Đây là lần thứ 6 KDIC tổ chức đào tạo trên nền tảng trực tuyến , với đối tượng tham gia là lãnh đạo và cán bộ đến từ hơn 22 tổ chức BHTG tại 4 châu lục: Châu Âu, Châu Phi, Châu Á (trong đó có Việt Nam) và Nam Mỹ. Tính từ năm 2017 đến 2019, đã có hơn 90 học viên tham dự khóa đào tạo này.
Khóa đào tạo năm nay được tổ chức với chủ đề “Quản lý khủng hoảng và xử lý đổ vỡ”, trình bày kinh nghiệm của KDIC trong việc ứng phó với dịch Covid-19 và những bài học về phương pháp xử lý ngân hàng đổ vỡ.
Học viên đã có cơ hội tiếp cận với phương pháp xử lý dựa trên các tình huống mất khả năng chi trả thực tế tại Hàn Quốc và thực hành tính toán số tiền chi trả thông qua các bài tập trực tuyến.
Chủ tịch KDIC, ông Wi Seongbak cho biết: Mặc dù đại dịch Covid-19 đã gây khó khăn cho khách nước ngoài đến Hàn Quốc, nhu cầu chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về BHTG vẫn rất cao và hi vọng, chương trình đào tạo toàn cầu sẽ phần nào hỗ trợ các tổ chức BHTG trong việc triển khai nghiệp vụ và chính sách BHTG.
Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Phó trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp và Hợp tác quốc tế, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam – học viên khóa học năm thứ 2 liên tiếp,đánh giá cao những bài giảng và các trường hợp nghiên cứu cụ thể mà khóa học đặt ra, là những bài học kinh nghiệm bổ ích và phục vụ cho công việc hiện tại.
Đặc biệt, khóa học năm nay được tổ chức qua nền tảng Remote Seminar do Công ty nội địa Hàn Quốc RSUPPORT sản xuất. Vì vậy, đây cũng là cơ hội để phổ biến về công nghệ số của Hàn Quốc đến các quốc gia khác trên toàn thế giới.
Bằng cách sử dụng nền tảng công nghệ nội địa, KDIC mong muốn hỗ trợ các công ty công nghệ Hàn Quốc tiến ra các thị trường trên toàn cầu, đây cũng là một chính sách về công nghệ trong thời đại mới mà Chính phủ Hàn Quốc đã đặt ra.
KDIC cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm về khủng hoảng tài chính và quản trị tổ chức BHTG đến các tổ chức BHTG trên toàn thế giới.