Ví dụ: hệ số beta của một cổ phiếu là 1.2, nếu chỉ số của thị trường (ví dụ: VN Index) tăng hoặc giảm 10%, thì giá của cổ phiếu có thể được mong đợi tăng hoặc giảm tương ứng 12%. Với hệ số beta của một cổ phiếu là 0.8, nếu chỉ số thị trường tăng hoặc giảm 10%, thì giá của cổ phiếu đó được mong đợi tăng hoặc giảm tương ứng 8%.
Hệ số beta ngành có thể so sánh mức độ rủi ro của các công ty trong ngành công nghiệp đó với thị trường. Hệ số beta ngành có thể được dùng thay thế cho hệ số beta của từng công ty. Hệ số beta ngành trong một số trường hợp phản ánh chính xác sự biến động của cổ phiếu hơn là hệ số beta của từng công ty. Hệ số beta ngành còn có ích khi áp dụng cho những công ty vừa mới niêm yết chưa có số liệu lịch sử. Hệ số beta ngành còn được dùng để dự báo mức độ rủi ro cho các công ty trong tương lai. Số lượng và tỷ trọng doanh thu của công ty hoạt động trong một ngành càng lớn thì mức độ tin tưởng của hệ số beta của ngành công nghiệp đó càng cao.
Điều kiện tính hệ số beta của Việt Nam còn một số hạn chế như: số lượng công ty tham gia vào thị trường chứng khoán nhỏ, nhiều ngành có số lượng công ty đại diện rất ít, dữ liệu lịch sử về giá ngắn, thông tin về của các công ty hoạt động trong từng ngành không được cập nhật thường xuyên và đầy đủ. Do các đặc điểm trên, hệ số beta ngành của Việt Nam có thể chưa phản ánh được đúng mức độ rủi ro của các công ty trong ngành. Điều này sẽ được cải thiện khi TTCK phát triển hơn.
Tính đến ngày 31/12/2011, thị trường chứng khoán Việt Nam có 699 công ty niêm yết, trong đó chỉ có 435 mã chứng khoán có đủ 2 năm dữ liệu giá và có đầy đủ thông tin về ngành đăng tải trong bảng cáo bạch. Sau khi tổng hợp và xử lý dữ liệu đưa đến kết quả như trên, chúng tôi xin đưa ra một số nhận xét như sau:
Nhìn chung, hệ số beta ngành trong quý 4/2011 có xu hướng giảm nhiều so với quý trước ở hầu hết tất cả các ngành (trong đó có 27 ngành có hệ số beta giảm và 11 ngành có hệ số beta tăng). Những ngành có hệ số beta giảm đáng kể: Khai thác quặng kim loại (0.85) (giảm 45.84% so với quý trước và giảm 19.92% so với cùng kỳ năm trước); ngành Xây dựng công trình kỹ thuận dân dụng (1.2) (giảm 22.28% so với quý trước và giảm 26.78% so với cùng kỳ năm trước)…Những ngành có hệ số beta tăng đáng kể: Môi giới hợp đồng hàng hóa và chứng khoán (1.80) (tăng 31.04% so với quý trước); Hoạt động giáo dục và đào tạo (2.01) (tăng 24.33% so với quý trước).
Có 21/43 ngành có hệ số beta lớn dao động từ 1.00 - 2.00, trong đó có một số ngành có số lượng lớn công ty đại diện như: ngành Bán buôn chuyên doanh khác với 68 công ty; ngành Vận tải đường thủy với 20 công ty; ngành Hoạt động kinh doanh bất động sản với 39 công ty. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những ngành có hệ số beta lớn nhưng có số công ty đại diện trong ngành nhỏ như: Hoạt động giáo dục và đào tạo (2.01) với 4 công ty đại diện cho ngành, ngành Sản xuất các phương tiện vận tải khác (1.96) với 2 công ty đại diện…
Đối với các ngành hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán tại thời điểm quý 4/2011 có khoảng hơn 40 công ty đại diện, trong đó ngành Hoạt động trung gian tiền tệ khác chỉ có 6 công ty có đủ điều kiện và ngành Hoạt động môi giới hợp đồng hàng hóa và chứng khoán có 10 công ty đủ điều kiện đưa vào tính toán. So với quý 3/2011, hệ số ngành Hoạt động trung gian tiền tệ quý này tăng 7.5% và beta ngành là 0.85. Riêng ngành Hoạt động môi giới hợp đồng hàng hóa và chứng khoán có hệ số beta khá cao (1.80) với hệ số beta của một số công ty hoạt động trong ngành cũng tương đối lớn như: BVS (1.89); HPC (1.89); KLS (1.53); WSS (1.84). Song, do số lượng công ty đại diện cho 2 ngành trên khá nhỏ nên chưa thể nói hệ số beta ngành của 2 ngành này đã phản ánh đúng mức độ rủi ro của các công ty trong ngành.
Ghi chú:
1) Hệ số beta ngành được tính theo phương pháp Full Information Beta
2) Dữ liệu tính beta được thu thập từ Reuter và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
3) Hệ thống ngành được phân loại theo hướng dẫn tại quyết định 337/QĐ-BKH
Hệ số beta ngành trong báo cáo này chỉ có tính chất tham khảo.