Thẻ tín dụng còn có tên gọi khác là thẻ Credit (Credit Card). Về bản chất thẻ tín dụng là loại thẻ “Chi tiêu trước, trả tiền sau” bởi thẻ cho phép khách hàng sử dụng hạn mức tín dụng (số tiền ngân hàng cho vay trước) để thanh toán các giao dịch mua sắm hoặc tiêu dùng và người dùng sẽ trả lại số tiền đó vào cuối kỳ. Hiện nay thẻ tín dụng có hai loại phổ biến là thẻ tín dụng nội địa và thẻ tín dụng quốc tế. Cả 2 loại thẻ này đều cho phép người dùng giao dịch/thanh toán online & offline, rút tiền mặt và trả góp mua sắm.
Thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đầy đủ, đúng hạn
Theo quy định, nợ xấu là các khoản nợ đã quá hạn thanh toán trên 90 ngày. Một khi đã bị liệt vào danh sách khách hàng nợ xấu (theo phân loại trên CIC) sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn vay vốn của ngân hàng hay một tổ chức tín dụng nào đó trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn có không ít người sử dụng thẻ tín dụng quên trả nợ, không trả hết nợ dẫn đến nợ xấu mà không hề hay biết. Để tránh bị rơi vào nhóm “nợ xấu”, người vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng cần trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư 19/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Thông tư 17/2021/TT-NHNN quy định về nguyên tắc sử dụng: Chủ thẻ phải sử dụng tiền đúng mục đích và thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho tổ chức phát hành thẻ các khoản tiền vay và lãi phát sinh từ việc sử dụng thẻ theo hợp đồng đã ký với tổ chức phát hành thẻ. Nếu không thanh toán toàn bộ khoản vay trong khoảng thời gian này, khách hàng sẽ phải trả thêm tiền lãi cho ngân hàng.
Như vậy, không trả nợ thẻ tín dụng còn chịu phí phạt quá hạn thanh toán. Đặc biệt, căn cứ theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định chế tài về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt cho thấy, trả nợ thẻ tín dụng là trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, người không trả nợ thẻ tín dụng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu bỏ trốn hay lừa dối để không trả nợ.
Để tránh nợ thẻ tín dụng quá hạn, khách hàng nên chủ động theo dõi sao kê được ngân hàng gửi vào email hoặc trên ứng dụng Mobile Banking. Khách hàng nên cài đặt thanh toán dư nợ tự động trên ứng dụng ngân hàng điện tử để tránh tình trạng quên thanh toán khi đến hạn.
Để biết thông tin tín dụng, tài khoản thẻ, khách hàng có thể ngồi nhà tự kiểm tra trên trang web của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) của Ngân hàng Nhà nước.
Người dân có thể vào trang web của CIC tại địa chỉ cic.gov.vn, chọn nút "Đăng ký" và từ đó khai báo tất cả thông tin cá nhân theo yêu cầu gồm họ tên, căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ email, địa chỉ nhà... Trong đó, cần xác thực khi gửi ảnh chụp mặt trước và mặt sau của căn cước công dân cùng hình chân dung.
Sau khi hoàn tất đăng ký, CIC sẽ gửi thông tin xác nhận về địa chỉ email. Tuy nhiên, để tra cập được thông tin tín dụng phải chờ hồ sơ được phê duyệt và hiện thời gian thông báo là từ 1-3 ngày. Do vậy, CIC cũng cho rằng, để hồ sơ được duyệt nhanh hơn khách hàng nên tải ứng dụng (app) CIC về điện thoại thông minh rồi đăng ký và sử dụng.
Tìm hiểu lãi suất thẻ tín dụng tại ngân hàng phát hành thẻ
Về lãi suất, hiện có một số loại lãi suất thẻ tín dụng phổ biến:
(i) Lãi suất khi rút tiền mặt trực tiếp từ thẻ tín dụng tại cây ATM: Khi rút tiền mặt tại cây ATM, khách hàng sẽ phải chi trả thêm phí rút tiền mặt từ thẻ tín dụng khoảng 4%/ tổng giao dịch. Đồng thời, lãi suất rút tiền mặt cũng sẽ rơi vào khoảng 20 - 30%/ năm và được tính ngay tại thời điểm rút tiền ra khỏi cây.
(ii) Lãi suất khi mua trả góp bằng thẻ tín dụng: Hiện nay, mức lãi suất trả góp bằng thẻ tín dụng phổ biến tại Việt Nam rơi vào khoảng 0 - 10%/năm.
(iii) Lãi suất khi chỉ thanh toán dư nợ tối thiểu đúng hạn:
Dư nợ tối thiểu là khoản tiền tối thiểu mà khách hàng cần chi trả khi đến hạn thanh toán tín dụng. Thông thường, số dư nợ tối thiểu sẽ bằng khoảng 5% tổng số tiền mà khách hàng đã chi tiêu trong kỳ sao kê vừa qua.
Trong thời gian miễn lãi 45 - 55 ngày (tùy từng ngân hàng), khách hàng có thể chọn thanh toán dư nợ tối thiểu cho toàn bộ chi tiêu trong kỳ sao kê vừa qua nếu không đủ khả năng hoàn trả hết số dư nợ trong 1 lần.
Việc thanh toán dư nợ tối thiểu đúng hạn sẽ giúp khách hàng không bị tính phí phạt trả chậm. Tuy nhiên, khoản nợ còn lại vẫn sẽ bị tính lãi suất lên tới 20 - 40%/năm và được cộng dồn vào kỳ thanh toán kế tiếp.
Nhìn chung, nếu chỉ thanh toán dư nợ tối thiểu, khách hàng sẽ không được tiếp tục hưởng thời gian miễn lãi suất ở các kỳ sao kê sau, cho đến khi trả hết số dư nợ. Đồng thời, khoản dư nợ còn thiếu sẽ bị tính lãi và cộng dồn vào các kỳ thanh toán tiếp theo.
Do đó, ngân hàng khuyến cáo các chủ thẻ nên đảm bảo thanh toán dư nợ đầy đủ, đúng hạn và chỉ nên thực hiện thanh toán tối thiểu trong trường hợp bất đắc dĩ.
(iv) Lãi suất khi không thanh toán dư nợ đầy đủ đúng hạn:
Trong trường hợp không thanh toán dư nợ tối thiểu đúng hạn, khách hàng sẽ phải chịu phí phạt trả chậm khoảng 5% tổng dư nợ (tối thiểu là 100.000 VND, tuỳ theo quy định của ngân hàng) và lãi suất quá hạn lên đến 20 - 40%/năm, cụ thể số tiền sẽ được tính tùy theo số ngày quá hạn.
Khi đến kỳ hạn thanh toán nhưng khách hàng không thanh toán bất kỳ một khoản dư nợ nào (kể cả dư nợ tối thiểu) cho ngân hàng thì số tiền lãi mà khách hàng cần phải chi trả sẽ được tính dựa trên 2 giai đoạn (tùy ngân hàng), chẳng hạn tại Techcombank: Giai đoạn 1 (trong vòng 60 - 70 ngày đầu): Khoản thanh toán tối thiểu bị tính phí phạt trả chậm 5% và lãi suất quá hạn 20 - 40%/năm, số dư nợ còn lại vẫn tính lãi suất trong hạn; Giai đoạn 2 (sau 60 - 70 ngày): Nếu chủ thẻ không thanh toán dư nợ tối thiểu thì toàn bộ khoản nợ sẽ bị tính lãi suất quá hạn và phí trả chậm.
Còn tại Agribank, đối với cách tính phí chậm trả và lãi quá hạn của thẻ tín dụng, vào ngày đến hạn thanh toán, nếu khách hàng không thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền tối thiểu, Agribank sẽ thu phí chậm trả tính trên số tiền thanh toán tối thiểu chưa được thanh toán. Số tiền phí này được thể hiện trên sao kê kỳ tiếp theo.
Trong trường hợp sau 2 kỳ sao kê liên tiếp, vào ngày đến hạn thanh toán, nếu khách hàng không thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền thanh toán tối thiểu, hệ thống Agribank sẽ tự động khóa thẻ và tính lãi quá hạn với lãi suất bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn trên toàn bộ dư nợ gốc.
Như vậy, Agribank chỉ tính lãi tiền vay trên dư nợ gốc và mức lãi suất quá hạn được tính không quá 150% lãi suất cho vay trong hạn (19,5%/năm) trên dư nợ gốc (không bao gồm lãi, phí). Với trường hợp khách hàng có dư nợ là 8.500.000 đồng theo cách tính của Agribank lãi quá hạn sau 11 năm sẽ là: 8.500.000 đồng x 19,5% x 11 năm = 18.349.670 đồng.
Hiếu đúng thời gian miễn lãi
Thời gian miễn lãi 45 ngày của thẻ tín dụng là khoảng thời gian để chủ thẻ cân đối tài chính và thực hiện nghĩa vụ chi trả tổng dư nợ của kỳ trước mà không phải trả phí/tiền lãi cho những khoản chi đó. Hay nói cách khác, 45 ngày miễn lãi chính là thời gian khuyến mãi để khách hàng được chi tiêu trước, trả sau mà không bị tính phí.
Thực tế, không phải giao dịch nào cũng được hưởng thời gian miễn lãi là 45 ngày. Chỉ những giao dịch được thực hiện vào ngày đầu tiên của chu kỳ thanh toán mới thì mới được hưởng thời gian miễn lãi tối đa là 45 ngày. Những giao dịch càng về cuối kỳ thanh toán sẽ có thời gian miễn lãi ít hơn. Chu kỳ thanh toán bắt đầu từ ngày chốt sao kê của tháng này tới ngày chốt sao kê của tháng sau.
Khi chi tiêu vào đầu chu kỳ thanh toán, bạn sẽ tận dụng tối đa thời gian miễn lãi và đảm bảo nguồn tài chính để trả nợ tín dụng đúng hạn. Do đó, nếu có thể bạn nên hạn chế mua sắm khi đã cận ngày sao kê; nên thường xuyên kiểm tra lịch sử giao dịch trên ứng dụng (app) ngân hàng điện tử và tính toán khả năng chi trả.
Bên cạnh đó, bạn cần biết không phải thẻ tín dụng nào cũng được miễn lãi 45 ngày. Thời gian miễn lãi tùy theo từng sản phẩm thẻ tín dụng và quy định của mỗi ngân hàng. Số ngày miễn lãi 45 ngày cho thẻ tín dụng là phổ biến nhất. Tuy nhiên, một số loại thẻ tín dụng có thể được miễn lãi 50 hoặc 55 ngày.
Kiếm soát chức năng thanh toán trực tuyến
Thực tế, không ít trường hợp khách hàng đang nắm giữ thẻ trong ví nhưng “tiền vẫn không cánh mà bay”. Do đó, để phòng tránh rủi ro, chủ thẻ nên chủ động tạm khoá chức năng thanh toán online hoặc đặt hạn mức giao dịch nhỏ.
Khi khóa dịch vụ, thẻ ngân hàng chỉ có thể thanh toán trực tiếp tại cửa hàng. Dù kẻ gian có được thông tin thẻ cũng không thể sử dụng tại các trang web, ứng dụng. Nhưng điểm linh hoạt là người dùng có thể tuỳ biến khoá hoặc mở dịch vụ này bất cứ khi nào mình có nhu cầu, phần đông các ngân hàng phát triển mạnh ứng dụng ngân hàng điện tử đều có sẵn tính năng này trên app.
Một cách khác để không cần khoá hẳn chức năng thanh toán online của thẻ là bạn thiết lập một hạn mức giao dịch để kiểm soát số tiền tối đa được phép chi ra cho mỗi lần giao dịch và mỗi ngày. Người dùng có thể tự tính toán số tiền trung bình bản thân thường chi tiêu để đưa ra hạn mức phù hợp. Trong trường hợp bị đánh cắp thông tin tài khoản, số tiền bị mất sẽ ít hơn so với thông thường.
Có nhiều phương thức để người dùng khóa dịch vụ hoặc thay đổi hạn mức giao dịch trực tuyến.
Thứ nhất, khách hàng có thể gọi lên tổng đài hỗ trợ của mỗi nhà băng để yêu cầu khóa dịch vụ hoặc thay đổi hạn mức giao dịch. Phương pháp khóa dịch vụ thanh toán trực tuyến qua tổng đài được các ngân hàng khuyến khích hàng đầu mỗi khi chủ thẻ phát hiện các giao dịch bất thường xuất hiện.
Thứ hai, khách hàng có thể kiểm soát thanh toán trực tuyến trên trang web Internet Banking hoặc ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng. Chức năng này thường nằm ở phần "dịch vụ thẻ" hoặc "quản lý thẻ". Màn hình sẽ hiển thị danh sách thẻ đang sử dụng. Khách hàng chọn loại thẻ đang dùng và chọn "khóa/mở thanh toán trực tuyến" để khóa dịch vụ hoặc thực hiện điều chỉnh hạn mức giao dịch. Hệ thống có thể yêu cầu xác nhận bằng mã OTP được gửi về điện thoại để hoàn tất.
Thứ ba, khách hàng có thể khóa dịch vụ và điều chỉnh hạn mức giao dịch trực tuyến tại quầy giao dịch của ngân hàng. Cách này thường áp dụng cho những ai không sử dụng Internet Banking hoặc Mobile Banking. Một số nhà băng còn cho phép chủ thẻ bật, tắt dịch vụ này tại các máy rút tiền (ATM), máy nộp tiền (CDM).
Bảo mật thông tin thẻ và tải khoản ngân hàng trực tuyến
Ngoài tự kiểm soát dịch vụ thanh toán trực tuyến, người dùng có thể chủ động tránh thiệt hại khi sử dụng thẻ ngân hàng bằng nhiều cách:
Tuyệt đối không cho người khác mượn thẻ; không đưa thẻ, trao thẻ cho người khác kể cả nhân viên ngân hàng sử dụng để tránh nguy cơ lộ các thông tin bảo mật. Luôn để thẻ trong tầm mắt của mình khi giao dịch tại các đơn vị chấp nhận thẻ để chắc chắn người khác không thể sao chép thông tin thẻ của bạn dẫn đến lợi dụng thực hiện các giao dịch gian lận.
Chủ thẻ tuyệt đối không tiết lộ mã bảo mật CVV được in phía sau đối với thẻ thanh toán quốc tế và mã PIN đối với thẻ nội địa. Không cung cấp thông tin tên truy cập và mật khẩu ngân hàng điện tử cho người khác. Quan trọng không kém, người dùng không được tiết lộ mã OTP cho bất kỳ ai khác qua bất kỳ phương tiện nào. Ngoài ra, chỉ truy cập vào các trang web chính thống của ngân hàng và chỉ liên kết tài khoản với đơn vị trung gian uy tín.
Đối với mật khẩu truy cập dịch vụ ngân hàng trực tuyến cần đặt mật khẩu khó đoán, đảm bảo quy tắc an toàn, thay đổi mật khẩu thường xuyên và không sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động.
Hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử. Gõ trực tiếp địa chỉ các trang web ngân hàng điện tử thay vì chọn đường link có sẵn, chỉ đăng nhập tại website chính thức của ngân hàng.
Tiến hành mua sắm, thanh toán trực tuyến tại các trang mạng uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng.
Trong trường hợp bị lộ hoặc nghi ngờ bị lộ Tên đăng nhập/ Mật khẩu khách hàng cần nhanh chóng thông báo tới ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời. Nếu mất thẻ cần khóa thẻ trên ứng dụng ngân hàng điện tử hoặc thông báo tới ngân hàng càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ mất tiền trong thẻ.
Khách hàng cần hết sức cảnh giác với các yêu cầu quét mã QR hoặc truy cập đường link lạ. Nâng cao cảnh giác với các cuộc gọi lạ, mạo danh cán bộ nhà nước yêu cầu cài đặt ứng dụng, phần mềm vì các ứng dụng, phần mềm đó có chứa các loại mã độc đánh cắp thông tin, mã hóa dữ liệu của người dùng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng, nhấn vào link nếu không rõ nguồn gốc. Chỉ cài đặt các ứng dụng từ các cửa hàng chính thức như Google Play và App Store. Người dùng cần cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm, đặc biệt là phần mềm trên Android. Tuyệt đối không cấp quyền hỗ trợ (Accessibility), bởi tất cả các ứng dụng của ngân hàng, thuế hay bất kỳ cơ quan nào khác đều không yêu cầu người dùng quyền này.
Hà Linh