Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Giám đốc BHTGVN - ông Bùi Khắc Sơn nhận định: Năm 2012 và nửa đầu năm 2013 là giai đoạn khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng, trong đó các ngân hàng phải thực hiện quá trình tái cấu trúc đồng bộ với hoạt động xử lý nợ xấu. Kinh nghiệm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cho thấy tổ chức BHTG tham gia rất hiệu quả vào quá trình tái cấu trúc ngân hàng, xử lý êm thấm các ngân hàng yếu kém, giữ vững trật tự thị trường. Công cụ BHTG thực sự phát huy vai trò an dân và khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng, tăng cường sự phát triển bền vững của nền kinh tế thị trường. Hàn Quốc là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc ngăn chặn tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng thông qua việc giải quyết êm thấm ngân hàng đổ vỡ và nợ xấu của các tổ chức tham gia BHTG, góp phần bảo đảm an toàn lành mạnh hệ thống ngân hàng và duy trì bền vững mạng an toàn tài chính quốc gia.
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia từ KDIC đã lần lượt trình bày các vấn đề liên quan đến tổ chức BHTG như: Tổng quan về quá trình hình thành và phát triển của KDIC, vai trò, chức năng của KDIC trong mạng an toàn tài chính quốc gia… Bên cạnh đó, bài thuyết trình về hệ thống giám sát của KDIC đã cụ thể hóa các nội dung quan trọng: nhiệm vụ và các công cụ pháp lý, thực trạng hệ thống ngân hàng tại Hàn Quốc và hệ thống giám sát rủi ro. Hệ thống giám sát rủi ro của KDIC với các quy trình: phát hiện, đánh giá, xác nhận và kiểm soát rủi ro chặt chẽ; sử dụng hệ thống phân tích thông tin tài chính được số hóa hiện đại, mô hình đánh giá và dự báo rủi ro REFS hiệu quả. Đồng thời, với cơ chế chia sẻ thông tin được thực hiện nhịp nhàng với các thành viên khác trong mạng an toàn tài chính quốc gia như: Ủy ban giám sát tài chính, Ủy ban chính sách tiền tệ, Uỷ ban dịch vụ tài chính, Bộ chiến lược và tài chính đã tăng cường tính triệt để và hiệu quả của hoạt động phát hiện, giám sát và xử lý rủi ro của KDIC, từ đó góp phần duy trì an toàn lành mạnh hệ thống tài chính - ngân hàng.Ngoài ra, các chuyên gia từ KDIC cũng chia sẻ một số kinh nghiệm và nguyên tắc, phương pháp xử lý các tổ chức tài chính đổ vỡ, cụ thể là một số hình thức được các tổ chức BHTG trên thế giới sử dụng rộng rãi hiện nay như: thanh lý/phá sản, mua lại và tiếp nhận nợ thay (P&A), ngân hàng bắc cầu và hỗ trợ ngân hàng mở (OBA). Phần hỏi – đáp diễn ra sôi nổi với những trao đổi, thảo luận giữa các diễn giả và đại biểu đã làm sáng tỏ thêm nhiều nội dung liên quan tới hoạt động giám sát rủi ro và xử lý ngân hàng đổ vỡ tại Hàn Quốc.
Phát biểu bế mạc, ông Bùi Khắc Sơn nhấn mạnh: Hội thảo “Kinh nghiệm giám sát rủi ro và xử lý ngân hàng đổ vỡ tại Hàn Quốc” là cơ hội tốt để hai tổ chức BHTG chia sẻ những kinh nghiệm về giám sát và xử lý nợ xấu ngân hàng, lành mạnh hóa hệ thống tài chính nhằm mục tiêu cuối cùng là phát triển bền vững, lớn mạnh nền kinh tế. Thay mặt Ban lãnh đạo BHTGVN, ông Bùi Khắc Sơn gửi lời chúc sức khỏe và cảm ơn đến Ban lãnh đạo KDIC, đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác song phương giữa BHTGVN và KDIC trong thời gian tới.