Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Katsunori Mikuniya - Chủ tịch IADI, Thống đốc Tổng công ty BHTG Nhật Bản (DICJ) nhận định, lịch sử đã chứng minh rằng, quá trình xử lý đổ vỡ sẽ có kết quả khả quan trên cơ sở niềm tin của công chúng. Để có được điều này, bên cạnh việc xây dựng một cơ chế quản lý mạnh mẽ và tích cực, cần tăng cường hiệu quả tương tác và truyền thông giữa các cơ quan chức năng với công chúng.
“Thực tiễn khi xảy ra khủng hoảng tài chính cho thấy, tổ chức BHTG không có đủ thời gian và nguồn lực để thực hiện theo thứ tự cùng một lúc nhiều mục tiêu. Chính vì vậy, tích cực đẩy mạnh truyền thông, phổ biến kiến thức tài chính và đảm bảo minh bạch hoạt động khi thị trường tài chính đang trong điều kiện bình thường chính là mấu chốt để củng cố sự vững chắc cho tổ chức BHTG ” - ông Mikuniya nhấn mạnh.
Theo ông Nurlan Abdrakhmanov – Chủ tịch KDIF, những tồn đọng liên quan tới phổ biến kiến thức tài chính sẽ bắt đầu bộc lộ trong thời kỳ khủng hoảng, đặc biệt là khi xảy ra đổ vỡ ngân hàng. Cụ thể, người gửi tiền thường mong muốn khoản tiền gửi của mình sinh lời ở mức cao nhất, tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ hiểu biết về tài chính. Người ta có thể bỏ qua những nguy cơ rõ ràng và hoàn toàn không có biện pháp quản lý rủi ro nào. Hơn thế nữa, các ngân hàng hiện chưa thực sự quan tâm đến vấn đề hiểu biết tài chính và thói quen của khách hàng. Do đó, để đạt được mục tiêu này, qua đó góp phần cải thiện văn hóa và hành vi sử dụng các dịch vụ tài chính, cần có sự cam kết chung của người dân, của các ngân hàng và của Chính phủ về phổ biến kiến thức tài chính.
Trong lời đề dẫn hội thảo, Tổng thư ký IADI David Walker nhấn mạnh, vấn đề phổ biến kiến thức tài chính có rất khía cạnh và mục tiêu khác nhau đối với các nước phát triển cũng như tại các nước thuộc nhóm thị trường mới nổi. Nhìn chung, các nền kinh tế đã phát triển thường có mặt bằng hiểu biết về tài chính cao hơn, tuy nhiên vẫn có những nhóm công chúng nhất định cần được giúp đỡ. Do đó, lý tưởng nhất là việc phổ biến kiến thức tài chính nên được thực hiện từ trên ghế nhà trường. Trong khi đó, ở các nền kinh tế mới nổi, toàn bộ xã hội mới chỉ ở mức tiếp xúc sơ đẳng với ngành ngân hàng, và có tỷ lệ khá cao các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao trong hệ thống tài chính.
Theo ông Zhanat Kurmanov – Phó Thống đốc Ngân hàng quốc gia Kazakhstan, các cơ quan quản lý và các tổ chức BHTG đều có chung mục tiêu là đảm bảo hệ thống ngân hàng bền vững và hiệu quả. Để thực hiện mục tiêu này, yêu cầu thiết yếu là xây dựng toàn diện hệ thống tài chính dựa trên ba cột trụ: các quy định cẩn trọng và giám sát rủi ro; cơ chế đáng tin cậy nhằm xử lý đổ vỡ; và niềm tin của công chúng vào sự lành mạnh của hệ thống tài chính, bao gồm cả một hệ thống BHTG hiệu quả.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe các bài thuyết trình, các nghiên cứu trường hợp từ các chuyên gia hàng đầu của Canada, Colombia, Indonesia, Nhật Bản, Kazakhstan, Kenya, Hàn Quốc, Philippine, Ba Lan, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ Ukraine, Anh và Mỹ. Liên minh vì phổ cập dịch vụ tài chính, Viện Ổn định tà chính và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế cũng tham gia trình bày tại hội thảo và chia sẻ quan điểm về việc thúc đẩy truyền thông, phổ biến kiến thức tài chính cũng như minh bạch hoạt động.