Trong thời gian qua, lãnh đạo cao nhất của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã nhiều lần chỉ đạo việc xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế để huy động nguồn lực của BHTGVN tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng một cách hiệu quả, phù hợp. Chủ trương này đã từng bước được hiện thực hóa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (2017). Theo đó, trong bối cảnh hiện tại, vai trò tham gia tái cơ cấu của tổ chức BHTG thể hiện rõ nhất trong quá trình củng cố và xử lý các tổ chức tín dụng quy mô vừa và nhỏ, trong đó có QTDND gặp vấn đề.
Trước yêu cầu của Thống đốc NHNN về việc xây dựng quy định nội bộ của BHTGVN về cử nhân sự đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện để chỉ định nhân sự giữ các chức danh chủ chốt tại QTDND được kiểm soát đặc biệt theo đề nghị của NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố, BHTGVN đã nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cũng như kinh nghiệm triển khai của các đơn vị có liên quan. Sau quá trình nghiên cứu, soạn thảo kỹ lưỡng, tháng 6/2023, BHTGVN đã ban hành Quy định tạm thời về việc cử nhân sự giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc QTDND được kiểm soát đặc biệt (Quy định tạm thời). Đây là một bước tiếp nối trong việc thực hiện chủ trương huy động nguồn lực của tổ chức BHTG hỗ trợ phục hồi QTDND gặp vấn đề đã được triển khai thời gian qua.
Sàng lọc, đề cử nhân sự giữ vị trí quản trị, điều hành QTDND được kiểm soát đặc biệt
Khoản 1, Điều 37 Luật Các TCTD quy định: “Ngân hàng Nhà nước có quyền đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực thi quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch, các thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Trưởng ban, các thành viên Ban kiểm soát, người điều hành tổ chức tín dụng vi phạm quy định tại Điều 34 của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền miễn nhiệm, bầu, bổ nhiệm người thay thế hoặc chỉ định người thay thế nếu xét thấy cần thiết”. Theo đó, NHNN có quyền chỉ định người thay thế, giữ các chức vụ Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Trưởng ban và các thành viên Ban Kiểm soát, người điều hành QTDND được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp cần thiết. Đây là cơ sở pháp lý để NHNN thực hiện can thiệp sớm, chỉ định nhân sự giữ vai trò lãnh đạo chủ chốt của TCTD có vấn đề, qua đó tạo điều kiện cho QTDND trở lại hoạt động bình thường, hạn chế nguy cơ lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản.
Nhằm triển khai chỉ đạo của NHNN, Quy định tạm thời về việc cử nhân sự giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc QTDND được kiểm soát đặc biệt ban hành kèm theo Quyết định số 375/QĐ-BHTG ngày 30/6/2023 của Hội đồng quản trị BHTGVN đã chỉ rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc cử nhân sự; đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn nhân sự được cử; hình thức, thẩm quyền, thời hạn, quy trình cử nhân sự cũng như chế độ báo cáo của nhân sự được cử trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, xác định chế độ tiền lương, thưởng, phúc lợi và các chế độ chính sách khác đối với nhân sự được cử; đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng, bố trí, sắp xếp nhân sự được cử sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Theo Quy định tạm thời, sau khi có yêu cầu của NHNN về việc cử nhân sự, BHTGVN sẽ ban hành chủ trương triển khai. Chi nhánh BHTGVN có QTDND tương ứng nằm trên địa bàn được phân công, ủy quyền quản lý thực hiện rà soát nhân sự đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn; thảo luận, thống nhất lựa chọn nhân sự dự kiến được cử và trao đổi với nhân sự dự kiến về yêu cầu, nhiệm vụ công tác mới. Đối tượng thuộc diện xem xét đề cử là người lao động giữ chức vụ lãnh đạo tại Chi nhánh, bao gồm: Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng. Chi nhánh BHTGVN báo cáo Tổng Giám đốc trình Hội đồng quản trị BHTGVN phê duyệt nhân sự dự kiến được cử. Sau khi Hội đồng quản trị phê duyệt, BHTGVN sẽ báo cáo NHNN về việc cử nhân sự thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu. Trên cơ sở đó, NHNN xem xét, quyết định chỉ định nhân sự của BHTGVN giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc QTDND đang được kiểm soát đặc biệt.
Để chuẩn bị cho việc triển khai nhiệm vụ này, BHTGVN đã tổ chức khóa đào tạo nghiệp vụ về quản trị, điều hành QTDND vào đầu năm 2023. Hiện, cán bộ nguồn thuộc BHTGVN đủ điều kiện đề cử giữ vị trí quản trị, điều hành QTDND được kiểm soát đặc biệt đã hoàn thành khóa đào tạo cơ bản lần 1. Các giảng viên tham gia đào tạo là những nhân sự có kinh nghiệm quản lý, giám sát hoạt động hệ thống QTDND cũng như những nhân sự trực tiếp quản trị, điều hành tại các QTDND có quy mô vừa và lớn. BHTGVN hiện đang xây dựng khóa đào tạo chuyên sâu lần 2 nhằm tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ nguồn nhân lực nội bộ, sẵn sàng đáp ứng khi NHNN có yêu cầu.
Trước đây, trên cơ sở quy định của Luật BHTG và Luật Các TCTD, BHTGVN đã cử cán bộ tham gia các Ban Kiểm soát đặc biệt theo yêu cầu của NHNN. Với việc cử nhân sự từ BHTGVN tham gia quản trị, điều hành TCTD gặp vấn đề, NHNN có thêm công cụ nhằm triển khai hoạt động bình thường của TCTD đúng theo quy định của pháp luật cũng như tạo thuận lợi trong việc xây dựng và triển khai phương án phục hồi sau khi được phê duyệt.
Sớm hoàn thiện cơ chế huy động nhân sự từ BHTGVN tham gia quản trị, điều hành QTDND gặp vấn đề
Là lần đầu tiên ban hành quy chế nội bộ về việc cử nhân sự giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc QTDND được kiểm soát đặc - một mảng hoạt động đặc thù. Do đó, việc triển khai Quy định tạm thời nói trên trước hết mang ý nghĩa thí điểm một hoạt động nghiệp vụ mới của BHTGVN, cần trải qua một quá trình thực hiện, đồng thời sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và hoàn thiện nhằm phục vụ quá trình soạn thảo, ban hành văn bản chính thức. Bên cạnh đó, với phạm vi chức năng, quyền hạn của mình, Quy định tạm thời vẫn còn những tồn tại, bất cập cần được giải quyết trong quá trình hoàn thiện cơ chế trong thời gian tới.
Cụ thể, tại Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể, đầy đủ, thống nhất từ cấp độ Luật, Nghị định, Thông tư tới các quy chế nội bộ tổ chức về việc tổ chức BHTG cử cán bộ tham gia giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc QTDND được kiểm soát đặc biệt. Như vậy, BHTGVN ban hành Quy định tạm thời chỉ có hiệu lực trong phạm vi tổ chức; chưa có cơ chế, trình tự, thủ tục về việc phối hợp liên ngành, liên cơ quan trong công tác cử nhân sự từ các cấp văn bản cao hơn. Do đó, cần xây dựng hệ thống cơ chế chính sách tạo hành lang thông thoáng cho việc triển khai mảng nghiệp vụ đặc biệt này.
Trên thực tế, việc cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành QTDND được kiểm soát đặc biệt đang được thực hiện như sau: NHNN yêu cầu, BHTGVN đề xuất nhân sự, NHNN xem xét, chỉ định nhân sự phù hợp giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc QTDND được kiểm soát đặc biệt. Như vậy, nhân sự này có hợp đồng lao động với BHTGVN, song được cử đi theo một quyết định của NHNN, thực hiện nhiệm vụ do NHNN giao, tới công tác tại đơn vị thứ ba là QTDND, thậm chí có thể giữ vai trò người đại diện trước pháp luật của QTDND. Do đó, cần xác định rõ mối quan hệ lao động của nhân sự này với các bên có liên quan phù hợp với quy định hiện hành để có thể triển khai các chế độ, chính sách về lao động, tiền lương, BHXH, BHYT...
Bên cạnh đó, vị trí công tác này cũng có những thử thách đặc thù, vượt ngoài khuôn khổ nghiệp vụ BHTG thông thường. Do đó, chế độ tiền lương, tiền thưởng, thi đua khen thưởng đối với cán bộ được cử giữ chức danh quản trị, điều hành tại QTDND gặp vấn đề cần duy trì không thấp hơn so với thời điểm chưa được điều động; nhưng vẫn phải tuân thủ theo các quy định hiện hành của Luật, Nghị định và Thông tư hướng dẫn do NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành.
Tuy nhiên, cơ chế tài chính hiện tại chưa cho phép BHTGVN xây dựng các khoản dự trù kinh phí, quỹ lương phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cán bộ được giao nhiệm vụ quản trị, điều hành QTDND. Do đó, song song với quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý, việc xác định cơ chế tài chính phục vụ cho hoạt động này là vô cùng quan trọng, cần được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Từ góc độ tổ chức BHTG – đơn vị chọn lọc, đề xuất cán bộ để NHNN quyết định, nhân sự được cử đi theo Quy định tạm thời thường là cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, là cán bộ chủ chốt tại đơn vị. Do đó, trong trường hợp cần cử một số lượng lớn cán bộ tham gia nhận nhiệm vụ tại QTDND, BHTGVN sẽ gặp khó khăn trong việc sàng lọc, lựa chọn nhân sự. Mặt khác, việc cử cán bộ nhận nhiệm vụ tại QTDND được kiểm soát đặc biệt, nếu được thực hiện trên quy mô lớn cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến công tác quy hoạch cán bộ, BHTGVN tạm thời thiếu hụt cục bộ nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này đòi hỏi BHTGVN phải không ngừng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực nội bộ, thực hiện công tác nhân sự bài bản, có lớp lang, linh hoạt, dự trù các tình huống cần cử cán bộ nhận nhiệm vụ theo yêu cầu của NHNN.
Cũng cần thấy rằng TCTD được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt đồng nghĩa với việc đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng, không thể xử lý trong ngắn hạn, thậm chí đối mặt với nguy cơ đổ vỡ. Gánh nặng trách nhiệm đặt lên vai nhân sự được chỉ định giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Quỹ là vô cùng nặng nề. Trong một số trường hợp hãn hữu, vì những lý do khách quan và chủ quan, QTDND không thực hiện thành công phương án phục hồi đã được phê duyệt, buộc phải dẫn tới bước phá sản và BHTGVN đứng ra chi trả BHTG. Trong quá trình hoàn thiện cơ chế cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành QTDND được kiểm soát đặc biệt, cần xem xét, ban hành cơ chế miễn trách, bảo vệ quyền lợi của nhân sự được cử tham gia quản trị, điều hành QTDND yếu kém được KSĐB.
Có thể nói, việc cử nhân sự giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc QTDND được kiểm soát đặc biệt là một hoạt động quan trọng, giúp huy động nguồn lực của BHTGVN trong quá trình tái cơ cấu các TCTD. Trong thời gian tới, xây dựng, hoàn thiện một cách toàn diện cơ chế phục vụ công tác cử nhân sự là khẩn thiết và là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả của hoạt động này, qua đó tạo điều kiện cho BHTGVN và cán bộ BHTGVN thực hiện thành công nhiệm vụ được giao