Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giải trình tiếp thu ý kiến của đại biểu cho biết, một số ý kiến đề nghị chỉ áp dụng đối với các khoản nợ xấu phát sinh do nguyên nhân khách quan. Theo quan điểm của Ủy ban thường vụ, nợ xấu cao do bất kỳ nguyên nhân nào đều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và cần sớm xử lý để đưa nợ xấu về mức bình thường theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Để xác định các nguyên nhân xảy ra nợ xấu là do chủ quan hay khách quan cần phải thông qua hoạt động thanh tra, điều tra đối với từng trường hợp cụ thể.
Tại phiên họp, 17 đại biểu có ý kiến, 01 đại biểu tham gia tranh luận, nhìn chung các đại biểu đã tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu sửa đổi dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu, tuy nhiên một số vấn đề vẫn cần được xác định rõ.
Phạm vi nợ xấu áp dụng xử lý theo Nghị quyết
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Nghị quyết đã đưa ra 2 phương án khoanh vùng nợ xấu để áp dụng. Theo đó, phương án 1 nêu: nợ xấu quy định tại nghị quyết này là các khoản nợ quy định tại Phụ lục về xác định nợ xấu của Nghị quyết; trong khi phương án 2 xác định nợ xấu là các khoản nợ quy định tại Phụ lục về xác định nợ xấu của Nghị quyết và có dư nợ tại thời điểm ngày 31/12/2016.
Phát biểu tại hội trường, nhiều đại biểu lên tiếng ủng hộ việc áp dụng Nghị quyết để xử lý các khoản nợ xấu không phân biệt dư nợ có trước hay sau 31/12/2016. Đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) nhấn mạnh, phạm vi nghị quyết nên quy định theo phương án một và cần được hiểu đầy đủ nợ xấu, tức là nợ phân loại trong thời hạn của Nghị quyết mà không phân biệt phát sinh nợ khi nào để tránh cùng nợ xấu trong thời hiệu của nghị quyết nhưng lại xử lý khác nhau, đồng thời tạo điều kiện cho TCTD xử lý tối đa nợ xấu.
Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nêu quan điểm: khoản nợ xấu lớn chưa xử lý được là do tình huống đặc thù, với ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thế giới và khu vực, do các hoạt động kinh tế, tín dụng trong nước còn thiếu lành mạnh và kém hiệu quả, do đó Nghị quyết chỉ là giải pháp đặc thù để xử lý tình huống đặc thù này. Việc không giới hạn phạm vi nợ xấu để xử lý sẽ dẫn tới phạm vi điều chỉnh quá rộng. Đại biểu Trần Văn Minh lo ngại Nghị quyết được ban hành sẽ trở thành “lá bùa chống lưng” cho sai phạm hoặc thiếu trách nhiệm trong quan hệ tín dụng.
Bên cạnh 2 phương án đã được nêu trong dự thảo, đại biểu Trần Sỹ Thanh (Lạng Sơn) đề xuất phương án 3 nhằm giới hạn phạm vi nợ xấu đến 31/12/2017 để xử lý theo Nghị quyết.
Giải trình trước Quốc hội về nội dung này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng phân tích,nợ xấu luôn tiềm ẩn, phát sinh hàng ngày, song hành với hoạt động của hệ thống các TCTD. Trong điều kiện áp dụng đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu thì tính trung bình nợ xấu mới phát sinh hàng năm khoảng từ 1,3 - 1,5% trên tổng dư nợ và cho vay đầu tư đối với nền kinh tế, chủ yếu do các nguyên nhân khách quan và một số nguyên nhân chủ quan. Với mục tiêu tăng trưởng tổng dư nợ cho vay đầu tư đối với nền kinh tế bình quân hàng năm khoảng 16% dự kiến nợ xấu phát sinh thêm trong 5 năm tới 2017 - 2022 khoảng 350 nghìn tỷ đồng. Để duy trì mục tiêu kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 3% tổng nợ xấu cần xử lý trong 6 năm tới là khoảng 640 nghìn tỷ đồng, như vậy bình quân mỗi năm phải xử lý gần 130 nghìn tỷ đồng. Nếu chỉ giới hạn xử lý nợ xấu đã ghi nhận đến 31/12/2016 thì số nợ xấu mới phát sinh trong thời gian nghị quyết có hiệu lực sẽ tiếp tục gặp vướng mắc về cơ chế. Do vậy, người đứng đầu ngành Ngân hàng mong Quốc hội xem xét phương án không khoanh vùng nợ xấu để xử lý theo Nghị quyết.
Đối với lo ngại của một số đại biểu Quốc hội về việc cần xác định rõ khái niệm nợ xấu trong Nghị quyết, ông Lê Minh Hưng khẳng định, Phụ lục của Nghị quyết đã nêu rõ định tính, những khái niệm về định lượng và các quy định về nợ xấu đã được tiếp cận theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Trong quá trình triển khai nếu cần sửa đổi những quy định này Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội để xem xét sửa đổi phụ lục về khái niệm nợ xấu trong phụ lục đi kèm dự thảo nghị quyết.
Kiên quyết không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu
Vấn đề xử lý nợ xấu không bằng nguồn lực công cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Trần Sỹ Thanh (Lạng Sơn), Lê Thị Thủy (Hải Dương) đề nghị làm rõ nội dung "không dùng các khoản chi ngân sách để cơ cấu nợ" trong dự thảo Nghị quyết.
Thống đốc Lê Minh Hưng giải trình, Nghị quyết được xây dựng trên nguyên tắc Chính phủ không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu.Tuy nhiên, trong quá trình xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo của các TCTD cũng liên quan đến việc trích lập dự phòng. Khi yêu cầu TCTD sử dụng thu nhập để trích lập dự phòng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu, nộp thuế doanh nghiệp, cũng như khi ảnh hưởng đến thu nhập của các ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ gián tiếp ảnh hưởng tới cổ tức nộp về ngân sách nhà nước. Thống đốc khẳng định tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để đảm bảo nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước xử lý nợ xấu.
Đảm bảo nguyên tắc xử lý tài sản đảm bảo đúng hiến pháp và pháp luật
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An)đề nghị Nghị quyết quy định chặt chẽ, cụ thể, phù hợp với luật dân sự trong việc thu giữ tài sản đảm bảo có tranh chấp của người đồng sở hữu, người thừa kế, người đang thuê tài sản. Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) lo ngại, nếu hợp đồng vô hiệu thì việc thu giữ tài sản đảm bảo sẽ không đủ căn cứ và không đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan theo quy định của pháp luật.
Thống đốc NHNN khẳng định, dự thảo Nghị quyết đã tiếp thu các ý kiến của Quốc hội, quy định rõ việc thu giữ tài sản đảm bảo không áp dụng trong trường hợp tài sản có tranh chấp hoặc liên quan đến các vụ án hình sự. Đối với các hành vi vi phạm trong quá trình thu giữ tài sản đảm bảo, các quy định hiện hành đã đủ để xử lý.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, việc ban hành Nghị quyết xử lý nợ xấu không sửa đổi các luật khác mà được áp dụng như một văn bản chuyên ngành nhằm khắc phục các bất cập của pháp luật hiện hành về xử lý nợ xấu, không tạo ra bất cứ đặc quyền hay ưu ái nào cho các TCTD. Việc tăng cường quyền của bên cho vay cũng là một trong những khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) thời gian qua.
Quyết liệt xử lý nợ xấu, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng báo cáo trước Quốc hội, sau khi Nghị quyết được ban hành, NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp, đặc biệt là điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng, linh hoạt để ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị điều hành của các TCTD.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành Ngân hàng khẳng định sẽ tăng cường năng lực thanh tra giám sát và đảm bảo triệt để tuân thủ kỷ cương pháp luật trong việc thực hiện hoạt động tín dụng, trong đó có hoạt động cho vay. NHNN sẽ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức triển khai đề án cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Trên cơ sở đề án được phê duyệt, NHNN sẽ chỉ đạo trực tiếp từng TCTD xây dựng phương án cơ cấu lại, trong đó có phê duyệt nội dung và chỉ tiêu về xử lý nợ xấu, kiểm soát nợ xấu cụ thể từng năm để trình NHNN phê duyệt và giám sát.
Thống đốc NHNN cũng nêu rõ, việc xử lý nợ xấu sẽ giúp giảm chi phí tài chính của các TCTD, qua đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay và tăng khả năng tiếp cận vốnngân hàng của doanh nghiệp và của nền kinh tế, cũng như qua đó đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Phát biểu tổng kết phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, nhìn chung, ý kiến các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu. Các đại biểu tham gia nhiều ý kiến vào nội dung của dự thảo và đề nghị Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát thêm các điều, các khoản trong dự thảo nghị quyết cho chặt chẽ và hợp lý.Liên quan đến 2 phương án về phạm vi xử lý nợ xấu còn đang có ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết sẽ gửi phiếu đến các đại biểu để đại biểu quyết định.