Tài liệu được xây dựng dựa trên Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của IADI, Hướng dẫn của IADI về Hạn mức BHTG, dữ liệu từ Khảo sát thường niên của IADI và một khảo sát đặc biệt của IADI về Hạn mức được thực hiện vào tháng 6/2020.
Các tài liệu hướng dẫn hiện hành của IADI khuyến nghị nên xem xét điều chỉnh hạn mức BHTG thường xuyên hơn nếu lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, chỉ một nửa số tổ chức BHTG “định kỳ” xem xét hạn mức BHTG và thời gian giữa mỗi lần đánh giá là trên 5 năm bất kể lạm phát cao hay thấp. Tài liệu cũng không tìm thấy bằng chứng đáng kể về mối tương quan giữa lạm phát cao và việc đánh giá định kỳ thường xuyên hạn mức BHTG.
Đối với việc thay đổi hạn mức BHTG, nghiên cứu của IADI đã tìm thấy một số bằng chứng ban đầu cho thấy rằng hạn mức BHTG được điều chỉnh thường xuyên hơn ở những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao hơn.
Có 6 quốc gia điều chỉnh hạn mức BHTG theo lạm phát, một nửa trong số đó hạn mức sẽ được điều chỉnh theo cơ chế tự động. Theo đó, hạn mức BHTG không được thể hiện dưới giá trị tuyệt đối mà bằng chỉ số chống lạm phát (inflation-proof). Sự điều chỉnh của chỉ số này sẽ dẫn đến thay đổi hạn mức BHTG trên danh nghĩa mà không cần tới hành động của các nhà lập pháp hoặc tổ chức BHTG. Một nửa còn lại, điều chỉnh hạn mức BHTG theo cơ chế bán tự động và cần có quyết định của cơ quan quản lý.
Phần lớn các quốc gia (>90%) không điều chỉnh hạn mức BHTG theo lạm phát, có thể điều chỉnh hạn mức BHTG nếu cần thiết, thông qua quy trình pháp lý nhằm đánh giá mức độ phù hợp của hạn mức BHTG. Quy trình này có thể thực hiện một cách đơn giản nếu tổ chức BHTG có quyền hạn điều chỉnh hạn mức BHTG (cần hoặc không cần sự chấp thuận của một cơ quan có thẩm quyền khác) hoặc có thể phức tạp hơn nếu quy trình điều chỉnh pháp lý cần sự phê duyệt của Quốc hội. Trong mọi trường hợp, quy trình này cần được thực hiện một cách thận trọng và lạm phát sẽ là một trong các yếu tố được xem xét khi thay đổi hạn mức BHTG.
Việc thường xuyên thay đổi hạn mức BHTG theo lạm phát có thể tác động tiêu cực đến nhận thức công chúng. Ngoài ra, tăng hạn mức BHTG do lạm phát có thể tạo ra rủi ro tài chính đối với tổ chức BHTG nếu quy mô quỹ BHTG không tăng theo tỷ lệ tương ứng. Điều này có thể xảy ra trong thời kỳ lạm phát tăng cao đột ngột, thị trường tài chính bất ổn và rủi ro đổ vỡ ngân hàng tăng cao.
Bên cạnh thiết lập một hạn mức BHTG phù hợp, việc nghiên cứu những tác động khác của lạm phát tới tổ chức BHTG cũng rất quan trọng. Hướng nghiên cứu trong tương lai bao gồm ổn định tài chính vĩ mô, rủi ro đổ vỡ ngân hàng, ảnh hưởng của lạm phát tới tài sản ngân hàng và tỷ lệ thu hồi của tổ chức BHTG, việc sử dụng và hạn mức bảo vệ đối với tiền gửi bằng ngoại tệ.