Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên truyền là một hoạt động thống nhất trên ba mặt: Một là, nhận thức đúng đắn về mục đích và vai trò của tuyên truyền; hai là, phương pháp tuyên truyền; ba là, những yêu cầu đối với người làm công tác tuyên truyền. Cả ba mặt trên luôn phải thống nhất, có mối liên hệ hữu cơ, tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó nhận thức về mục đích đóng vai trò chủ đạo, chi phối trực tiếp đến mọi phương pháp hoạt động tuyên truyền. Quá trình từ nhận thức đến phương pháp tuyên truyền đều thông qua con người cụ thể. Do đó, người thực hiện công tác tuyên truyền đóng vai trò quyết định.
Trong bài “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền”, đăng trên Báo Sự thật, số 79, từ ngày 26/6 đến 9/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tuyên truyền là đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại. Muốn thành công phải biết cách tuyên truyền”. Đây cũng chính là phương châm, phương hướng phấn đấu, rèn luyện đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên truyền, công tác dân vận; là một phong cách mới trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng của Đảng ta nói chung, của mỗi cán bộ, đảng viên và người làm công tác tuyên truyền nói riêng.
Bám sát tinh thần đó, công tác tuyên truyền của Đảng đã luôn bám sát mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng; đặc điểm, tình hình của địa phương và nhân dân để lựa chọn đúng, trúng nội dung, phương pháp tuyên truyền, tạo nên sự đồng thuận giữa ý Đảng, lòng dân và sự thống nhất ý chí, hành động của toàn dân trong thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết người làm công tác tuyên truyền phải nắm vững đối tượng được tuyên truyền. Nếu người làm công tác tuyên truyền không điều tra, không phân tích, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại. Người cũng lưu ý rằng: Dân chúng không nhất luận như nhau, trong dân chúng cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, ý kiến khác nhau, có lớp tiên tiến, có lớp lưng chừng, có lớp lạc hậu. Đối với mỗi tầng lớp đối tượng, Người yêu cầu phải có phương thức tuyên truyền thích hợp và phải chú trọng ưu tiên cho lớp đối tượng có trình độ nhận thức, trình độ văn hóa thấp, vì đối tượng này hiểu được thì các đối tượng khác cũng sẽ nắm bắt dễ dàng.
Xuất phát từ mục đích, ý nghĩa đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn cách tuyên truyền ngắn ngọn, dễ hiểu, thiết thực để vận động, giác ngộ quần chúng. Từ đó, tạo nên một phong cách tuyên truyền mang tính đại chúng.
Trong phần đầu cuốn sách “Đường Kách mệnh”, Người đã nói rõ: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ”, “nói việc gì, thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ - trang hoàng gì cả”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với người làm công tác tuyên truyền phải có cách tuyên truyền phù hợp với đối tượng, với hoàn cảnh, cách nói, cách viết phải ngắn gọn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra phương pháp tuyên truyền sao cho đạt hiệu quả: Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem.
Do mục đích, yêu cầu của công tác tuyên truyền, nhất là tính chính xác, sức lay động, lan tỏa đối với dân chúng nên Người yêu cầu cán bộ tuyên truyền: Phải biết cách nói. Nói thì phải giản đơn, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được. Vì vậy, người tuyên truyền phải học cách tuyên truyền của quần chúng. Đó là sự kết hợp của việc học trong sách vở, học trong thực tiễn công tác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cách tuyên truyền phù hợp nhất, có hiệu quả nhất đối với nhân dân chính là cách tuyên truyền của chính nhân dân, bằng cách đó, dân dễ hiểu, dễ nhớ nên sẽ tin và sẽ làm theo. Theo Người, cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực mà lại rất đơn giản. Cán bộ đi tuyên truyền chưa học được cách nói đó, cho nên khi nói, khi viết khô khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực. Muốn nâng cao hiệu quả tuyên truyền thì người làm công tác tuyên truyền phải là người hiểu biết rộng, đặc biệt là nhận thức sâu việc mình tuyên truyền. Không những có đủ kiến thức lý luận mà phải có vốn sống phong phú; không những giỏi về nghiệp vụ chuyên môn mà còn phải có trình độ văn hóa cao, người tuyên truyền giỏi phải là người biết tổ chức quần chúng, người thức tỉnh và tập hợp được quần chúng…
Theo Người, không nên lúc nào cũng trích C.Mác, trích V.I.Lê-nin sẽ làm cho đồng bào khó hiểu. Nói thế nào cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được là nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ. Còn nếu nói hay mà không hiểu thì cũng không bằng nói dễ hiểu, thiết thực, người ta dễ hiểu và làm được.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành một phần nói về những căn bệnh thường mắc phải của cán bộ làm công tác tuyên truyền trong khi nói và viết: Đó là “thói ba hoa” mà biểu hiện của bệnh đó là: dài dòng, rỗng tuếch; cầu kỳ; khô khan, lúng túng; báo cáo lông bông; lụp chụp, cẩu thả; bệnh theo "sáo cũ"…
Những lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền mãi mãi là hành trang, là phương pháp luận quý báu để đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu để tự tin hơn, trí tuệ hơn, sắc sảo hơn trong thực hiện nhiệm vụ được Đảng phân công.
Trong bối cảnh hiện nay, công tác tuyên truyền phải có sự đổi mới thực sự cả về nội dung, cách thức theo hướng chủ động kịp thời hơn, nhạy bén, sâu sắc hơn, toàn diện, hiệu quả hơn. Cần phải tuyên truyền thông qua nhiều kênh, nhiều tổ chức, nhiều hình thức để tiến hành đưa thông tin trực tiếp tới các đối tượng khác nhau, các đoàn thể, các hội quần chúng. Cần nghiên cứu nhu cầu tiếp cận thông tin của cán bộ, đảng viên theo nhóm đối tượng để có phương thức, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp, đạt hiệu quả cao.
Xác định công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thời gian qua, Đảng bộ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, qua đó góp phần làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc, đúng đắn về các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thống nhất trong hành động. Cấp ủy chi bộ làm công tác tuyên truyền đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thường xuyên; quan tâm đổi mới toàn diện, mạnh mẽ về nội dung và phương thức công tác tuyên truyền; chú trọng đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tuyên truyền. Đặc biệt là việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết của Đảng cho cán bộ, đảng viên nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Chi bộ; góp phần tăng cường xây dựng Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Để đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên làm công tác tuyên truyền theo quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong thời gian tới cần tập trung vào những nội dung sau:
Một là, cán bộ, đảng viên làm công tác tuyên truyền cần nắm vững, thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về tuyên truyền. Muốn vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, nghiên cứu tư tưởng của Người, bằng hình thức tự học, tự nghiên cứu hoặc tham gia các lớp bồi dưỡng, nghe các buổi nói chuyện về tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hai là, mỗi cán bộ, đảng viên phải biết vận dụng tư tưởng về tuyên truyền của Người một cách hợp lý. Trong quá trình làm việc cần xác định nội dung trọng tâm, vận dụng phần nào và chỉ nên vận dụng những nội dung cốt lõi trong tư tưởng tuyên truyền của Người.
Ba là, tăng cường và đổi mới phương pháp tuyên truyền, tích cực sử dụng các phương tiện hiện đại vào thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyên truyền vào công tác tuyên truyền hiện nay.
Bốn là, thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm về việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác tuyên truyền hiện nay. Nội dung của việc rút kinh nghiệm phải tập trung vào đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế yếu kém của cán bộ, đảng viên trong việc vận dụng. Từ đó, đề ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.
Trong thời gian tới, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra cho công tác tuyên truyền những vấn đề mới. Chính vì vậy, việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên theo quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay là một yêu cầu tất yếu, coi đó là nhiệm vụ có tính chiến lược lâu dài, được tiến hành thường xuyên, rộng khắp.
Người đã đi xa nhưng để lại cho chúng ta di sản tinh thần vô cùng to lớn, đó là tư tưởng vĩ đại, đạo đức, phong cách sáng ngời của người Cộng sản. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương sáng ngời cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện phấn đấu suốt đời học tập và noi theo.