EBA cho biết, việc công bố dữ liệu thường niên nhằm nâng cao sự minh bạch và uy tín của tổ chức BHTG đối với công chúng, thị trường, các nhà hoạch định chính sách….
Quỹ BHTG tăng chủ yếu từ nguồn thu phí các tổ chức tham gia BHTG, và các tổ chức BHTG đã tăng phí để đạt tỷ lệ quỹ mục tiêu đề ra là 0,8% tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm. Quỹ BHTG chỉ giảm tại hai nước là Latvia (do chi trả đáng kể cho người gửi tiền vào năm 2019) và Na Uy (do một nửa quỹ BHTG được chuyển sang quỹ xử lý độc lập).
Tăng cường bảo vệ người gửi tiền
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, EU đã tiến hành nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng phản ứng với khủng hoảng của hệ thống tài chính. Các công cụ quản lý khủng hoảng cũng được xây dựng nhằm giúp xử lý các ngân hàng đổ vỡ.
Một khía cạnh quan trọng trong việc xử lý tình trạng khó khăn của ngành tài chính là đảm bảo được quyền lợi cho người gửi tiềnCác quốc gia Châu Âu những năm gần đây đã củng cố hệ thống BHTG và hài hòa trong xu hướng tăng nguồn vốn cho quỹ BHTG. Trên cơ sở mô hình cấp vốn cho quỹ BHTG, các ngân hàng đóng phí hàng năm vào quỹ BHTG nhằm bảo vệ người gửi tiền khi xảy ra đổ vỡ. Đặc biệt,các nước chưa có quỹ BHTG đang chuyển sang mô hình cấp vốn mới này và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tất cả các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác tại Châu Âu được phép nhận tiền gửi phải tham gia BHTG.
Công bố dữ liệu về BHTG
Kể từ năm 2016, EBA đã công bố về quy mô quỹ BHTG của các nước và số lượng tiền gửi được bảo hiểm tại từng nước. Các quốc gia tại Châu Âu được yêu cầu tăng tỷ lệ quỹ BHTG lên mức tương đương 0,8% tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm (và không thấp hơn 0,5% của số dư tiền gửi được bảo hiểm).
Tuy cùng bảo hiểm với hạn mức 100.000 Euro, cơ chế cấp vốn tại các quốc gia thành viên Châu Âu còn nhiều sự khác biệt, cụ thể:
Xuất phát điểm: Một số tổ chức BHTG sử dụng mô hình cấp vốn khác trước khi Chỉ thị BHTG EU ra đời, và đang trong quá trình xây dựng quỹ BHTG đó. Thậm chí có nhiều nước đã tăng quỹ BHTG vượt mức mục tiêu tối thiểu được yêu cầu.
Mức độ sử dụng quỹ BHTG: Các tổ chức BHTG đã sử dụng một phần hoặc toàn bộ quỹ để phục vụ cho việc chi trả. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tăng phí BHTG để đảm bảo tỷ lệ quỹ mục tiêu đã đề ra. Tỷ lệ quỹ mục tiêu thấp vào thời điểm hiện tại không có nghĩa là tổ chức BHTG tụt hậu so với các tổ chức khác trong khu vực về mặt tích lũy nguồn vốn. Trong trường hợp tổ chức BHTG phải sử dụng nhiều hơn nguồn vốn sẵn có thì có thể nhận hỗ trợ tài chính từ các nguồn khác.
Mục tiêu quỹ khác nhau: Đây là chỉ tiêu khác biệt giữa các nước trong khu vực. Trong hầu hết trường hợp, tỷ lệ quỹ là 0,8% số dư tiền gửi được bảo hiểm. Ủy ban Châu Âu cũng yêu cầu tỷ lệ quỹ không được thấp hơn 0,5%.
Các nguồn cấp vốn khác: Ngoài quỹ BHTG đang được tích lũy hiện nay, các quốc gia có thể xây dựng các phương án khác nhằm tăng vốn để phục vụ cho việc chi trả bảo hiểm. Các phương án này bao gồm vay từ ngân sách Nhà nước tạm thời, tăng phí BHTG đột xuất, vay từ các nguồn khác, miễn là tuân theo các quy định của luật pháp.
Phối hợp với khung xử lý ngân hàng
Khung xử lý ngân hàng tại Châu Âu cũng được bổ sung các công cụ quản lý khủng hoảng. Ví dụ như các khoản tiền gửi được bảo hiểm và tổ chức BHTG đã được nâng mức độ ưu tiên trong danh sách các chủ nợ của ngân hàng bị phá sản. Trong trường hợp ngân hàng đổ vỡ, tổ chức BHTG sẽ là một trong những chủ nợ đầu tiên được thanh toán từ tài sản của ngân hàng đổ vỡ, do đó hạn chế tác động của vụ đổ vỡ đó với quỹ BHTG.
Ngoài ra, cơ chế xử lý ngân hàng mới cho phép các cơ quan có thẩm quyền nhiều biện pháp ứng phó với một ngân hàng đổ vỡ. Do đó, nhiều khả năng sẽ không phải sử dụng đến quỹ BHTG để chi trả, hoặc sẽ thu hồi được nhiều hơn từ các vụ đổ vỡ so với trước đây.