Đánh giá về hoạt động quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, giai đoạn 2011-2015 và những tác động đối với nền kinh tế tại Hội thảo, GS. TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, trong giai đoạn 5 năm vừa qua (2011-2015), trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô phát sinh với mức độ ngày càng lớn, đặc biệt là vấn đề lạm phát và những rủi ro đối với hệ thống tài chính - ngân hàng, NHNN với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối của Chính phủ đã nỗ lực chèo lái hoạt động tiền tệ và ngân hàng vượt qua những bất ổn, đảm bảo sự ổn định và an toàn của hệ thống, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Toàn ngành đã thu được những thành công được xã hội đồng thuận, ghi nhận và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước, xã hội và các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế. Bên cạnh đó, tỷ giá và thị trường ngoại hối diễn biến ổn định góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, nâng cao vị thế VND, hỗ trợ tích cực cho lộ trình chống đô la hóa.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), trong 5 năm triển khai chính sách tiền tệ vừa qua, chưa bao giờ Việt Nam đạt được sự đồng thuận đến như vậy, từ Chính phủ, NHNN, các bộ ban ngành, các doanh nghiệp đều hưởng ứng chính sách này để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD.
Đồng tình với ý kiến trên, ông ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng cho rằng, 5 năm qua bên cạnh việc góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ còn loại bỏ nguy cơ đổ vỡ, đảm bảo thanh khoản cho các TCTD. Bên cạnh đó, việc ổn định thị trường vàng, chống vàng hóa và bình ổn thị trường ngoại tệ là những thành công quan trọng của ngành ngân hàng.
Đối với nợ xấu, trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được khoảng hơn 458 nghìn tỉ đồng nợ xấu, 45% số nợ xấu đó được xử lý bởi VAMC. Việc hoàn thiện khung pháp lý cho tái cơ cấu TCTD và sự ra đời của VAMC đã tạo nền móng cho thị trường mua bán nợ. Có thể nói, thành công của việc đưa nợ xấu về đích 3% đã được thực hiện theo cách thức riêng biệt phù hợp với bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam.
Tỷ lệ lạm phát được kiềm chế, giảm ổn định và hiện đang ở mức thấp (dưới 2% giai đoạn 2014 – 2015). Tăng trưởng tín dụng hợp lý, đạt được mục tiêu điều hành, phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và có sự phục hồi qua các năm với tốc độ tăng trưởng lần lượt được cải thiện, cụ thể năm 2012 là 8,85%; năm 2013 là 12,51%; năm 2014 là 14,16%; 6 tháng đầu năm 2015 tăng 7,83%. Tỷ giá và thị trường ngoại hối diễn biến ổn định góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, nâng cao vị thế VND, hỗ trợ tích cực cho lộ trình chống đô la hóa.
Tuy nhiên, trước những diễn biến của kinh tế quốc tế và trong nước còn chưa ổn định, khó lường, để thực hiện hiệu quả vai trò của cơ quan tiền tệ quốc gia, đặc biệt với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, NHNN nên tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả điều hành CSTT theo hướng linh hoạt hơn nhằm ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững phù hợp các mục tiêu vĩ mô đề ra trong giai đoạn 2016 – 2020.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao những ý kiến của các chuyên gia về công tác điều hành của NHNN và đề xuất về định hướng chiến lược thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng các công cụ chính sách được NHNN sử dụng là phù hợp, cụ thể là đối với công cụ tái cấp vốn. Nếu như cách đây vài năm, NHNN rất vất vả trong hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM thì hiện NHNN không cần tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản do thị trường và tính cạnh tranh, quản trị tại các NH đang được duy trì tốt.
Liên quan tới vấn đề tỷ giá, bà Hồng cho rằng tỷ giá tăng lên kịch trần là do diễn biến tâm lý dưới tác động của việc giảm giá liên tục của CYN và FED tăng lãi suất. Nhưng NHNN có cơ sở để nhận định nếu xét về cung cầu thì nhu cầu mua bán ngoại tệ bình thường, không có đột biến. Nhu cầu của DN và người dân vẫn được TCTD đáp ứng kịp thời và đầy đủ. Trong tháng 10, cả nước xuất siêu 500 triệu USD và tháng 11 tiếp tục xuất siêu 260 triệu USD. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI, kiều hối vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Lãnh đạo NHN quán triệt lại phương châm của Thống đốc là điều hành luôn hướng tới nâng cao vị thế của VND, không chủ quan với lạm phát kết hợp giữa tỉ giá và lãi suất theo hướng nắm giữ VND, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, tìm ra giải pháp điều hành tốt, tiến hành thanh tra giám sát chặt. Bên cạnh đó, truyền thông là công cụ truyền dẫn vô cùng hiệu quả. Nếu truyền thông tốt, đúng định hướng sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho hoạt động chính sách.