Cuối năm 2022, Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) đã công bố kết quả khảo sát thường niên trên toàn cầu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) và mạng an toàn tài chính. Khảo sát được thực hiện với sự tham gia của 108 tổ chức BHTG thuộc 94 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 85% các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thông qua kết quả khảo sát, IADI chia sẻ những kiến thức về các đặc điểm chính của tổ chức BHTG như nhiệm vụ, phương thức quản trị điều hành, tư cách thành viên, phạm vi bảo hiểm, hạn mức, phí bảo hiểm, nguồn vốn… và vai trò của các tổ chức BHTG trong quản lý khủng hoảng hệ thống tài chính và xử lý ngân hàng.
Về quản trị và nhiệm vụ: Đa số tổ chức BHTG là các tổ chức công do Nhà nước quản lý. Chỉ có 8,3 % là các tổ chức do tư nhân thành lập và quản lý. Khoảng 23% các tổ chức hoạt động với mô hình chi trả, 42% hoạt động với mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng (như hỗ trợ tài chính, mua lại v.v.), 28% hoạt động với mô hình giảm thiểu rủi ro hoặc giảm thiểu tổn thất, 7% hoạt động theo mô hình khác.
Thành viên và hạn mức BHTG: Tổ chức nhận tiền gửi bắt buộc phải tham gia BHTG tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng, hợp tác xã tài chính chiếm đa số và các tài khoản tiết kiệm là loại hình sản phẩm tài chính được bảo hiểm chủ yếu.
Do điều kiện thể chế, kinh tế - xã hội và danh mục các sản phẩm tài chính được bảo hiểm khác nhau, hạn mức BHTG dao động từ 79 đô la Mỹ đến 852.000 đô la Mỹ. Việc bảo hiểm toàn bộ vẫn còn được áp dụng tại một số nước.
Nguồn vốn: Trên 90% tổ chức BHTG hoạt động theo cơ chế cấp vốn trước từ nguồn thu phí BHTG từ các tổ chức thành viên. Có khoảng 45% các tổ chức BHTG sử dụng hệ thống phí phân biệt trên cơ sở đánh giá hồ sơ rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG.
Chi trả: Các tổ chức BHTG đã dành nhiều nguồn lực hơn để nâng cao hoạt động chi trả tiền bảo hiểm và giảm được đáng kể thời gian chờ chi trả. Đến nay, số ngày chi trả trung bình đã giảm xuống còn 7 ngày tại 60% các tổ chức BHTG.
Khung xử lý: Vai trò của tổ chức BHTG trong việc ra quyết định xử lý đã được mở rộng. Các tổ chức hoạt động theo mô hình giảm thiểu tổn thất hoặc giảm thiểu rủi ro (đã tăng từ 21% năm 2011 lên 28% các tổ chức BHTG vào năm 2021) tham gia chủ động và tích cực vào quá trình xác định các phương thức xử lý ngân hàng đổ vỡ. Các biện pháp xử lý được áp dụng nhiều nhất là P&A (chiếm 34%), chi trả tiền bảo hiểm (chiếm 20,5%), thanh lý (chiếm 19,9%).
Kết quả khảo sát cho thấy xu hướng tích cực trong việc củng cố hệ thống bảo hiểm tiền gửi của các quốc gia và vùng lãnh thổ; hướng tới mục tiêu đáp ứng, phù hợp hơn với các nguyên tắc trong Bộ nguyên tắc phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của IADI. Trong đó, nguyên tắc chi phí tối thiểu được đa số các tổ chức áp dụng khi xác định phương pháp xử lý đổ vỡ (66/108 tổ chức, chiếm hơn 61%). Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng thể hiện một số thay đổi trong chính sách BHTG. Cụ thể, các sản phẩm có giá trị lưu trữ trên nền tảng kỹ thuật số như tiền ảo, tiền điện tử… đã được một số tổ chức BHTG chấp nhận là sản phẩm tài chính được bảo hiểm (7/108 tổ chức, chiếm 6,5%, tăng 6 tổ chức so với kết quả khảo sát năm 2021).