Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Vai trò của mô hình ngân hàng xanh trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế - kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách” do PGS.TS Trần Thị Thanh Tú làm Chủ nhiệm và Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tài trợ. Mục tiêu chính của hội thảo là hỗ trợ nâng cao nhận thức cũng như thúc đẩy tiến trình tham gia của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính xanh, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đề cập tới chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt với ba mục tiêu cụ thể: Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị tăng cao; Nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát khí thải nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách đã trình bày báo cáo và thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến việc thực thi chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020. Cụ thể là tập trung phân tích thực trạng triển khai mô hình Ngân hàng xanh cũng như đưa ra một số khuyến nghị áp dụng mô hình Ngân hàng xanh tại Việt Nam; đánh giá nhận thức chung cũng như nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và mức độ đáp ứng các sản phẩm dịch vụ tài chính xanh của các ngân hàng thương mại Việt Nam, qua đó đề xuất một số biện pháp nhằm thu hút doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư xanh cũng như gia tăng sự tham gia của hệ thống ngân hàng trong việc cung cấp các nguồn tín dụng xanh.
Nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng, việc xây dựng mô hình Ngân hàng xanh là một giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn lực phục vụ cho phát triển bền vững của các quốc gia. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam, Ngân hàng xanh vẫn còn là một khái niệm mới do tầm quan trọng đối với yêu cầu bảo vệ môi trường chưa được đánh giá đúng mức khi so với những mục tiêu về tăng trưởng tại Việt Nam. Do đó, nhận thức của bản thân các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp Việt Nam về Ngân hàng xanh chỉ ở mức độ cơ bản nhất – Cấp độ 1 trong 5 cấp độ của Mô hình hoạt động Ngân hàng xanh.
Do vậy, theo các chuyên gia để khắc phục tình trạng này, Chính phủ cần xây dựng, ban hành các biện pháp, chính sách khuyến khích phát triển hoạt động Ngân hàng xanh như: thuế, phí, hỗ trợ tín dụng xanh; Xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đầu tư xanh; Tuyên truyền, quảng bá đến người tiêu dùng ý thức sử dụng hàng hóa sản phẩm xanh nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xanh. Bên cạnh đó, các NHTM cũng cần nâng cao hơn nữa nhận thức của các nhà quản lý ngân hàng cũng như doanh nghiệp về lợi ích của Ngân hàng xanh; Thiết lập bộ phận chuyên trách thẩm định và phát triển tín dụng xanh; đưa đánh giá rủi ro môi trường thành yêu cầu bắt buộc cho các khoản tín dụng xanh.
Hội thảo mở ra hướng nghiên cứu mới về vai trò của Ngân hàng xanh trong xanh hóa nền kinh tế, tạo ra diễn đàn trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về phát triển dịch vụ ngân hàng tài chính xanh, kết nối các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách mở rộng hướng nghiên cứu theo chiều sâu về phát triển bền vững nền kinh tế.
Phòng TTTT
- Ngân hàng xanh là ngân hàng bền vững, đặt lợi ích của ngân hàng gắn liền với lợi ích của môi trường, xã hội. Ngân hàng xanh hoạt động như một ngân hàng truyền thống, trong đó cung cấp các sản phẩm – dịch vụ vượt trội cho khách hàng và triển khai các chương trình giúp ích môi trường, cộng đồng.
- Tín dụng Ngân hàng xanh là những khoản cấp tín dụng mà ngân hàng cấp cho các dự án không gây rủi ro hoặc nhằm bảo vệ môi trường. |