Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện, theo ghi nhận từ kết quả kiểm tra của các đoàn kiểm tra cũng như ý kiến trao đổi, phản ánh của một số QTDND tại các sự kiện tuyên truyền do Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức, trong quá trình sử dụng STK theo mẫu mới vẫn còn tồn tại một số hạn chế, ít nhiều có ảnh hưởng tới hoạt động của QTDND.
Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về NHHTX, QTDND và Quỹ đảm bảo an toàn hệ thống QTDND quy định, kể từ ngày 01/01/2020, các QTDND chỉ được sử dụng STK trắng theo mẫu do NHHTX ban hành, cung cấp để nhận tiền gửi tiết kiệm của khách hàng. Thực hiện nội dung trên, NHHTX đã khảo sát, nghiên cứu, thiết kế mẫu STK mới, xây dựng quy trình quản lý và cung cấp STK trắng phù hợp với điều kiện, yêu cầu của QTDND, đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ STK trắng cho các QTDND theo nhu cầu.
Tại Chi nhánh BHTGVN khu vực ĐBSCL, trong quá trình triển khai kiểm tra quy định về nhận tiền gửi được bảo hiểm và tổ chức các sự kiện tuyên truyền có lồng ghép nội dung trao đổi, thảo luận về đổi STK tại các QTDND trên địa bàn, Chi nhánh đã xem xét, đánh giá và nhận thấy phần lớn các QTDND đã nghiêm túc thực hiện quy định trong việc đổi, sử dụng STK theo mẫu do NHHTX ban hành, cung cấp. Cụ thể:
Trước thời hạn bắt đầu chuyển sang sử dụng STK theo mẫu mới, để đảm bảo tính liên tục trong hoạt động huy động tiền gửi tiết kiệm, các QTDND căn cứ vào nhu cầu sử dụng và tình hình thực tế tiến hành đăng ký mua và tiếp nhận STK từ NHHTX về đơn vị mình, thực hiện các thủ tục kiểm đếm, đóng dấu, nhập kho, mở sổ sách theo dõi theo quy định; niêm yết công khai mẫu STK mới tại trụ sở làm việc; ban hành quy định nội bộ về quản lý và sử dụng STK trắng; thống kê STK theo mẫu cũ đã sử dụng, kiểm kê STK chưa được sử dụng báo cáo, bàn giao cho NHNN chi nhánh để tiêu hủy. Đến thời hạn bắt đầu sử dụng STK theo mẫu mới, tất cả các QTDND đều đã nhận được STK do NHHTX cung cấp và đưa vào sử dụng, đồng thời các QTDND cũng tạo điều kiện để khách hàng đã gửi tiết kiệm tại QTDND đối chiếu với mẫu STK trắng và thực hiện đổi STK theo mẫu mới khi có yêu cầu, thu hồi STK cũ khi đến hạn và đổi sang STK theo mẫu mới cho khách hàng có nhu cầu tiếp tục gửi tiền. Đến nay, hầu hết khách hàng đang gửi tiền tiết kiệm tại các QTDND trên địa bàn đều được phát hành STK theo mẫu mới.
Việc áp dụng STK theo mẫu mới do NHHTX ban hành, cung cấp đã đáp ứng nhu cầu của các QTDND về việc có một mẫu STK chung, đặc trưng do một đơn vị đầu mối thiết kế, in ấn và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn trong quá trình quản lý, cung cấp để áp dụng chung cho tất cả các QTDND trên cả nước. Đồng thời, STK theo mẫu mới cũng đảm bảo đầy đủ nội dung tối thiểu cần thiết theo quy định và thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội so với mẫu cũ về mẫu mã, màu sắc, đặc điểm kỹ thuật, yếu tố bảo mật chống giả mạo, số seri đảm bảo phục vụ yêu cầu thống kê, quản lý… Đặc biệt, ở phần “Những điều cần lưu ý” tại mặt sau của STK đã khái quát những quy định, yêu cầu, hướng dẫn quan trọng về trách nhiệm, quyền lợi của thành viên và khách hàng gửi tiền; công khai biện pháp để thành viên và người gửi tiền tra cứu khoản tiền gửi của mình tại QTDND. Bên cạnh đó, STK theo mẫu mới cũng đã thông tin công khai quy định của pháp luật về khoản tiền gửi tiết kiệm của thành viên và khách hàng tại QTDND được bảo hiểm tiền gửi theo quy định. Đây là nội dung mới được NHHTX quan tâm, xem xét đưa vào “Những điều cần lưu ý” tại STK nhằm góp phần công khai hóa chính sách pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và nâng cao niềm tin của công chúng đối với hoạt động huy động của QTDND.
Có thể nói, việc sử dụng STK theo mẫu do NHHTX ban hành, cung cấp đã góp phần giúp cơ quan quản lý thuận tiện hơn trong quá trình theo dõi, giám sát; giúp cho các QTDND quản lý, sử dụng thuận tiện, an toàn, hiệu quả; nâng cao tính an toàn trong công tác huy động vốn từ các thành viên và khách hàng, hạn chế tối đa việc lợi dụng STK trắng gây thất thoát tài sản của QTDND.
Tuy nhiên, theo ghi nhận từ kết quả kiểm tra của các đoàn kiểm tra cũng như ý kiến trao đổi, phản ánh của một số QTDND tại các sự kiện tuyên truyền do Chi nhánh tổ chức, trong quá trình sử dụng STK theo mẫu mới vẫn còn tồn tại một số hạn chế ít nhiều có ảnh hưởng tới hoạt động của QTDND và Chi nhánh cũng khuyến nghị các QTDND cần có ý kiến phản ánh, đề xuất kiến nghị để được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, hướng dẫn, điều chỉnh trong việc sử dụng STK đảm bảo tuân thủ an toàn, hiệu quả. Cụ thể:
Theo quy định về tiền gửi tiết kiệm tại Thông tư số 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Thống đốc NHNN, khi phát sinh trường hợp người gửi tiết kiệm chung thì QTDND phải ghi thông tin của tất cả người gửi chung vào STK, tuy nhiên mẫu STK do NHHTX thiết kế chỉ phù hợp cho trường hợp ghi thông tin của một người gửi tiền, không đủ chỗ để ghi thông tin của tất cả người gửi tiền tiết kiệm chung theo quy định.
Tại Thông tư số 04/2022/TT-NHNN ngày 16/6/2022 của Thống đốc NHNN quy định về việc rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cho phép khách hàng được rút trước hạn một phần tiền gửi tiết kiệm. Đây là một điểm mới trong quy trình quản lý nghiệp vụ tiền gửi tiết kiệm tại QTDND, nhưng khi triển khai thực hiện thì nội dung hiện có của STK chưa đáp ứng được việc ghi nhận nghiệp vụ rút trước hạn một phần tiền gửi khi thành viên và khách hàng có nhu cầu.
Đến thời điểm hiện tại, một số QTDND vẫn còn một hoặc một vài trường hợp khách hàng gửi tiền tiết kiệm còn sử dụng STK theo mẫu cũ, mà chưa được chuyển sang STK theo mẫu mới. Nguyên nhân là do khách hàng gửi tiền không mang STK đến thực hiện các thủ tục tất toán khi đến hạn và đã được QTDND hạch toán lãi nhập gốc và chuyển sang kỳ hạn mới nhiều lần. Những trường hợp này, theo báo cáo từ các QTDND, đa số là khách hàng ngoài địa bàn hoạt động của QTDND, thuộc trường hợp gia đình có điều kiện kinh tế khá, chưa có nhu cầu sử dụng tiền tiết kiệm và có ý định tích lũy lâu dài khoản tiền gửi của mình hoặc đã xuất cảnh hoặc đi khỏi nơi cư trú mà QTDND không liên lạc được cũng như không có giấy tờ thể hiện có sự ủy quyền hay thừa kế cho người khác. Đây chính là những khó khăn phổ biến của một số QTDND trong quá trình thực hiện đổi STK theo mẫu mới.
Phòng Tổng hợp - Chi nhánh BHTGVN khu vực ĐBSCL
Tài liệu tham khảo:
- Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 của Thống đốc NHNN;
- Báo cáo kết quả kiểm tra năm 2020, 2021, 2022, 6 tháng đầu năm 2023 của Chi nhánh BHTGVN khu vực ĐBSCL;
- Tài liệu trình bày của đại diện NHHTX chi nhánh Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh tại sự kiện tuyên truyền do Chi nhánh tổ chức;
- Ý kiến phát biểu, phản ánh của đại diện QTDND tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh.