Theo quy định của Luật Căn cước công dân (CCCD), có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, công dân Việt Nam đủ 14 tuổi được cấp thẻ CCCD thay cho chứng minh nhân dân (CMND) để bảo đảm tính ổn định các thông tin về nhận dạng của công dân. Việc thay đổi giữa CMND và thẻ CCCD khiến không ít người lo ngại khi thực hiện giao dịch dân sự.
Trước đây, việc thay đổi CMND từ 9 số lên 12 số từng gây không ít phức tạp cho người dân, bởi hầu hết các giao dịch đều lấy thông tin từ CMND 9 số, chẳng hạn như sổ hộ khẩu, sổ đỏ, sổ tiết kiệm ngân hàng… Mặc dù, CMND 12 số vẫn có 9 số được chuyển từ CMND cũ sang, thông tin căn cứ vẫn dễ đối chiếu, nhưng hầu hết ngân hàng khi giao dịch đều yêu cầu khách hàng xin chứng nhận của cơ quan công an.
Chị Hồng Liên (phố Nguyễn An Ninh, Hà Nội) cho biết, chị có sổ tiết kiệm gửi tại ngân hàng theo CMND 9 số; khi chuyển sang loại 12 số chị phải xin chứng nhận của cơ quan công an để đến ngân hàng thay đổi thông tin cá nhân. "Nay lại tiếp tục đổi sang thẻ CCCD không biết sẽ phức tạp thế nào?" - chị Liên băn khoăn.
Cùng quan điểm, ông Quang Huy (Nam Thành Công, Hà Nội) cho biết, ông đứng tên nhiều giấy tờ, trong đó có sổ tiết kiệm đang gửi ngân hàng, với thông tin cá nhân từ CMND, nên thay đổi thẻ CCCD ban đầu sẽ có chút khó dễ. Ông Huy cho rằng, việc có thể song song sử dụng cả CMND và thẻ căn cước sẽ giúp người dân có thời gian sắp xếp, thay đổi những thông tin cần thiết.
Giải đáp băn khoăn của người dân, đại diện nhiều ngân hàng thương mại khẳng định, với những người đang gửi tiết kiệm, việc chuyển đổi CMND sẽ không ảnh hưởng nhiều, vì các ngân hàng đã áp dụng biện pháp nhận dạng bằng vân tay. Còn với người đi vay vốn tại ngân hàng, nếu hợp đồng còn hiệu lực sẽ không phải cập nhật thông tin, bởi giao dịch chủ yếu là người vay vốn thanh toán tiền gốc và lãi cho ngân hàng.
Đối tượng khách hàng là người nhận kiều hối thường sử dụng mã số của công ty kiều hối cấp nên cũng không bị ảnh hưởng bởi CMND mới hay thẻ căn cước. Song, để tạo thuận tiện cho khách hàng, ngân hàng khuyến cáo, khi giao dịch trực tiếp tại quầy gửi - rút tiết kiệm, mở thẻ… nên đem theo CMND cũ đã cắt góc cùng với CMND mới hoặc thẻ CCCD để cập nhật thông tin giao dịch. Những lần tiếp theo, khách hàng chỉ phải mang theo thẻ căn cước hoặc CMND mới. Trường hợp mất CMND cũ, cần xác nhận của cơ quan công an hoặc mang theo loại giấy tờ khác có thể chứng minh việc thay đổi số CMND.
Mặc dù các ngân hàng thương mại đã giải đáp băn khoăn của người dân, nhưng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc đổi CMND từ 9 số sang 12 số đã phát sinh vướng mắc, nay lại đổi từ CMND sang thẻ căn cước sẽ không tránh khỏi phiền phức. Để hạn chế xáo trộn hoạt động của các ngành, trong đó có ngân hàng, NHNN đề xuất cơ quan công an khi đổi thẻ CCCD, nên bấm lỗ hay cắt góc CMND cũ và cho người dân giữ lại, để người dân làm cơ sở xác thực mỗi khi có giao dịch với ngân hàng.
Chứng minh nhân dân vẫn có hiệu lực pháp lý
(HNM) - Trước những băn khoăn của người dân về giá trị của CCCD trong các giao dịch dân sự, Bộ Công an cho biết, về cơ bản, CCCD là tên gọi mới của CMND, là bước phát triển theo hướng hiện đại (số hóa) của CMND, dần thay thế CMND.
Việc cấp CCCD gắn với việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (là tập hợp các thông tin gốc, cơ bản về công dân, từ đó phát triển thẻ công dân điện tử). Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân; để tra cứu thông tin về công dân khi giải quyết thủ tục hành chính, thay thế cho việc xuất trình hoặc nộp bản sao các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, như: Sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, thẻ bảo hiểm y tế, mã số thuế cá nhân…
Để bảo đảm giá trị sử dụng của những CMND được cấp trước ngày luật này có hiệu lực, tránh gây xáo trộn cho công dân trong giao dịch, đi lại, luật quy định: Đối với CMND đã được cấp trước ngày Luật CCCD có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Cơ quan quản lý CCCD (cơ quan Công an) có trách nhiệm xác nhận về CMND được cấp trước ngày luật này có hiệu lực khi có yêu cầu đối với trường hợp công dân được cấp CMND từ trước.
Công dân nào đã có CMND 12 số khi chuyển sang thẻ CCCD sẽ được giữ nguyên số cũ. CMND loại 9 số (đã dừng cấp từ 21-4-2014) tiếp tục có hiệu lực cho đến khi hết hạn, phải cấp đổi thành CCCD với 12 số. Khi đó, thông tin về công dân đã được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia và các giao dịch có thể được xác định nhân thân thông qua hệ thống này, không căn cứ vào số CMND cũ.
Tư Đô
|