Luật BHTG (Luật số 06/2012/QH13) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Đây là văn bản pháp lý cao nhất, toàn diện nhất về BHTG, trong đó quy định đầy đủ các nội dung về hoạt động BHTG ở Việt Nam, xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG, cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của tổ chức tham gia BHTG, người được BHTG, quy định cụ thể về tiền gửi được bảo hiểm, thời điểm chi trả bảo hiểm…, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả BHTG, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền. Ngay sau khi Luật được ban hành, các cơ quan chức năng cũng đã ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn nhằm triển khai Luật này một cách nhanh chóng, hiệu quả. Thời điểm đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã nhanh chóng tái cấu trúc các mặt hoạt động của mình, đặc biệt là các nghiệp vụ BHTG đúng theo quy định của Luật BHTG.
Tuân thủ nghiêm các quy định của Luật BHTG cũng như các văn bản dưới Luật, BHTGVN đã triển khai bài bản, khoa học các mảng nghiệp vụ. Từ số vốn ban đầu được cấp chỉ là 1.000 tỷ đồng, tới nay, tổng tài sản của BHTGVN đã đạt gần 96 nghìn tỷ đồng, trong đó quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt gần 90 nghìn tỷ đồng. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, BHTGVN đã kịp thời phát hiện các biểu hiện vi phạm các quy định về bảo hiểm tiền gửi cũng như quy định về hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng, qua đó báo cáo, kiến nghị NHNN xử lý các trường hợp nói trên. Bên cạnh đó, BHTGVN cũng đã tham gia tích cực vào quá trình kiểm soát đặc biệt các TCTD theo phân công của NHNN và Ban kiểm soát đặc biệt, tham gia quản lý, thanh lý tài sản đảm bảo của tổ chức tham gia BHTG theo quy định.
Đặc biệt, ngay từ quá trình xây dựng, soạn thảo Luật BHTG, BHTGVN đã tổ chức truyền thông mạnh mẽ về các nội dung dự thảo, tích cực tiếp thu các ý kiến góp ý để tổng hợp, hoàn thiện. Sau khi Luật BHTG được Quốc hội thông qua, BHTGVN đã thực hiện nhiệm vụ “tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi” với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tiếp cận trực tiếp và gián tiếp tới người gửi tiền nói riêng và các nhóm công chúng nói chung. Nhờ đó, Luật BHTG đã thực sự lan tỏa rộng rãi và đi vào đời sống.
Như vậy, trên cơ sở Luật BHTG, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng của một tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện các chính sách bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Hiện cơ quan này đang bảo vệ cho tiền gửi tại 1283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.
Tuy nhiên, sau 10 năm qua, bối cảnh ngành Ngân hàng đã phát triển ngày càng lớn mạnh. Đi kèm với quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, các cơ chế, chính sách đã nhiều lần được sửa đổi. Tiêu biểu là Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD đã trao thêm chức năng, nhiệm vụ mới cho BHTGVN nhằm tham gia tích cực vào quá trình này. Các chức năng, nhiệm vụ được đề cập tới trong Luật Các TCTD song chưa được quy định trong Luật BHTG đã tạo ra một độ vênh nhất định về khuôn khổ pháp lý và cơ chế thực hiện.
Bên cạnh đó, các Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều nhấn mạnh việc sử dụng nguồn lực của BHTGVN nhằm hỗ trợ phục hồi, xử lý các tổ chức tín dụng quy mô nhỏ gặp vấn đề. Để tạo hành lang pháp lý triển khai những chủ trương này, cần có quy định cụ thể trong Luật BHTG và đảm bảo sự thống nhất của luật này với các luật có liên quan như Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD.
Tại Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả về chính sách tiền tệ, ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng và hoạt động ngân hàng, trong đó có Luật BHTG. Trước đó, Đề án tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã đề cập tới nội dung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và một số luật khác.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG được đặt ra ở thời điểm này là khẩn thiết, có tính chất nền tảng nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người gửi tiền, bảo vệ an toàn hệ thống ngân hàng.
Ông Vũ Văn Long – Phó Tổng giám đốc BHTGVN cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của NHNN, BHTGVN đã chủ động tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình thực thi Luật BHTG, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng như các giải pháp phù hợp thực tiễn Việt Nam để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG. Tựu chung lại, những đề xuất sửa đổi, bổ sung thuộc 03 nhóm vấn đề:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung những nội dung của Luật BHTG nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao vị thế, vai trò của BHTGVN để tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD, nhằm bảo vệ tốt hơn, kịp thời hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Luật BHTG trong thời gian qua.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung Luật BHTG để thống nhất với các luật có liên quan như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD (Luật số 17/2017/QH14), Luật Phá sản…
Ông Vũ Văn Long cũng chia sẻ, trong thời gian tới, BHTGVN cần tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động; tích cực tham gia và phối hợp với NHNN và các cơ quan liên quan trong quá trình cơ cấu lại, xử lý các TCTD yếu kém; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, hoạt động ngân hàng, chính sách BHTG và người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền ở vùng sâu, vùng xa và người gửi tiền tại các QTDND. Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Luật BHTG sẽ củng cố cơ sở pháp lý, khai thông vướng mắc để BHTGVN tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và sự phát triển an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng./.