Nhà xuất khẩu vay vốn lãi suất 3%
Thực ra lãi suất trong một số khoản vay ưu tiên cho phát triển sản xuất kinh doanh hiện nay đã rơi xuống mức 7%/năm đối với cho vay ngắn hạn bằng VND. Trong khi đó, một chuyên gia NH ở TP.HCM vừa cho rằng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay vay vốn ngoại tệ lãi suất 3%/năm, sau đó bán ngay ngoại tệ cho NH lấy VND (hoán đổi) thu gom nguyên liệu làm hàng xuất khẩu. Đặc biệt gần như không có rủi ro về tỷ giá do NHNN đang điều hành tỷ giá trung tâm hướng về xuất khẩu. Những nhà xuất khẩu được vay vốn ngoại tệ sau đó bán lại ngoại tệ để nhận giải ngân VND này trên thị trường gọi là “doanh nghiệp cốm” của NH.
Quyết định cho vay ngoại tệ trở lại của NHNN bắt đầu có hiệu lực từ tháng 6/2016 sau khi Chính phủ mới có một loạt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Các công ty chế biến xuất khẩu nông, thủy sản có điều kiện cạnh tranh giảm giá thành hàng hóa so với các mặt hàng cùng loại với các nhà xuất khẩu trên thị trường quốc tế.
Sự hỗ trợ về chi phí lãi suất cho vay của hệ thống NH trước mắt sẽ kéo dài hết năm 2016. Tuy nhiên, thực tế vay vốn bằng tiền đồng trong 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên hiện nay được các NH thực hiện lãi suất 7%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, lãi suất chính là giá của NH nên trên thực tế các NH sẽ tính toán trên từng khoản vay về mức độ rủi ro cũng như hiệu quả phương án sản xuất kinh doanh để đưa ra lãi suất phù hợp với thỏa thuận giữa hai bên đi vay và cho vay.
“NH cũng không thể đơn phương áp đặt một mức lãi suất cho vay mà khách hàng của mình không thể làm ăn được. Bởi các doanh nghiệp có phương án tốt hiện nay các NH cũng săn đón rất nhiều, nên mỗi NH cũng phải tự điều chỉnh lãi suất giảm tốt nhất để cạnh tranh thu hút khách hàng” – ông Tùng nói thêm.
Lãi suất khó tăng trong ngắn hạn
Khi trả lời phỏng vấn Thời báo NH, nhiều lãnh đạo NHTM cho rằng trong ngắn hạn lãi suất cho vay sẽ ổn định, nhất là những tháng cuối năm 2016 lãi suất sẽ không tăng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Trong một diễn biến mới nhất, NHNN tuần trước đã có Công văn số 6271/NHNN-TTGSNH về việc chấn chỉnh các NHTM thực hiện đúng các quy định về lãi suất huy động.
Công văn có nhắc nhở các TCTD không vượt trần lãi suất huy động, không lách trần quy định huy động vốn làm đẩy chi phí vốn lên cao. Trường hợp phát hiện những đơn vị nào vi phạm các quy định về lãi suất huy động, NHNN sẽ xử lý nghiêm giám đốc chi nhánh và người đứng đầu TCTD. Đây có thể coi là một tín hiệu phát đi rất rõ nét của nhà điều hành trong việc quyết tâm ổn định lãi suất những tháng cuối năm 2016.
Có thể nói điều ấn tượng nhất trong 8 tháng qua là nhà điều hành đã giữ vững ổn định lãi suất, trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng tăng lên. Đặc biệt là lãi suất huy động của các NHTM vẫn nhấp nhổm tăng suốt từ đầu năm đến nay do chi phí bù đắp số nợ xấu. Không thể phủ nhận những khó khăn của các NHTM trong việc huy động vốn trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng trở lại, trong khi số nợ xấu chưa thể giải tỏa triệt để sẽ vẫn cần một chi phí vốn khá lớn để bù đắp.
Theo con số của VAMC tính đến nay, nơi này mới chỉ bán được khoảng 34.000 tỷ đồng tương đương với 15% nợ xấu đã mua của các TCTD. Như vậy phần còn lại kia vẫn đang chờ xử lý và trái phiếu VAMC trên nguyên lý thì NHTM nào cầm vẫn phải trích đủ mỗi năm 20% trên số nợ đã chuyển vào VAMC. Đây là chi phí vốn của các NHTM phải trả và phải tích cực huy động vốn trên thị trường để bù đắp cho những thiếu hụt đó với chi phí và điều kiện thấp nhất.
Bên cạnh đó, định hướng dài hạn lãi suất có cơ sở giảm tiếp khi dự thảo đề án tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ giai đoạn 2016-2020 đặt ra vấn đề lãi suất cho vay doanh nghiệp sẽ từng bước kéo về mức 5% vào năm 2020. Bản đề án này cũng neo kỳ vọng lạm phát ở mức 5%, củng cố dự trữ ngoại hối lên khoảng 5 tháng nhập khẩu (hiện tại quanh mức 10 tuần nhập khẩu).