Đây là lời khuyên của các chuyên gia để đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi tại các tổ chức tín dụng.
Cần thực hiện đúng quy trình khi gửi tiết kiệm
Khi đến giao dịch gửi tiết kiệm tại ngân hàng, người gửi tiền bao giờ cũng được ngân hàng yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực. Sau đó, khách hàng sẽ điền thêm một số thông tin cá nhân cùng với việc đăng ký hai mẫu chữ ký bắt buộc trên phiếu yêu cầu gửi sổ tiết kiệm để làm cơ sở xác nhận chữ ký bảo mật trên hệ thống ngân hàng. Những quy định này của ngân hàng thực chất là để lưu trữ thông tin cá nhân và các số liệu trên hệ thống kế toán nhằm bảo đảm an toàn tiền gửi cho khách hàng.
Ở các ngân hàng hiện nay, mỗi sổ tiết kiệm chỉ có một phôi với số xê-ri duy nhất nên kẻ gian rất khó làm giả sổ. Khi hội sở phát hành một số lượng phôi sổ nhất định cho các chi nhánh, quá trình này bao giờ cũng được kiểm soát rất chặt chẽ. Nếu trong khi vận chuyển bị thất lạc phôi sổ tiết kiệm, ngân hàng sẽ nhanh chóng thông báo trên toàn hệ thống số xê-ri của những phôi sổ đã bị mất để tránh trường hợp làm giả sổ tiết kiệm trên các phôi đó. Còn với những trường hợp người gửi tiền bị mất sổ tiết kiệm do ngân hàng cấp, khi nhận được thông báo từ phía khách hàng, ngân hàng sẽ ngay lập tức thông báo phong tỏa sổ tiết kiệm đó trên toàn hệ thống để bảo đảm an toàn tiền gửi.
Khi gửi tiết kiệm tại quầy, khách hàng cần lưu ý quy trình sau:
Bước 1: Khách hàng đưa ra yêu cầu về số tiền, kỳ hạn gửi
Bước 2: Điền thông tin (với khách hàng mới) hoặc đưa CMND với khách hàng cũ để nhân viên ngân hàng tra thông tin hệ thống
Bước 3: In thông tin
Bước 4: Thu tiền
Bước 5: Khách hàng ký tên trên giấy gửi tiền và bảng kê
Bước 6: Kiểm soát ký đã thu tiền trên bảng kê, duyệt trên hệ thống
Bước 7: Người có thẩm quyền ký, đóng dấu
Bước 8: Phát hành sổ có chữ ký và con dấu.
Trường hợp thu tiền tại nhà phải có ít nhất 3 người của ngân hàng, gồm: bảo vệ, tài xế, giao dịch viên và phải đi xe chuyên dùng. Sau khi giao dịch viên thu tiền xong sẽ đưa khách hàng ký bảng kê đã nộp cho ngân hàng. Sau đó, thủ quỹ đại diện ký, đưa chứng từ và tiền về nộp vào ngân hàng. Tiếp theo, ngân hàng phát hành sổ, rồi nhân viên ngân hàng cầm đến giao cho khách hàng.
Nếu khách hàng yêu cầu phát hành sổ trước và giao ngay khi giao tiền, ngân hàng sẽ gọi điện thoại trao đổi trước với khách hàng để đảm bảo đủ tiền. Khi đi giao sổ, ngoài giao dịch viên sẽ có thêm kiểm soát viên. Thậm chí có ngân hàng còn quy định quản thủ con dấu. Tức khi giao dịch hoàn tất và người có thẩm quyền đã ký trên sổ thì sẽ có người đóng con dấu cuối cùng, bởi người có thẩm quyền cũng không được phép giữ con dấu để vừa ký vừa đóng dấu lên sổ tiết kiệm.
Một số sai lầm khi gửi tiền
Mặc dù quy trình quản lý tiền gửi tiết kiệm được kiểm soát kỹ lưỡng như vậy, nhưng trên thực tế vẫn có những “kẽ hở” mà khách hàng nếu chủ quan sẽ phải gánh chịu rủi ro. Một trong những sai lầm mà người gửi tiền hay mắc phải là không trực tiếp mở sổ tiết kiệm tại quầy giao dịch của ngân hàng.
Trên thị trường, để tạo thuận lợi tối đa cho người gửi tiền, một số ngân hàng hỗ trợ làm sổ tiết kiệm tận nơi cho khách hàng. Nhiều người cảm thấy thích thú vì được phục vụ tại chỗ, nhưng điều này tiềm ẩn rủi ro vì nhân viên có thể giao sổ tiết kiệm giả hoặc không chuyển tiền về ngân hàng.
Lại có những trường hợp, khách hàng đã quen gửi tiền ở một ngân hàng nào đó, đến thời điểm gần đáo hạn, do phải đi công tác xa nên gửi sổ tiết kiệm cho nhân viên ngân hàng giữ để sau đó làm sổ mới cho đúng kỳ hạn. Đây là việc làm nguy hiểm, vì nhân viên đó rất có thể sẽ chiếm đoạt số tiền trên sổ của khách hàng và bỏ trốn. Không ít khách vì có quá trình giao dịch lâu với ngân hàng và quá tin tưởng nhân viên giao dịch nên không đăng ký dịch vụ thông báo số dư, hoặc ký sẵn trước giấy tờ giao dịch và phó mặc cho nhân viên ngân hàng để khỏi mất công đi lại dẫn dẫn đến rủi ro.
Những kẻ gian thường đánh vào tâm lý người gửi tiền thích ngân hàng “đi đêm” để có thêm lãi suất chi ngoài cao hơn so với con số thực tế ghi trên sổ tiết kiệm, nên đã đưa ra những lời chào mời rằng mình có quan hệ với ngân hàng để làm được điều đó. Nhiều người vì nhẹ dạ cả tin đã đưa tiền cho kẻ gian làm thủ tục “gửi sổ tiết kiệm hộ”, để rồi sau đó “tiền mất tật mang”.
Còn nhiều sai lầm nữa của khách hàng như: Không kiểm tra lại thông tin trên sổ tiết kiệm sau khi ngân hàng cấp, đặc biệt bỏ sót phần chữ ký thẩm quyền và con dấu của ngân hàng xác nhận trên sổ; không dùng thống nhất một mẫu chữ ký mà thay đổi liên tục; bảo quản sổ tiết kiệm không cẩn thận khiến kẻ gian lấy trộm nhưng không phát hiện kịp thời để thông báo cho ngân hàng…
Nên làm gì để tránh rủi ro?
Theo các chuyên gia, để giảm rủi ro trong việc gửi tiết kiệm tại ngân hàng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của cả hai bên khi tham gia quá trình giao dịch. Dưới góc độ ngân hàng, cần siết chặt quy trình gửi tiền, đề cao trình độ nghiệp vụ cũng như đạo đức của nhân viên giao dịch. Đối với khách hàng, tốt nhất nên trực tiếp đến quầy giao dịch của ngân hàng để làm các thủ tục gửi, rút tiền nhằm bảo đảm an toàn cho tài sản của mình. Hầu hết các ngân hàng đều có trang bị hệ thống camera giám sát tại quầy giao dịch, việc khách hàng trực tiếp giao dịch tại quầy sẽ được camera ghi nhận và có thể dùng làm bằng chứng trong trường hợp sai phạm xảy ra.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khách VIP thường nhận được lời mời mở sổ tại nhà hay đến tận nơi đang làm việc. Nhưng trường hợp này rất dễ phát sinh rui ro nếu gặp phải nhân viên không trung thực, giao sổ tiết kiệm giả mạo hoặc sau đó không đưa tiền về kho quỹ, không nhập lên hệ thống, trong khi người gửi tiền lại không thực hiện các biện pháp kiểm tra chéo.
Thực tế có nhiều cách kiểm tra chéo. Theo đó, sau khi tiền được đưa về ngân hàng và nhập quỹ, sẽ có tin nhắn "báo có" từ hệ thống hoặc giao dịch viên gọi điện thông báo lại cho người gửi. Nếu có đăng ký dịch vụ thông báo số dư qua điện thoại, mọi biến động trong tài khoản đều có tin nhắn thông báo.
Nếu khách hàng nắm quy trình hoặc có đăng ký các dịch vụ này để kiểm tra chéo và thường xuyên giám sát tài khoản của mình thì khó xảy ra tình trạng tài khoản “bốc hơi”.
Vì vậy, người gửi tiền nên thận trọng kiểm tra nhiều chiều để đảm bảo tiền đã vào ngân hàng. Khi gửi tiền tại quầy, người gửi nên thực hiện nghiệp vụ gửi tiền đúng quy định của pháp luật. Người gửi nên đến trực tiếp ngân hàng nộp tiền, ký các giấy nộp tiền, thực hiện đủ các bước như giao dịch viên đưa sổ cho phụ trách ký, đóng dấu, giao sổ tiết kiệm cho người gửi.
Về phía ngân hàng, ngày 23/02/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 1126/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) yêu cầu nghiêm túc triển khai, thực hiện việc đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm tại các TCTD. Trong đó, NHNN yêu cầu các TCTD: rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ đảm bảo ban hành đầy đủ các quy định nội bộ theo đúng quy định của pháp luật về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm; bên cạnh đó cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ để tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; xem xét áp dụng biện pháp xác thực các giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm... Đồng thời, các TCTD cần tăng cường công tác tự kiểm tra (nhất là kiểm tra chéo), kiểm soát, luân chuyển cán bộ làm công tác giao dịch về tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, quy trình, quy định nội bộ của TCTD.