Tin đồn và sự hoang mang của người dân có sức mạnh ghê gớm, khi hiệu ứng đám đông đã và đang đe dọa tới sự ổn định của thị trường tài chính London – một trong những nền tài chính lâu đời và vững mạnh nhất thế giới. Trước tình hình đó, Chính phủ các nước châu Âu ngay lập tức đưa ra những biện pháp nhằm ngăn chặn đột biến rút tiền gửi xảy ra.
Mặc dù cuộc chưng cầu dân ý chỉ diễn ra vào ngày 23/6 /2016, và những kết quả đầu tiên chỉ được công bố vào sáng hôm sau, nhiều người dân Anh đã không muốn chờ đợi mà đưa ra quyết định của mình từ vài ngày trước đó. Ngay khi nhận thấy những dấu hiệu ngày càng rõ ràng rằng phe ủng hộ Brexit sẽ chiến thắng, họ đã bảo nhau chạy tới các ngân hàng, rút hết tài khoản tiết kiệm và tiền gửi bằng đồng bảng Anh để đổi sang các ngoại tệ mạnh khác, cụ thể là USD và EUR. Họ dự báo được rằng, khi tuyên bố về Brexit được đưa ra, đồng bảng Anh sẽ lập tức rớt giá mạnh. Khi đó, nếu muốn, họ có thể đổi ngược lại những đồng USD và EUR mới mua được này về bảng Anh và thu về lợi nhuận đáng kể một cách nhanh chóng. Theo những số liệu thống kê của The Post Office, giao dịch chuyển đổi ngoại tệ trong tuần trước cuộc bỏ phiếu đã tăng tới 4 lần so với cùng kì năm ngoái. Càng gần thời điểm quyết định, nhu cầu rút tiền và đổi tiền của người dân càng tăng đột biến, lên tới 48,8% tại các phòng giao dịch ngân hàng và 381% online, chỉ tính riêng trong ngày 21/6 [1].
Quang cảnh hỗn loạn đó khiến người ta nhớ lại bóng ma của vụ đổ vỡ ngân hàng Northern Rock vào năm 2007 với hiện tượng rút tiền hàng loạt đáng chú ý nhất trong vòng 140 năm qua tại Anh Quốc. Điều nguy hiểm là, cuộc đột biến rút tiền gửi do Brexit, tuy có xuất phát điểm hơi khác so với các cuộc đột biến rút tiền gửi khác, vốn hay bắt nguồn từ hoạt động yếu kém của một vài ngân hàng cụ thể, có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng với chi phí để kiểm soát được là rất lớn.
Nhà kinh tế học Paul Krugman cảnh báo: Dấu hiệu đầu tiên của tất cả các cuộc khủng hoảng tài chính ở nước Anh thời hiện đại đều gắn liền với việc mất giá nhanh chóng của đồng bảng Anh. Quả thực, bài học lịch sử cho thấy đồng bảng Anh đã rớt giá 25% vào thời điểm của cuộc khủng hoảng năm 1992, 30% vào thập niên 70 [8]. Những ngày này khi Brexit diễn ra, đồng bảng Anh đang tiếp tục đà tụt dốc vượt mức 9% và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các nhà hoạch định chính sách hi vọng rằng đồng bảng Anh sẽ phục hồi sau khi chạm đáy tại mức giảm 20% [6]. Theo ông Mark Carney, thống đốc Ngân hàng Anh, xét đến tỉ trọng của nền tài chính ngân hàng Anh vốn chiếm hơn 8% GDP nước này, một cuộc khủng hoảng trong ngành hoàn toàn có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc đại khủng hoảng trên diện rộng, thậm chí giảm phát [2;3].
Đột biến rút tiền gửi có thể kích hoạt hiệu ứng dây chuyền, vì vậy không chỉ phía Anh Quốc chịu thiệt hại mà bên kia bờ biển, một số nước châu Âu cũng đang ráo riết đưa ra những động thái nhằm ngăn chặn hậu quả tiếp tục lây lan. Italia là nước đã có những bước đi đầu tiên bởi lẽ như miêu tả của Lorenzo Codogno – cựu Giám đốc kho bạc Nhà nước: “Khi nước Anh hắt xì, Italia cảm cúm”. Thủ tướng Italia Matteo Renzi cam kết sẵn sàng đưa ra gói cứu trợ trị giá 40 tỉ EUR (tương đương 44,46 tỷ USD) cho thị trường ngân hàng nước này trong nỗ lực bình ổn tình hình và trấn an người dân [5]. Quyết định này được đưa ra sau cuộc hội đàm vào ngày 28/6 với Chủ tịch hội đồng EU Jean-Claude Juncker, trong đó ông tuyên bố “Hội đồng EU sẽ làm tất cả những gì có thể để tránh đột biến rút tiền gửi xảy ra dưới bất cứ hình thức nào” [4].
Phòng Giám sát – Chi nhánh BHTGVN tại TP.Hà Nội
Nguồn tham khảo
1. https://next.ft.com/content/c1f5c006-388e-11e6-9a05-82a9b15a8ee7#axzz4CF74hz00
2. https://next.ft.com/content/5448716c-3301-11e6-bda0-04585c31b153
3. https://www.theguardian.com/business/2016/may/12/bank-of-england-keeps-interest-rates-on-hold-as-brexit-fears-bite
4. http://www.wsj.com/articles/european-commission-prepared-to-help-avoid-run-on-italian-banks-after-brexit-1467162047
5. http://www.zerohedge.com/news/2016-06-27/first-casualty-brexit-italy-prepares-%E2%82%AC40-billion-bank-bailout
6. http://www.zerohedge.com/news/2016-06-22/uk-regulators-demand-bank-wargames-modelling-capital-controls-bank-runs-20-devaluati
7. http://www.zerohedge.com/news/2016-06-22/meanwhile-london-stunning-scene-emerges
http://www.vox.com/2016/6/24/12024728/brexit-economy-economists-recession