảm bảo an toàn. Theo thống kê của Bkav, hiện nay vẫn còn tới 55% người dùng sử dụng chung một mật khẩu cho các tài khoản tại nhiều dịch vụ trực tuyến khác nhau.Việc người dùng hiện nay có quá nhiều tài khoản dẫn đến số lượng mật khẩu phải nhớ quá nhiều có thể gây nên sự bất tiện và khó khăn. Để giải quyết vấn đề này cũng như để tránh việc quên hoặc lưu mật khẩu tại những nơi dễ bị đánh cắp, sử dụng trình quản lý mật khẩu là một giải pháp hữu ích, giúp lưu tất cả mật khẩu dưới một tài khoản duy nhất với độ bảo mật cao.
Bên cạnh đó, người sử dụng cũng nên cảnh giác, không sử dụng mạng công cộng để tiến hành thanh toán. Nếu bắt buộc phải truy cập thông qua một mạng công cộng, hãy kết nối qua một mạng ảo (VPN), khi đó mọi chi tiết truy cập sẽ được mã hóa qua mạng ảo này và hạn chế được rủi ro đánh cắp thông tin.
Ngoài ra, việc đăng ký dịch vụ tin nhắn thông báo số dư là giải pháp hữu hiệu để quản lý tài khoản vì bất kỳ giao dịch nào phát sinh đều gửi tin nhắn thông báo cho chủ thẻ. Hiện có rất nhiều chủ thẻ không đăng ký dịch vụ này nên không hề biết khi bị rút trộm tiền để có các hành động ngăn chặn kịp thời. Với sự phát triển của công nghệ số, hiện nay nhiều ngân hàng đã cung cấp những ứng dụng ngân hàng tích hợp tiện lợi giúp người sử dụng có thể chủ động kiểm tra tài khoản của mình bằng cách sử dụng dịch vụ Self-Service bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu.