Vừa qua, tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam và tại Lễ khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành 1 gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng bằng nguồn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, NHNN rà soát, xây dựng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp làm căn cứ áp dụng các chính sách, cơ chế ưu đãi, khuyến khích.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), để triển khai được chương trình tín dụng này, cần phải có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về đối tượng được hưởng chính sách, phạm vi của chương trình, tiêu chí xác định chương trình dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, tiêu chí xây dựng nông nghiệp sạch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ làm căn cứ để các ngân hàng triển khai cho vay. Ngày 15/2/2017, NHNN đã có văn bản số 846/NHNN-TD đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nội dung này.
Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm khi các ngân hàng cho vay công nghệ cao trong nông nghiệp, NHNN cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp hoàn thiện các văn bản hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp phục vụ sản xuất công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới,...thì doanh nghiệp mới làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm làm thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng. Đây là chương trình tín dụng khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, không có bất kỳ sự hỗ trợ nào của Ngân sách Nhà nước, nguồn vốn cho vay là nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại, việc cho vay phải đúng nguyên tắc, tuân thủ các quy định của Luật Các TCTD, quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng. Do vậy, các khách hàng có phương án, dự án nông nghiệp công nghệ cao được các NHTM thẩm định hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng sẽ được tiếp cận chương trình này.
Trước khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các TCTD cũng đang triển khai cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở vận dụng Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng ủng hộ chủ trương của Chính phủ, sẵn sàng dành đủ nguồn vốn cho vay các dự án công nghệ cao trong nông nghiệp với lãi suất ưu đãi ở mức phù hợp của từng ngân hàng. Cụ thể, NHNN khuyến khích các NHTM tham gia cho vay và sẽ thực hiện các biện pháp hỗ trợ NHTM thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ như: giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hỗ trợ nguồn vốn đối với các ngân hàng có dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn lớn, chính sách xử lý rủi ro phát sinh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo quyết định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn của NHNN tại Thông tư 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 02/2017, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh: Gói 100.000 tỷ đồng này không phải là gói tái cấp từ vốn Ngân sách nhà nước mà là NHNN phải chủ trì, chủ động giao nhiệm vụ cho các ngân hàng thương mại dành một gói tín dụng với lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5-1,5% để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bộ trưởng cũng thông tin thêm, với chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng, vốn, đầu tư tín dụng, tới đây sẽ sửa một số nghị định liên quan tới vấn đềtích tụ ruộng đất. Thay vì sản xuất manh mún sẽ dồn điền đổi thửa sử dụng ruộng đất hiệu quả nhất, đồng thời tái cơ cấu lao động khu vực nông thôn. “Nói cách khác, doanh nghiệp chỉ làm lõi, làm nòng cốt. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu triển khai các hợp tác xã, các mô hình tổ hợp thực hiện các vệ tinh. Doanh nghiệp cung cấp giống, cung cấp kỹ thuật, cung cấp công nghệ và hướng dẫn quy trình để tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm có giá trị, từ đó có thể thu mua sản phẩm của HTX, người dân. Như thế sẽ tạo vùng sản xuất với sản lượng, chất lượng cung cấp cho thị trường như mong đợi của người dân, của thị trường. Cách hiểu là như vậy chứ không phải chúng ta hiểu 100.000 tỷ như tái cấp vốn tín dụng như gói 30.000 tỷ để đầu tư nhà ở” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Hưởng ứng chương trình này, Vietcombank mới đây cũng tài trợ vốn xây dựng nhà máy sản xuất trứng gà sạch công nghệ cao đầu tiên tại Việt Nam.