Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) khu vực Đông Bắc bộ có trụ sở đặt tại thành phố Hải Phòng - trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ lớn, trọng điểm kinh tế biển của miền Bắc và cả nước. Trong 15 năm thành lập và hoạt động, Chi nhánh đã có những đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an toàn hoạt động cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hải Phòng.
Đảm bảo an toàn cho hoạt động của của tổ chức tín dụng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp khơi thông nguồn vốn góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững kinh tế xã hội của thành phố là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Hải Phòng tập trung các nguồn lực và giải pháp để thực hiện. Năm 2015, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 58 chi nhánh ngân hàng cấp 1 và 26 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) với tổng nguồn vốn huy động đạt 116.687 tỷ đồng, tăng 18,16% so với năm 2014; tổng dư nợ cho vay đạt 68.785 tỷ đồng, tăng 14,10% so với cuối năm 2014. Ngoài các hoạt động ngân hàng truyền thống, các dịch vụ tiện ích của ngân hàng đều tăng trưởng trên 15% và đặc biệt vấn đề nợ xấu xử lý được trên 5.000 tỷ đồng, giảm 32% so với năm trước. Năm 2015 được đánh giá là năm khởi sắc và đạt kết quả tốt nhất trong giai đoạn 2011-2015 của ngành Ngân hàng thành phố. Hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định, không có trường hợp mất khả năng thanh khoản hay trì hoãn chi trả. Riêng hệ thống QTDND dù quy mô không lớn nhưng hoạt động an toàn, hàng năm tăng trưởng đều. Để đạt được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân các TCTD, sự điều hành, theo dõi sát sao của NHNN thì có sự đóng góp không nhỏ của chính sách BHTG và hoạt động của Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc bộ.
Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2001, là thời gian ngành Ngân hàng thành phố gặp phải rất nhiều khó khăn khi một loạt các tổ chức tín dụng có nguy cơ đổ vỡ (năm 2000, toàn thành phố có 35 QTDND chỉ có 19 QTDND hoạt động bình thường, 16/35 đơn vị hoạt động yếu kém có nguy cơ mất khả năng chi trả), hoạt động của Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc bộ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc củng cố, chấn chỉnh hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các QTDND. Trong lúc người gửi tiền đang hoang mang quyền lợi của mình có được đảm bảo hay không khi các TCTD đổ vỡ thì việc chi trả kịp thời tiền gửi cho người dân đã góp phần củng cố lòng tin của người gửi tiền và trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả đảm bảo an toàn hoạt động cho các tổ chức tín dụng.
Tại Hải Phòng, Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc bộ đã chi trả tiền gửi cho 387 người gửi tiền tại 07 QTDND cơ sở bị giải thể bắt buộc với tổng số tiền 4.372 triệu đồng. Đặc biệt, việc đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền tại QTDND Thành Tô, một QTDND đô thị, nằm giữa trung tâm thành phố Hải Phòng, người gửi tiền chủ yếu là cán bộ hưu trí, lão thành cách mạng đã được BHTGVN kết hợp với chính quyền địa phương và NHNN Chi nhánh thành phố Hải Phòng giải quyết rất nhanh chóng, an toàn. Qua đó đã tạo được lòng tin trong nhân dân, tránh được tâm lý bất ổn, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị trên địa bàn, từng bước lấy lại uy tín, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng cải thiện khả năng huy động vốn, khơi nguồn tín dụng, phục vụ phát triển kinh tế của thành phố.
Dưới góc độ quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng và ngân hàng trên địa bàn thành phố Hải Phòng, NHNN chi nhánh Hải Phòng luôn đánh giá cao tính chủ động của Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc bộ trong phối hợp với NHNN triển khai các mặt hoạt động như kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, thông tin báo cáo…, qua đó phản hồi những tồn tại của các tổ chức tham gia BHTG, kiến nghị NHNN chấn chỉnh và xử lý kịp thời.
Kết quả giám sát của Chi nhánh là nguồn thông tin tham khảo quan trọng giúp NHNN quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động của các TCTD trên địa bàn. Đối với công tác kiểm tra của BHTG, để tránh chồng chéo, gây phiền hà cho đơn vị, Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc bộ đã luôn chủ động phối hợp, tham khảo thông tin về kế hoạch thanh tra của Thanh tra NHNN Hải Phòng để xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra hàng năm cho phù hợp. Trong 15 năm hoạt động trên địa bàn thành phố, Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc bộ đã tiến hành 96 cuộc kiểm tra tại các QTDND và 11 cuộc kiểm tra tại NHTM. Sau từng đợt kiểm tra, NHNN thành phố Hải Phòng luôn nhận được báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra các đơn vị trên địa bàn của Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc bộ với những đánh giá cụ thể mặt được, mặt còn tồn tại của từng đơn vị, kiến nghị Chi nhánh NHNN thành phố chỉ đạo chỉnh sửa kịp thời các sai phạm phát hiện trong kiểm tra, giúp các tổ chức tham gia BHTG hoạt động an toàn, hiệu quả.
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền như: xây dựng phóng sự, viết tin bài , tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm về chính sách BHTG, tham gia hội chợ…, Chi nhánh đã tuyên truyền chính sách BHTG tới đông đảo cộng đồng dân cư, qua đó góp phần tạo sự chuyển biến nhận thức của người dân và các tổ chức về hoạt động ngân hàng, BHTG.
Có thể nói, những nỗ lực trong hoạt động của Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc Bộ trong 15 năm qua đối với hoạt động ngân hàng tại Hải Phòng cũng như khu vực rất đáng ghi nhận, là hậu thuẫn quan trọng để NHNN chi nhánh Hải Phòng thực hiện tốt hơn vai trò quản lý nhà nước về họat động tiền tệ - tín dụng trên địa bàn. Trong thời gian tới, nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của BHTGVN nói chung và của Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc bộ nói riêng, trong khuôn khổ bài viết, xin đề xuất một vài ý kiến tham gia góp ý về cớ chế, chính sách BHTG, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần tăng cường và mở rộng hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về chính sách BHTG cũng như hoạt động ngân hàng tới rộng rãi người dân với hình thức phong phú, đa dạng hơn, góp phần từng bước đưa chính sách BHTG đi vào cuộc sống.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa NHNN và Chi nhánh BHTGVN Đông Bắc bộ, đặc biệt là vai trò cảnh báo rủi ro trong hoạt động đối với hệ thống QTDND.
Thứ ba, Chi nhánh cần đề xuất với BHTGN tham mưu với các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động BHTG như: i) sớm ban hành các quy định về chế độ chia sẻ thông tin giữa BHTGVN và NHNN; ii) nâng hạn mức BHTG hiện nay phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế và sự gia tăng thu nhập của người dân.