Báo cáo sử dụng kho dữ liệu lớn và nhiều năm của IADI để tìm ra xu hướng về tiền gửi không được bảo hiểm cũng như được bảo hiểm có liên quan đến sự phát triển kinh tế và chức năng của tổ chức BHTG tại các nước trên thế giới. Báo cáo phân tích xung quanh 3 khái niệm: Mức độ bảo vệ, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ và tỷ lệ tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm.
IADI công bố Báo cáo tóm tắt chính sách số 8: “Tiền gửi không được bảo hiểm - các vấn đề liên quan và sự phát triển theo thời gian”
Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) quốc tế (IADI) vừa công bố Báo cáo tóm tắt chính sách số 8 của IADI: “Tiền gửi không được bảo hiểm - các vấn đề liên quan và sự phát triển theo thời gian”.
Về mức độ bảo vệ, có sự chênh lệch đáng kể giữa nhóm các nền kinh tế lớn G20. Hạn mức BHTG trung bình là 2,5 lần GDP bình quân đầu người, cao nhất hiện nay là tại Indonesia (32,4 lần) và Mexico (13,8 lần).
Theo số liệu của IADI thu thập được của các tổ chức BHTG từ 53 nước, tỷ lệ hạn mức BHTG trên GDP bình quân đầu người cao nhất là khu vực Mỹ Latin (5,2 lần), tiếp theo đó là khu vực Châu Âu (2,8 lần), Châu Phi (2,4 lần), Bắc Mỹ và Caribê (1,7 lần) và Châu Á-Thái Bình Dương (1,5 lần). Ngoài ra, các tổ chức áp dụng mô hình chi trả có hạn mức thấp nhất tính theo GDP bình quân đầu người (1,5 lần), cao nhất là các tổ chức áp dụng mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng (3,5 lần), các mô hình còn lại cũng được đưa vào so sánh là mô hình giảm thiểu rủi ro (2,6 lần) và mô hình giảm thiểu tổn thất (2,3 lần).
Về tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ, dữ liệu của IADI cho thấy trên phạm vi toàn cầu, có 98% người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ và tỷ lệ cao này đã được duy trì ổn định từ năm 2015. Ở nhóm các nền kinh tế lớn G20, tỷ lệ BHTG lớn hơn hoặc bằng mức trung bình tỷ lệ toàn cầu. Ở các nước sử dụng mô hình chi trả, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ (94%) thấp hơn các mô hình khác là mô hình chi trả mở rộng (99%), mô hình giảm thiểu rủi ro (98,6%) và mô hình giảm thiểu tổn thất (97,7%).
Đối với tỷ lệ tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm, theo Báo cáo, tiền gửi được bảo hiểm chiếm 41%, lượng tiền gửi không được bảo hiểm chiếm 59%. Nói chung, một nền kinh tế càng phát triển thì tỷ lệ bảo hiểm theo giá trị tiền gửi càng cao. Tỷ lệ BHTG theo giá trị tiền gửi cao nhất là ở Châu Âu (khoảng 60%) và Bắc Mỹ (40%) còn thấp nhất là ở Châu Phi (25%). Dữ liệu của IADI cũng chỉ ra rằng, các tổ chức BHTG hoạt động theo mô hình chi trả (26%) thì có tỷ lệ BHTG theo giá trị tiền gửi thấp hơn các tổ chức áp dụng các mô hình khác như mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng (41%), mô hình chi trả giảm thiểu rủi ro (53%) và mô hình chi trả giảm thiểu tổn thất (39%).
Tiền gửi không được bảo hiểm tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến xảy ra tình trạng rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng. Do đó, báo cáo khuyến nghị một số lưu ý như sau:
Các nhà hoạch định chính sách phải xác định rõ ràng hạn mức và phạm vi bảo hiểm tiền gửi. Phạm vi nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền nhưng phải đảm bảo có một giá trị tiền gửi đáng kể tuân theo kỷ luật thị trường.
Tỷ lệ hạn mức cao có thể giảm rủi ro rút tiền hàng loạt và tăng tính ổn định tài chính hiệu quả. Việc tăng hạn mức có thể dẫn đến gia tăng rủi ro đạo đức và đòi hỏi tổ chức BHTG phải nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng phù hợp với hạn mức. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao năng lực tài chính, các tổ chức BHTG cần có sẵn cơ chế cấp vốn dự phòng để đảm bảo nguồn quỹ.
Ngoài BHTG, người gửi tiền có thể được bảo vệ trong quá trình xử lý đổ vỡ ngân hàng. Ví dụ, khi xử lý thông qua biện pháp mua lại và tiếp nhận nợ (P&A), các khoản tiền gửi sẽ được chuyển sang ngân hàng mua lại, điều này làm tăng tỷ lệ bảo vệ người gửi tiền hơn so với việc tổ chức BHTG chi trả cho người gửi tiền. Điều này phụ thuộc vào niềm tin của người gửi tiền vào các công cụ xử lý và từ đó ổn định nền tài chính.
Phòng NCTH&HTQT